Quan hệ thương mại giữa Việt Nam - ASEAN gần 10 năm qua
Hơn 27 năm qua kể từ khi gia nhập ASEAN, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với khối có những bước tiến vượt bậc. Đặc biệt khi ATIGA ra đời đã đánh dấu một bước 'chuyển mình' mới trong mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước thành viên Hiệp hội.
Năm 2010, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực đã đưa mối quan hệ thương mại nội khối bước sang một giai đoạn mới. Giai đoạn 2010 – 2021, thương mại giữa Việt Nam và ASEAN đã có sự tăng trưởng đáng kể.
ASEAN hiện là một trong những thị trường đối tác thương mại lớn của Việt Nam, có quy mô dân số gần 700 triệu người với văn hóa, lối sống có nét tương đồng. Chính vì vậy, hàng hóa của Việt Nam dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng tại các nước trong khối thông qua ATIGA.
Sau khi ATIGA có hiệu lực, Việt Nam đã hoàn thành cơ bản việc xóa bỏ thuế quan trong ASEAN vào năm 2015, chỉ còn 7% dòng thuế được linh hoạt đến 2018. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng được hưởng những ưu đãi tương tự.
Tuy nhiên hiệp định này cũng mang lại những khó khăn nhất định, đặc biệt trong vấn đề cạnh tranh hàng hóa “không lành mạnh”. Cụ thể, đối với các mặt hàng nông sản, từ năm 2018 đến nay, ngành đường nội địa phải chịu sức ép lớn khi các doanh nghiệp Thái Lan đã bán phá giá, nhập lậu và gian lận thương mại. Trước tình trạng trên, phía Bộ Công Thương đã áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng này.
Việt Nam luôn nhập siêu từ ASEAN
Trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam – ASEAN gần 10 năm qua, cán cân thương mại luôn nghiêng về phía các nước khu vực. Giai đoạn 2013 – 2021, trong khi nhập khẩu của Việt Nam từ ASEAN luôn tăng trưởng đều qua các năm với mức tăng trung bình 28%/năm thì xuất khẩu của Việt Nam lại có sự tăng trưởng kém đồng đều hơn.
Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam từ thị trường này là các mặt hàng công nghiệp, nguyên nhiên liệu. Tuy nhiên, nhìn chung các sản phẩm không có sự tăng trưởng vượt trội so với năm 2013.
Trong khi đó, nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lại có sự tăng trưởng vượt trội. Đặc biệt, hạt điều tăng tới 1742%, từ 105 triệu USD năm 2013 lên 1,9 tỷ USD vào năm 2021, chủ yếu là điều thô. Campuchia là thị trường cung cấp điều thô lớn nhất cho Việt Nam. Trong khi đó, Thái Lan luôn giữ vị trí nhất bảng trong các nước thành viên cung cấp hàng hóa cho Việt Nam.
Các mặt hàng nhập khẩu chính từ thị trường ASEAN chủ yếu là các sản phẩm công nghiệp, trong đó Thái Lan là nguồn cung ô tô lớn nhất cho Việt Nam. So với năm 2013, số lượng nhập khẩu ô tô từ quốc gia này đã tăng từ 3.297 năm 2013 chiếc lên 80.903 chiếc năm 2021, tương ứng từ 59,8 triệu USD lên 1,5 tỷ USD.
Sau Thái Lan, Malaysia xuất khẩu 8,1 tỷ USD, hàng hóa vào Việt Nam, chiếm 19%; Indonesia đạt 7,6 tỷ USD, chiếm 18%.
Xuất khẩu đã phát triển như thế nào trong gần 10 năm qua
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này có phần kém khởi sắc hơn. Đặc biệt, trong hai năm 2015 và 2016, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận rõ rệt về sự sụt giảm này. Lý giải về điều này, các chuyên gia cho rằng trong giai đoạn này Việt Nam đang thực hiện giảm thuế theo cam kết của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), do vậy các nước đã tận dụng cơ hội, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng vào Việt Nam.
Các thị trường nhập khẩu lớn từ Việt Nam như Indonesia, Malaysia và Singapore trong giai đoạn 2015 – 2016 đều ghi nhận giảm. Riêng đối với thị trường Indonesia, hàng hóa từ Việt Nam xuất vào thị trường này trong năm 2016 đều giảm, bao gồm các sản phẩm công nghiệp, nguyên liệu và nông sản. Giảm mạnh nhất là mặt hàng clanke và xi măng, giảm tới 87%; mặt hàng có kim ngạch lớn nhất là điện thoại và linh kiện cũng giảm 10%. Trong khi đó, gạo chịu sự sụt giảm tới 50%.
Về thị trường, Thái Lan luôn là thị trường xuất khẩu có sự tăng trưởng đồng đều nhất và cũng là một trong những thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN. Nếu như năm 2013, xuất khẩu vào thị trường này chỉ đạt 3,1 tỷ USD thì đến năm 2021, con số này đã lên tới 6,1 tỷ USD, tương ứng tăng gấp 2 lần. Ngoài ra, Malaysia, Campuchia, Philippines cũng là các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Đối với thị trường có quy mô nhỏ như Brunei và Lào, kim ngạch xuất khẩu cũng tăng lần lượt 100% và 40%. Các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này chủ yếu là các sản phẩm nông sản như thủy sản, rau quả, cà phê; các sản phẩm công nghiệp và nguyên liệu như sản phẩm sắt thép, xăng dầu…
Về mặt hàng, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong vòng gần 10 năm (2013 -2021), các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu vào ASEAN chủ yếu là gạo, hàng thủy sản, hạt điều, cà phê… Trong đó, gạo là mặt hàng xuất khẩu đạt trị giá lớn nhất và cũng là một trong các mặt hàng có mức tăng trưởng tốt nhất. Nếu như năm 2013, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này mới chỉ đạt 716 triệu USD thì năm 2021 đã đạt 1,4 tỷ USD, tương ứng tăng gấp 2 lần
Ngoài gạo, hàng rau quả, gỗ và sản phẩm về gỗ cũng là các mặt hàng đạt mức tăng trưởng tốt nhất, lần lượt đạt 131% và 120%. Thái Lan là thị trường nhập khẩu hai mặt hàng này lớn nhất trong năm 2021.
Ở chiều ngược lại, hạt điều, hạt tiêu, sắn và các sản phẩm sắn lại ghi nhận sự tăng trưởng âm, giảm lần lượt 67%, 48% và 87%.
Về xuất khẩu nguyên, nhiên liệu, dầu thô giảm tới 61%, so với năm 2013 (đạt 1,6 tỷ USD) thì bước sang năm 2021, kim ngạch mặt hàng này chỉ còn đạt 619 triệu USD. Trong khi đó, hóa chất lại tăng tới 158%, từ 69,3 triệu USD lên 178 triệu USD…
Thương mại Việt Nam - ASEAN trong 6 tháng đầu năm 2022
Trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 41,9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 17,5 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2021, nhập khẩu đạt 24,4 tỷ USD, tăng 15%.
Về xuất khẩu, Thái Lan, Campuchia và Philippines là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong đó,Thái Lan đạt 3,6 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Thái Lan vẫn là các mặt hàng công nghiệp, trong đó máy móc thiết bị, điện thoại, máy vi tính là các sản phẩm có kim ngạch lớn nhất.
Đối với Campuchia và Philippines đạt lần lượt 3,2 tỷ USD (tăng 35%) và Philippines đạt 2,5 tỷ USD (tăng 25%). Gạo là mặt hàng chính được xuất khẩu sang thị trường Philippines, trong 6 tháng đầu năm xuất khẩu gạo sang Philippines đạt 759 triệu USD, chiếm 44% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Thái Lan với kim ngạch lớn nhất trong khối, đạt 7 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021. Đứng thứ hai là thị trường Malaysia đạt 4,8 tỷ USD, tăng 14%; Indonesia đạt 4,6 tỷ USD, tăng 27%...
Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu vẫn là các nguyên nhiên liệu, các sản phẩm công nghiệp. Trong đó, Thái Lan là thị trường cung cấp ô tô lớn nhất cho Việt Nam, đạt 552 triệu USD; tiếp theo là Indonesia đạt 285 triệu USD. Như vậy, kim ngạch nhập khẩu ô tô từ ASEAN đã chiếm 53% tổng nhập khẩu ô tô từ các nước của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm.
Trong bối cảnh hiện tại, ASEAN vẫn luôn là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Vào tháng 3 vừa qua, phía Bộ Công Thương đã phối hợp cùng với Chính phủ Anh chính thức ra mắt Cổng thông tin cơ sở dữ liệu thương mại Việt Nam (VNTR).
Cổng thông tin của mỗi quốc gia sẽ liên kết với Cổng thông tin thương mại chung của ASEAN và 9 nước thành viên khác. Thông qua các cổng thông tin này, doanh nghiệp các nước có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn tài liệu liên quan đến quy định thị trường, tiêu chuẩn quốc gia của từng nước.
VNTR chính thức ra mắt đã đánh dấu một giai đoạn mới trong mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và ASEAN, từ đó càng làm khăng khít thêm tình hữu nghị giữa Việt Nam và các nước thành viên.