Quan Hóa phát huy hiệu quả phong trào thi đua 'Dân vận khéo'

Là huyện vùng cao, biên giới của tỉnh, với hơn 91% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển về kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới (XDNTM), cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể huyện Quan Hóa đã thực hiện hiệu quả công tác dân vận, bằng việc xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình 'Dân vận khéo'.

Mô hình nuôi ong cho hiệu quả kinh tế cao của hộ gia đình ông Lê Văn Thông, ở khu phố 6, thị trấn Hồi Xuân.

“Dân vận kém thì việc gì cũng khó, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh như “kim chỉ nam” giúp chi bộ, ban công tác mặt trận xã Trung Sơn trong việc vận động Nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế và XDNTM. Trước đây, diện tích ao của người dân bản Pượn (xã Trung Sơn) thường để hoang, hoặc chỉ nuôi cá phục vụ nhu cầu gia đình. Được chi bộ, ban công tác mặt trận và hội nông dân xã vào cuộc tuyên truyền, vận động, bà con trong xã đã thay đổi suy nghĩ, đầu tư cải tạo ao nuôi để sản xuất cá giống, cá thịt bán ra thị trường. Nhờ “Dân vận khéo”, ngoài mô hình nuôi cá, đến nay xã đã có nhiều hộ gia đình mạnh dạn đầu tư chăn nuôi lợn đen, lợn trắng thương phẩm, gà đồi...

Những mô hình này không chỉ góp phần từng bước cải thiện và nâng cao thu nhập, mà quan trọng hơn đã giúp người nông dân thay đổi tư duy, xóa bỏ tập quán sản xuất lạc hậu, ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, cung ứng hàng hóa ra thị trường. Điển hình như hộ gia đình ông Hà Văn Khường (60 tuổi) ở bản Pượn (xã Trung Sơn) sau 5 năm phát triển mô hình nuôi cá dốc bố mẹ, đã cung ứng hàng chục nghìn con cá dốc giống ra thị trường mỗi năm, với giá trị mỗi con từ 3 - 15 nghìn đồng, năm 2022 mang về nguồn thu hơn 400 triệu đồng/năm (đã trừ chi phí). Hiện tại, ông đã có 14 ao nuôi, với diện tích mặt nước hơn 3.000m2. Ngoài ra, ông còn hỗ trợ, hướng dẫn nhiều hộ nông dân trong xã nuôi cá thương phẩm cho giá trị, hiệu quả kinh tế cao. Học theo ông Khường, hiện trên địa bàn xã Trung Sơn đã có hơn 70 hộ nuôi cá dốc và các loại cá thương phẩm, cho thu nhập trung bình từ 50 - 70 triệu đồng/hộ/năm. Nhiều hộ đầu tư quy mô lớn, có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Không chỉ ở xã Trung Sơn, các mô hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế đã lan tỏa rộng khắp trên địa bàn toàn huyện. Điển hình như mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Trung Sơn (xã Trung Sơn); mô hình trồng cây gai xanh, tại các xã Phú Sơn, Thành Sơn, Nam Xuân, Nam Tiến, Hiền Chung; mô hình trồng cây sâm Báo (xã Nam Tiến); mô hình trồng cây mắc ca (xã Thiên Phủ); mô hình nuôi gà, lợn đen, dê... Các mô hình phát triển kinh tế không chỉ giúp Nhân dân cải thiện, nâng cao thu nhập, mà còn thay đổi tập quán canh tác từ manh mún, nhỏ lẻ sang tập trung quy mô lớn, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và hợp tác với doanh nghiệp trong cung ứng giống, bao tiêu sản phẩm. Cũng từ những mô hình này đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình và quê hương.

Trong XDNTM, bản Hang, xã Phú Lệ là một trong những bản có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc huy động sức dân tham gia đóng góp tiền, công lao động xây dựng cơ sở hạ tầng. Để có được cơ sở vật chất khang trang như ngày hôm nay, đội ngũ cán bộ ban công tác mặt trận bản Hang đã “đến tận ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động Nhân dân đóng góp ngày công đổ bê tông 1,2 km đường nội thôn và hiến đất mở rộng 400m đường trục chính vào bản. Đóng góp tiền để lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng các tuyến đường trong bản, bảo đảm cho Nhân dân đi lại thuận tiện vào ban đêm. Từ sự chung tay góp sức của Nhân dân, năm 2021, bản Hang đã được công nhận bản NTM kiểu mẫu.

Theo Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hà Thị Thuận, phong trào thi đua “Dân vận khéo” còn được MTTQ và các tổ chức, đoàn thể huyện Quan Hóa triển khai nhân rộng trong hội viên, đoàn viên và quần chúng Nhân dân với nhiều mô hình “Dân vận khéo” ở cơ sở. Bằng những cách làm hay, sáng tạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã tập trung thực hiện hiệu quả cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, gắn với xây dựng mô hình “Dân vận khéo”. Tiêu biểu phải kể đến các mô hình: “Câu lạc bộ phụ nữ giúp nhau giảm nghèo” được duy trì ở các cấp hội phụ nữ; mô hình “Câu lạc bộ dinh dưỡng” tại 2 xã Hiền Chung và Thiên Phủ với 52 hộ hội viên tham gia trồng rau sạch, nuôi vịt Cổ Lũng, lợn nái sinh sản, góp phần tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình; mô hình “3 sạch” của chi hội phụ nữ bản Hán, xã Hiền Chung và chi hội phụ nữ bản Tân Hương, xã Thành Sơn. Còn chi hội phụ nữ bản Bâu, xã Nam Động đã vận động hội viên đóng góp xây dựng “Quỹ tiết kiệm làm theo lời Bác” với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ trên, chi hội phụ nữ bản Bâu đã tạo điều kiện cho 40 hội viên được vay vốn luân phiên để phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, đoàn thanh niên huyện cũng triển khai sâu rộng phong trào “Nâng cao hiệu quả công tác tập hợp, giáo dục đoàn viên, thanh niên”, gắn với thực hiện cuộc vận động “Tuổi trẻ Quan Hóa chung tay XDNTM”. Thông qua tuyên truyền, vận động, đoàn viên, thanh niên trong huyện đã khơi thông hàng chục km mương; tu sửa, phát quang hơn 100 km đường làng, ngõ xóm; hỗ trợ hàng trăm tấn xi măng giúp các bản khó khăn bê tông hóa đường giao thông nông thôn; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế; hỗ trợ tu sửa được hơn 100 nhà nhân ái; Hội Nông dân huyện với các phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu chính đáng” và “Nông dân thi đua XDNTM” đã huy động Nhân dân đóng góp được hơn 1.730 tỷ đồng và 45.155 ngày công để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Hội cựu chiến binh tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu bằng việc vận động hội viên hiến hơn 20.000m2 đất, 55.000 ngày công để xây dựng các công trình thiết yếu ở các thôn, bản. Có thể khẳng định, mỗi phong trào thi đua của các tổ chức đoàn thể của huyện Quan Hóa chính là một mô hình “Dân vận khéo” ở cơ sở.

Trong hơn 10 năm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, toàn huyện Quan Hóa đã có 450 lượt tập thể, 1.890 lượt cá nhân đạt danh hiệu “Dân vận khéo” các cấp. Các tập thể, cá nhân là điển hình “Dân vận khéo” ở huyện Quan Hóa đã và đang tạo ra sức lan tỏa để thu hút, tập hợp Nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Bài và ảnh: Phan Nga

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-dang/quan-hoa-phat-huy-hieu-qua-phong-trao-thi-dua-dan-van-kheo/187924.htm