Quan hệ Trung Quốc-Mỹ ổn định hơn nhưng vẫn gặp rủi ro
Quan hệ Trung Quốc - Mỹ ổn định hơn nhưng vẫn gặp rủi ro nếu 'ranh giới đỏ' bị vượt qua, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói với người đồng cấp Mỹ Blinken trong cuộc hội đàm ở Bắc Kinh hôm 26.4.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra nhận xét trên khi cả hai đã bước vào một cuộc thảo luận dài về những khác biệt từ thương mại đến căng thẳng ở eo biển Đài Loan, Biển Đông và cạnh tranh công nghệ giữa các quốc gia.
Đây là chuyến thăm tới Trung Quốc lần thứ hai trong vòng một năm của Ngoại trưởng Mỹ Blinken trong bối cảnh Bắc Kinh và Washington nỗ lực ổn định mối quan hệ trước cuộc bầu cử tổng thống quan trọng ở Mỹ và trong bối cảnh lo ngại về căng thẳng gia tăng về các điểm nóng quốc tế làm dấy lên lo ngại về xung đột giữa hai nước. Ông Blinken có mặt tại Bắc Kinh vào chiều 25.5, sau khi thăm Thượng Hải.
Trung Quốc nhắc lại “lằn ranh giới đỏ”
Phát biểu mở đầu cuộc họp tại Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài, Bộ trưởng Vương Nghị nhận định quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang "bắt đầu ổn định" sau hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden ở San Francisco, Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái. Tuy nhiên, ông lưu ý “các yếu tố tiêu cực” đang ngày càng gia tăng, bao gồm những động thái cản trở quyền phát triển hợp pháp của Trung Quốc và những thách thức liên tục đối với các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.
Ông Vương Nghị cảnh báo: “Việc Trung Quốc và Hoa Kỳ tuân thủ con đường ổn định và tiến bộ đúng đắn hay lặp lại vòng xoáy đi xuống, là một vấn đề lớn trước mắt của hai nước, kiểm tra sự chân thành và khả năng của cả hai bên”.
Ông cho biết thái độ, lập trường và nhu cầu của Trung Quốc là nhất quán và Bắc Kinh cam kết duy trì mối quan hệ song phương ổn định, lành mạnh và bền vững.
“Yêu cầu của Trung Quốc là nhất quán, luôn ủng hộ việc tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau và Hoa Kỳ không nên can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, ngăn cản sự phát triển của Trung Quốc hoặc vượt qua “ranh giới đỏ” của Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển”, ông Vương Nghị lưu ý.
Thúc đẩy “ngoại giao tích cực” để tránh hiểu lầm
Về phần mình, Ngoại trưởng Blinken nêu bật tầm quan trọng của "ngoại giao tích cực", đồng thời bày tỏ hy vọng hai bên sẽ đạt được một số tiến triển về các vấn đề mà Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhất trí. Ông nhấn mạnh chính sách ngoại giao "trực tiếp" là không thể thay thế để đảm bảo hai bên có thể nắm được quan điểm của nhau đối với những vấn đề còn khác biệt, qua đó ít nhất giúp tránh hiểu nhầm, cũng như những tính toán sai lầm.
“Việc tiến tới chương trình nghị sự mà các tổng thống của chúng ta đặt ra đòi hỏi phải có chính sách ngoại giao tích cực… nhưng cũng phải đảm bảo rằng chúng ta hiểu rõ nhất có thể về những lĩnh vực mà chúng ta có sự khác biệt, ít nhất là để tránh hiểu lầm, tránh tính toán sai lầm”, ông Blinken cho biết.
Ông nêu rõ: "Đó thực sự là trách nhiệm chung không chỉ đối với người dân hai nước mà còn với người dân trên khắp thế giới".
Căng thẳng thương mại là một trong những nội dung bao trùm các cuộc đàm phán sau khi Tổng thống Mỹ Biden tuần trước kêu gọi tăng gấp ba lần mức thuế hiện có đối với thép và nhôm Trung Quốc. Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) cũng tuyên bố khởi động một cuộc điều tra Mục 301 khác đối với các lĩnh vực hàng hải, hậu cần và đóng tàu của Trung Quốc.
Trong thời gian ở Thượng Hải, Ngoại trưởng Blinken cũng nêu lên mối lo ngại về “các hoạt động phi thị trường” với quan chức hàng đầu của thành phố. Washington đã cáo buộc Trung Quốc làm suy yếu lợi ích của các công ty Mỹ thông qua cạnh tranh không lành mạnh và dư thừa năng lực sản xuất, đồng thời thả nổi khả năng áp dụng thêm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc như xe điện.