Quan hệ Việt-Mỹ: Kỳ diệu nhưng hợp lý!
'Vài năm trước đây, có lẽ ít ai có thể hình dung quan hệ hai nước sẽ đạt được kết quả như ngày nay sớm vậy. Kỳ diệu nhưng hợp lý, nếu nhìn vào những tiến triển nhanh chóng trong quan hệ hai nước kể từ sau bình thường hóa', Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh khi nhìn lại một năm 2023 đặc biệt trong quan hệ Việt-Mỹ.
Nhớ lại thời điểm này một năm trước, Đại sứ tổng kết năm 2022 là một năm bận rộn như thoi đưa để duy trì đà quan hệ Việt-Mỹ. Vậy nhìn lại năm 2023, Đại sứ tổng kết như thế nào về quan hệ Việt-Mỹ?
Nếu 2022 là năm thoi đưa để tạo đà cho quan hệ thì 2023 có thể được coi là năm hội tụ với tâm điểm là các hoạt động cấp cao và việc nâng cấp quan hệ. Đó thực sự là sự hội tụ những thành quả đã đạt được trong quan hệ Việt - Mỹ sau gần ba thập kỷ bình thường hóa quan hệ và 10 năm Đối tác toàn diện, là sự hội tụ và kết tinh công sức, quyết tâm của rất nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước để đạt đến những kết quả như ngày hôm nay.
Cùng nhìn lại, vào tháng 3/2023 đã diễn ra cuộc điện đàm rất quan trọng, và cũng rất chân tình, thẳng thắn giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden, tại đó hai nhà lãnh đạo nhất trí về nhiều định hướng lớn.
Sau cuộc điện đàm này, hai nước đã tích cực trao đổi, thu xếp, và tới tháng 9/2023, Tổng thống Biden có chuyến thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, và hai nhà lãnh đạo đã có quyết định lịch sử nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Ngay sau đó một tuần, nhân dịp dự họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thực hiện rất nhiều các hoạt động song phương tại Mỹ nhằm triển khai quan hệ đối tác mới.
Vào tháng 11/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tham dự Hội nghị cấp cao APEC tại San Francisco theo lời mời của Tổng thống Biden và có nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy hợp tác hai bên. Những hoạt động cấp cao đã giúp củng cố đà tiến triển, không khí phấn khởi và tạo thêm xung lực mới cho quan hệ hai nước.
Bên cạnh các hoạt động cấp cao, hoạt động trao đổi đoàn ở các cấp, của các địa phương và doanh nghiệp cũng diễn ra rất sôi nổi, góp phần cụ thể hóa các quyết định, thỏa thuận của lãnh đạo.
Nói về quan hệ Việt-Mỹ trong năm qua, có lẽ cụm từ được dư luận nhắc đến nhiều nhất là “mang tính lịch sử” với việc hai nước quyết định nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất - Đối tác chiến lược toàn diện. Thời điểm đó, quan hệ Việt - Mỹ tốn nhiều giấy mực của báo giới và tạo ra một bầu không khí hứng khởi, lạc quan, đầy hy vọng.
Tại Hội nghị Ngoại giao 32, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh rằng, chưa từng có trong lịch sử, một Tổng thống Mỹ ngồi hội đàm với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tại trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng. Đại sứ có suy nghĩ gì về những nhận định trên? Đại sứ có thể chia sẻ về những khoảnh khắc đặc biệt, những ngoại lệ về chuyến đi lịch sử này?
Đúng là việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững có thể được coi là một sự kiện lịch sử trong quan hệ hai nước. Đây là một dấu mốc quan trọng, đỉnh cao mới trong quan hệ hai nước. Vài năm trước đây, có lẽ ít ai có thể hình dung quan hệ hai nước sẽ đạt được như ngày nay sớm vậy. Kỳ diệu nhưng hợp lý, nếu nhìn vào những tiến triển nhanh chóng trong quan hệ hai nước kể từ sau bình thường hóa.
Chỉ trong vòng 28 năm bình thường hóa quan hệ (từ 1995), hai nước đã có 10 năm là Đối tác toàn diện của nhau (từ 2013). Từ mức rất khiêm tốn (451 triệu USD) khi mới bình thường hóa, kim ngạch thương mại hai nước đã tăng gần 300 lần, lên mức trên 130 tỷ USD vào 2022. Rất nhiều bạn bè Mỹ nói với tôi rằng quan hệ Việt - Mỹ không chỉ có ý nghĩa với hai nước, mà còn là một câu chuyện truyền cảm hứng, và là một hình mẫu trong quan hệ quốc tế khi thế giới đang rất cần hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Trong bối cảnh đó, việc nâng cấp quan hệ hai nước là một phát triển hợp lý. Như tôi đã chia sẻ, sau cuộc điện đàm rất thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Biden, hai bên đã đạt nhất trí cao. Thời điểm cũng chín muồi, vì năm 2023 là dịp kỷ niệm 10 năm Đối tác toàn diện. Việc nâng cấp sẽ tạo khung khổ mới cho quan hệ phát triển hơn nữa, đáp ứng lợi ích của cả hai bên.
Chính vì vậy, hai bên đã quyết tâm và nỗ lực rất lớn để có thể thu xếp chuyến thăm, có những điều vượt ra khỏi thủ tục bình thường. Thực tế, phía Mỹ đã phải điều chỉnh lại chương trình đối ngoại của Tổng thống để có thể đi Việt Nam.
Thời gian chuẩn bị rất gấp rút, hai bên đã phải tiến hành chuẩn bị song song ở nhiều kênh, nhiều cấp, cả ở Hà Nội và Washington. Quá trình đàm phán xây dựng văn kiện cũng gặp không ít khó khăn, kéo dài đến phút chót, có lúc tưởng chừng bế tắc, nhưng nhờ quyết tâm, thiện chí và xác định rõ lợi ích chung của hai bên, cuối cùng đã hoàn tất.
Đặc biệt, có rất nhiều “lần đầu tiên” trong chuyến thăm lần này, như lần đầu tiên Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, lần đầu tiên Tổng thống Mỹ hội đàm với Tổng Bí thư ta tại trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng, lần đầu tiên Tổng thống Mỹ hội kiến với tất cả lãnh đạo chủ chốt Việt Nam tại trụ sở các cơ quan quyền lực quan trọng nhất của đất nước…
Câu chuyện “dọn ổ đón đại bàng”, chuyển giao công nghệ chất bán dẫn… sôi nổi khắp Việt Nam thời gian qua. Dư luận có lẽ vẫn cần thêm những cái nhìn từ người trong cuộc để quản trị sự lạc quan này?
Với mục tiêu vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, trọng tâm của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Mỹ là hợp tác về kinh tế, khoa học và công nghệ. Trọng tâm này phù hợp với khát vọng của Việt Nam nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghệ cao và mục tiêu của Mỹ khi nâng cấp quan hệ với Việt Nam. Nó có nền tảng từ các điều kiện phù hợp của Việt Nam như chế độ chính trị ổn định, môi trường kinh doanh thuận lợi, lực lượng lao động trẻ tiềm năng có thể đáp ứng các yêu cầu cao của các công ty công nghệ hàng đầu.
Trên thực tế, gần 20 năm qua từ khi Intel đầu tư nhà máy đầu tiên tại Việt Nam năm 2006, nhiều công ty công nghệ lớn của Mỹ đã có mặt tại Việt Nam như Onsemi, Marvell, Synopsys, Cadence… Sự hứng khởi đối với việc thu hút các tập đoàn bán dẫn, công nghệ cao gắn với việc nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ. Bên lề chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden tháng 9/2023, một hội thảo công nghệ cấp cao đã được tổ chức để thúc đẩy đầu tư bán dẫn của Mỹ tại Việt Nam.
Các hội nghị bàn tròn, diễn đàn doanh nghiệp được tổ chức nhân các chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã thu hút sự quan tâm tham dự của rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở đào tạo công nghệ đến từ khắp nước Mỹ.
Tháng 10/2023, Amkor, một trong những công ty bán dẫn hàng đầu của Mỹ và thế giới, khai trương nhà máy tại Bắc Ninh. Đầu tháng 12/2023 Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) dẫn đầu một đoàn lớn gồm lãnh đạo các doanh nghiệp thành viên thăm Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác hoặc mở rộng đầu tư. Cũng thời gian này, Chủ tịch, Tổng giám đốc tập đoàn NVIDIA, tập đoàn sản xuất chip hàng đầu của Mỹ thăm Việt Nam.
Đây là sự khởi đầu tốt. Tuy nhiên, để có thể thu hút mạnh mẽ hợp tác, đầu tư và nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng công nghệ cao, Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng mọi mặt, khẩn trương nhưng kiên trì với lộ trình phù hợp, có chiến lược tổng thể để tạo nên hệ sinh thái bền vững cho phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là về nhân lực và hạ tầng kỹ thuật.
Có lẽ đến thời điểm hiện tại thì câu nói “những điều không thể thành có thể” đã hoàn toàn thuyết phục khi nói về quan hệ Việt - Mỹ, nếu lựa chọn một câu nói, phương châm cho tương lai của mối quan hệ này, theo Đại sứ là..
Nhìn lại lịch sử quan hệ hai nước, đúng là chúng ta đã làm được những điều tưởng chừng không thể. Được như vậy, tôi nghĩ, bên cạnh việc phụng sự lợi ích quốc gia, dân tộc, phù hợp với lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, còn nhờ vào sự hiểu biết, sự tôn trọng và chân thành từ cả hai phía. Do vậy, có thể tâm niệm rằng: Với quyết tâm, thiện chí, chân thành và thấu hiểu, hai bên sẽ đạt mọi kỳ vọng.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quan-he-viet-my-ky-dieu-nhung-hop-ly-259695.html