Quan họ Bắc Ninh – Di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, mang đậm bản sắc của cộng đồng
Bảo tồn, lưu giữ, phát huy và tôn vinh di sản văn hóa dân tộc là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam yêu nước. Những hành động đó đồng nghĩa với việc gìn giữ, phát huy cũng là tôn vinh những kết tinh từ tài năng, trí tuệ, kinh nghiệm của rất nhiều thế hệ người Việt Nam đi trước…
Quan họ Bắc Ninh - di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, phong phú
Bên cạnh kho tàng di sản văn hóa vật thể, đất nước ta còn có một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, phong phú về loại hình, đặc sắc về lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng. Quan họ Bắc Ninh chính là một trong những di sản đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 30/9/2009. Đó thực sự là một niềm từ hào to lớn không chỉ riêng của Bắc Ninh mà của cả Việt Nam.
Dân ca Quan họ Bắc Ninh là một hình thức hát giao duyên giữa các liền anh liền chị. Đây là một trong những làn điệu dân ca tiêu biểu của vùng châu thổ sông Hồng. Từ rất lâu, người dân Việt Nam nói chung, người dân Kinh Bắc nói riêng không còn xa lạ với những liền anh trong trang phục truyền thống: Khăn xếp, áo the; những liền chị trong bộ áo mớ ba, mớ bẩy, đầu đội nón thúng quai thao vô cùng duyên dáng và bình dị, cùng nhau hát đối những câu ca mộc mạc, đằm thắm.
Trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, Quan họ Bắc Ninh ngày càng thể hiện được vị thế của mình và tồn tại và phát triển cho tới ngày nay. Vậy nhưng, liệu rằng thế hệ con cháu chúng ta mai sau còn thấy lại được những hình ảnh của một văn hóa xứ Kinh Bắc ngàn năm văn hiến này bao lâu nữa?
Không phải ngẫu nhiên câu hỏi này được đặt ra, không sớm hơn, không muộn hơn mà chính tại thời điểm này – Trước sức ép của xu thế toàn cầu hóa về kinh tế, quốc tế hóa về văn hóa và sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của các loại hình văn hóa, nghệ thuật, cũng giống như nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác, Quan họ Bắc Ninh cũng phải đối mặt với một thách thức lớn là nguy cơ bị mai một hay thậm chí có thể bị mất hẳn nếu không có biện pháp bảo vệ lâu dài một cách kịp thời được thực thi.
Hiện thực phũ phàng phản chiếu lên tấm kính thời gian đó là: Những nghệ nhân quan họ tuổi ngày càng cao, trong khi lớp nghệ nhân kế tiếp chưa nhiều; đó là những cá nhân, tổ chức tâm huyết với sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa không phải lúc nào và ở đâu cũng nhận được sự hỗ trợ đúng lúc.
Thực tế, việc lập ra các câu lạc bộ Quan họ không những tạo cho các em thiếu nhi một sân chơi bổ ích mà còn là một cách các nghệ nhân, những người yêu làn điệu dân ca này góp phần quan trọng trong việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc vùng Kinh Bắc. Sự tâm huyết, tận tụy với loại hình truyền thống này được các nghệ nhân truyền dạy cho những mầm non tương lai, nuôi dưỡng tình yêu, sự tinh hoa của làn điệu Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong thế hệ trẻ.
Hay như việc tổ chức sân chơi “Tiếng hát măng non quan họ” năm 2020 nhằm tuyên truyền, quảng bá, gìn giữ và phát triển dân ca quan họ Bắc Ninh tới đông đảo thế hệ trẻ. Cũng qua đó, góp phần thực hiện bảo tồn và lan tỏa làn điệu dân ca này. Đồng thời qua cuộc thi tìm kiếm, tuyển chọn, bồi dưỡng được những thế hệ kế cận thực sự yêu loại hình nghệ thuật truyền thống này.
Đưa Dân ca Quan họ vào giảng dạy tại các trường học cho các em học sinh từ mầm non cho đến phổ thông đã được tỉnh Bắc Ninh thực hiện cũng góp phần bồi đắp tâm hồn cho thế hệ trẻ, khơi dậy niềm tự hào trong các em về một nét văn hóa đẹp của quê hương mình.
Có thể với sự ra đời và du nhập của những loại hình nghệ thuật đương đại, hay giao lưu giữa nhiều nền văn hóa dễ làm cho nhiều người, đặc biệt là một bộ phận những người trẻ không còn mặn mà với di sản văn hóa truyền thống. Dân ca Quan họ Bắc Ninh cũng vì thế bị đặt trước nguy cơ bị thất truyền giống như thách thức mà khá nhiều những di sản văn hóa phi vật thể khác gặp phải trong tình hình hiện nay.
Tuy nhiên, theo dòng chảy của thời gian chúng ta đã kịp nhận ra việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản là chuyện không của riêng một ai, đây là một chương trình hành động Quốc gia, cần đến sự chung tay của cả cộng đồng. Khi người dân hiểu và thấy được quyền lợi, trách nhiệm của cá nhân và cộng đồng thì họ sẽ cùng tự nguyện tham gia trao truyền, bảo tồn, lưu giữ và phát huy được giá trị của di sản.
Di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn là sự khẳng định những giá trị và nét đẹp văn hóa của dân tộc. Do vậy chúng ta cần ghi nhận, tôn vinh và tri ân những nỗ lực bền bỉ của cộng đồng và của những nghệ nhân đã có nhiều công lao trong bảo tồn, phát huy, trao truyền giá trị di sản cho thế hệ mai sau.
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa do thế hệ đi trước để lại không chỉ là trách nhiệm của thế hệ hôm nay với lịch sử mà đó còn là nguồn lực để mọi người dân cùng đoàn kết, gìn giữ những nét đẹp trong văn hóa dân tộc Việt Nam.
Theo điều 17, Chương III, Luật Di sản Văn hóa: Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và làm giàu kho tàng di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.