Quan hệ Việt Nam - Lào: Điểm nhấn hợp tác trong lĩnh vực năng lượng
Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng không chỉ là động lực cho việc phát triển kinh tế của hai nước mà còn có vai trò thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Lào bền chặt.
Trải qua hơn 60 năm, mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác đặc biệt giữa Việt Nam và Lào không ngừng được củng cố, phát triển, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử về kinh tế, xã hội, đối ngoại, giúp cho quan hệ hợp tác gắn bó giữa hai nước ngày càng mạnh mẽ và mở rộng trên nhiều lĩnh vực.
Về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào luôn nhận định còn nhiều dư địa để phát triển quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi trong lĩnh vực điện. Với quy mô dân số lớn, tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, nhu cầu sử dụng điện cao, đặc biệt, với cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đang nỗ lực để bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch và bền vững. Trong khi phía Lào có tiềm năng lớn trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt thủy điện, nhưng nhu cầu phụ tải của Lào thấp... Do đó, việc hợp tác năng lượng giữa Việt Nam - Lào xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của hai nước.
Để đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực năng lượng (đặc biệt là điện) giữa hai nước, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hai nước về việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, Bộ Công Thương Việt Nam đã liên tiếp tổ chức các cuộc làm việc, trao đổi với phía nước bạn; tăng cường ký kết hợp tác triển khai nhiều dự án đầu tư và các hoạt động hợp tác năng lượng, như: Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về hợp tác phát triển các dự án thủy điện, liên kết lưới điện và nhập khẩu điện từ Lào; đẩy mạnh hợp tác mua bán điện; hỗ trợ phát triển các dự án thủy điện tại Lào...
Từ năm 2022 đến nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã trực tiếp làm việc nhiều lần với Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa hai nước.
Điển hình, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Lào từ 8-10/1/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có một loạt các hoạt động quan trọng với các Bộ trưởng đối tác phía Lào bao gồm: Ký Bản ghi nhớ về Kế hoạch hợp tác năm 2022 giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Lào; Hội đàm với Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào... Trong hội đàm với Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào lần này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam tin tưởng ngành năng lượng sẽ trở thành một ngành mũi nhọn, đóng góp lớn vào ngân sách của đất nước Lào trong thời gian tới. Tại đây, hai Bộ trưởng đã điểm lại những kết quả hợp tác mua bán điện; hoan nghênh nỗ lực của doanh nghiệp hai nước trong việc xúc tiến nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam theo định hướng của hai Chính phủ. Đồng thời hai Bộ trưởng cũng đưa ra các giải pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc; tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước hợp tác, phát triển kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng (đặc biệt là điện).
Tiếp đến, ngày 10/4/2022, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Lào, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã tiếp tục có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào nhằm tăng cường hợp tác song phương Việt Nam - Lào trong lĩnh vực điện và khoáng sản.
Tháng 2/2023, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã tiếp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào.
Trao đổi trong các buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên liên tục nhấn mạnh quan điểm, hai nước còn nhiều dư địa để phát triển quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi trong lĩnh vực điện. Bộ trưởng khẳng định, để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu than của Lào và nhu cầu nhập khẩu than của Việt Nam, Bộ Công Thương Việt Nam sẵn sàng kết nối thông tin giữa các Tập đoàn/doanh nghiệp Việt Nam với Tập đoàn/doanh nghiệp xuất khẩu than của Lào để thúc đẩy hợp tác mua bán than giữa hai nước.
Tháng 7/2023 là dấu mốc mới trong quan hệ hợp tác năng lượng giữa hai nước khi Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam đã cùng với Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào ký Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào về hợp tác trong lĩnh vực than. Bản ghi nhớ có nhiều nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thương mại than, đặc biệt là mục tiêu xuất khẩu 20 triệu tấn than từ Lào sang Việt Nam mỗi năm tùy theo điều kiện thực tế của thị trường và nhu cầu mỗi Bên; thúc đẩy hợp tác đầu tư trong hoạt động khai thác, chế biến, xuất khẩu than; tăng cường chia sẻ kinh nghiệm nâng cao năng lực trong lĩnh vực khai thác chế biến than. Bản ghi nhớ cũng sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại than giữa các doanh nghiệp hai nước.
“Đây là văn kiện quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn cho cả hai nước” - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh và khẳng định, việc ký kết Bản ghi nhớ không chỉ khẳng định quyết tâm của Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào trong việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo cấp cao, góp phần hoàn thiện khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và Lào, củng cố tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước, mà còn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam theo cam kết với quốc tế; đồng thời, tạo điều kiện cho Lào khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của mình để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Triển khai Bản ghi nhớ, ngày 9/12/2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị thúc đẩy hợp tác mua bán than giữa Việt Nam và Lào. Tại đây, Bộ trưởng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy tiến độ các dự án đã và đang hợp tác giữa hai nước để thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ hai nước về tăng cường thúc đẩy hợp tác phát triển trong lĩnh vực năng lượng, cụ thể là nhập khẩu điện và than từ Lào.
Có thể nói, sau các buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, và từ những chỉ đạo điều hành sát sao của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Lào trong lĩnh vực năng lượng (đặc biệt là điện) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước. Tính đến thời điểm hiện tại, việc Việt Nam nhập khẩu điện từ Lào cơ bản đạt mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký kết 19 hợp đồng mua bán điện (PPA) với các chủ đầu tư để mua điện từ 26 nhà máy thủy điện đầu tư tại Lào với tổng công suất 2.689 MW. Cùng đó, những khó khăn, vướng mắc, tồn tại nhiều năm tại một số dự án trọng điểm được kịp thời tháo gỡ dứt điểm. Những kết quả trên đã góp phần làm sâu sắc thêm tình đoàn kết đặc biệt giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân hai nước, cũng như giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào.
Từ ngày 6-8/4/2024, Đoàn công tác của Bộ Công Thương Việt Nam do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn sẽ có chuyến công tác tại Viêng-chăn, Lào.
Tháp tùng Bộ trưởng có lãnh đạo, đại diện các đơn vị trong Bộ Công Thương như: Văn phòng Bộ; Tổng cục Quản lý thị trường; Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số; Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Cục Điều tiết điện lực; Cục Xuất nhập khẩu; Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương; Viện Nghiên cứu cơ khí; Văn phòng Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế về kinh tế; Báo Công Thương...
Dự kiến, trong chuyến công tác tại Viêng-chăn, Lào Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và đoàn công tác sẽ có các buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào, Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào nhằm: (i) Thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương giữa hai nước trong lĩnh vực thương mại (thương mại điện tử, quản lý thị trường, xuất nhập khẩu, hội nhập kinh tế...), năng lượng (thương mại điện, phát triển liên kết điện, đầu tư các dự án điện), khoáng sản (mua bán than); (ii) Ký kết Hiệp định sửa đổi Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào năm 2015...