Quan hệ NATO - Nga: 'Vòng xoáy' căng thẳng

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vừa tuyên bố Mátxcơva sẽ đình chỉ sứ mệnh của mình tại tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) sau khi liên minh quân sự cáo buộc nước này sử dụng các sĩ quan tình báo tại văn phòng của phái bộ. Trong bối cảnh quan hệ giữa các nước phương Tây và Nga chưa có dấu hiệu cải thiện, động thái này đã tiếp tục khiến mối quan hệ giữa NATO và Nga rơi vào 'vòng xoáy' căng thẳng.

Nhân viên an ninh tuần tra bên ngoài tòa nhà đặt văn phòng thông tin NATO ở Mátxcơva (Nga).

Theo Washington Post, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga S.Lavrov thông báo hôm 18-10 rằng phái bộ ngoại giao của nước này tại NATO sẽ ngừng hoạt động từ ngày 1-11 và mọi thông tin trao đổi giữa hai bên sẽ được thực hiện thông qua Đại sứ quán Nga tại Bỉ. Nga cũng đình chỉ các văn phòng liên lạc quân sự và thông tin của NATO ở Mátxcơva. Hành động đáp trả của Mátxcơva diễn ra chưa đầy hai tuần sau khi NATO trục xuất 8 thành viên của phái đoàn Nga với cáo buộc họ làm gián điệp "chìm", đồng thời giảm một nửa số nhân viên ngoại giao trong phái đoàn thường trực Nga tại tổ chức này (từ 20 người xuống 10 người).

Cơ quan đại diện ngoại giao của Nga tại NATO và văn phòng liên lạc quân sự của NATO tại Nga được thành lập năm 1998 để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ thông tin giữa hai bên. Năm 2003, Nga khởi động Phái đoàn thường trực tại NATO sau khi Hội đồng NATO - Nga (NRC) được thành lập ngày 28-5-2002 tại Rome, Italia. Việc thành lập Hội đồng NATO - Nga là một sự kiện trọng đại. Điều này được thể hiện rõ qua việc nguyên thủ của tất cả các quốc gia thành viên NATO cũng như Tổng thống Liên bang Nga đã tập trung tại Rome để ký Tuyên bố Rome về chất lượng mới của quan hệ NATO - Nga. Sau gần 20 năm kể từ khi NRC được thành lập, cả hai bên đã đưa ra các quyết định thực hiện phù hợp với lợi ích cơ bản của cả NATO và Nga, gồm chống khủng bố, tham gia vào hồ sơ Afghanistan, tăng cường hợp tác quân sự và kỹ thuật, giải quyết vấn đề kiểm soát vũ khí ở châu Âu...

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa NATO và Nga trở nên căng thẳng kể từ khi Mátxcơva sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014. Hợp tác chính thức của NRC cũng bị đình trệ từ đó. NATO đã giảm quy mô tối đa phái đoàn Nga từ 30 người xuống còn 20 người vào năm 2018, sau sự kiện điệp viên hai mang người gốc Nga Sergei Skripal bị đầu độc ở Anh mà các cơ quan tình báo phương Tây cho là một âm mưu ám sát. Trong bối cảnh quan hệ căng thẳng, Mátxcơva đã nhiều lần lên tiếng bày tỏ lo ngại về việc NATO triển khai các lực lượng gần biên giới Nga, cho rằng đây là mối đe dọa đối với an ninh của nước này. Nga và liên minh quân sự cũng đổ lỗi cho nhau vì đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự gây bất ổn gần biên giới. Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1-2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có thái độ cứng rắn hơn với Nga so với người tiền nhiệm Donald Trump, đồng thời thúc ép những người đồng cấp châu Âu trong NATO có cách tiếp cận tương tự.

Nếu quan hệ bình thường giữa NATO và Nga thực sự tồn tại, các nhà phân tích nhận định sẽ có một loạt "vấn đề cấp bách" cần giải quyết như: Vấn đề Afghanistan; căng thẳng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; khủng bố...

Chủ tịch Ủy ban đối ngoại tại Hạ viện Nga Leonid Slutsky cho biết, vị trí đặc phái viên của Nga tại Liên minh châu Âu hiện đang bị bỏ trống và động thái trục xuất các nhà ngoại giao Nga của NATO sẽ làm hỏng đối thoại giữa Mátxcơva và phương Tây. Các quốc gia khác trong khối quân sự cũng đã lên tiếng phàn nàn về sự rạn nứt giữa Nga và NATO. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas nhận định, giai đoạn “băng giá” giữa liên minh quân sự và Nga đã diễn ra trong một thời gian dài và vụ việc trên là "giọt nước tràn ly". Để giải quyết vấn đề này, Nga và NATO cần tăng cường đối thoại nhằm hóa giải những bất đồng đang âm ỉ lâu nay.

Thùy Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/1015268/quan-he-nato---nga-vong-xoay-cang-thang