Quan Hóa tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền nhằm xóa bỏ tư tưởng, tập quán lạc hậu trong Nhân dân
Là huyện miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Cùng với những phong tục, tập quán tốt đẹp được trao truyền, thì cũng còn nhiều hủ tục đã ăn sâu, bám rễ vào đời sống người dân. Nhằm thay đổi tư tưởng, tập quán lạc hậu trong Nhân dân, năm 2018, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quan Hóa đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/HU về 'Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục, tuyên truyền nhằm xóa bỏ tư tưởng, tập quán lạc hậu, tạo tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân'.
Được tuyên truyền, vận động nhiều hộ dân ở xã Nam Tiến đã đầu tư trồng cây sâm báo bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.
Ông Hà Văn Thủy, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quan Hóa, cho biết: Được cả hệ thống chính trị huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả, Nhân dân đồng tình hưởng ứng, Nghị quyết số 13-NQ/HU đã có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng các DTTS với phương châm nhìn thẳng vào sự thật để thay đổi. Sau 5 năm triển khai thực hiện, nghị quyết này đã tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức, tư tưởng, đến tư duy hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Một số tư tưởng, tập quán lạc hậu đã từng bước được khắc phục và dần loại bỏ, một bộ phận Nhân dân đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
Đến nay, người dân đã và đang thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các giống cây, con mới, có năng suất, sản lượng và giá trị cao vào sản xuất; biết tiết kiệm trong chi tiêu để đầu tư vào sản xuất, thực hiện giảm nghèo nhanh và có xu hướng bền vững hơn; thực hiện có hiệu quả chương trình XDNTM; thực hiện nếp sống văn hóa, ăn, ở hợp vệ sinh; ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy ước của địa phương, hương ước của bản, khu phố được nâng cao; số người vi phạm pháp luật, vi phạm tệ nạn xã hội giảm dần; giảm tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết; giảm số hộ vi phạm hành lang an toàn giao thông, lấn chiếm đất làm nhà ở trái phép; giảm đáng kể các hủ tục trong ma chay, cưới xin..., đời sống kinh tế - văn hóa Nhân dân từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng dần hằng năm. Đến nay, 100% bản, khu phố xây dựng và tổ chức quy ước văn hóa và các quy định thực hiện nếp sống văn minh; 15 xã, thị trấn thành lập được HTX thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh lâm, nông nghiệp, dịch vụ; 7.301/11.123 hộ gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, cam kết thực hiện đúng các quy định của pháp luật, quy ước, hương ước bản, khu phố về việc cưới, việc tang. Hầu hết các hộ gia đình đã quy hoạch chuồng trại chăn nuôi gia súc tập trung. Đến nay, toàn huyện đã có 35 hộ gia trại chăn nuôi trâu, bò, lợn với quy mô từ 50 con trở lên, thực hiện chăn nuôi có kiểm soát, từng bước cải tạo giống cũ, đưa cây, con giống vào sản xuất để nâng giá trị. Phát triển nguồn lợi thủy sản được một số xã, thị trấn quan tâm thực hiện, ngoài duy trì trên 51 ha diện tích mặt nước ao, hồ hiện có, đã phát triển thêm 58 hộ nuôi cá lồng trên lòng hồ các nhà máy thủy điện. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, huyện tập trung hỗ trợ phát triển vùng luồng thâm canh, đạt tiêu chuẩn chứng chỉ FSC, với diện tích 2.370 ha; đã hình thành 27 nhóm hộ liên kết sản xuất chế biến lâm sản...
Việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 13-NQ/HU đã tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, tư tưởng, tư duy hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Một số tư tưởng, tập quán lạc hậu đã từng bước được khắc phục và dần loại bỏ, một bộ phận Nhân dân đã dần thay đổi cách nghĩ, cách làm, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tập trung phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững.