Quân khu 2: Đồng bộ các giải pháp an toàn trong sản xuất, huấn luyện
Để góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và phòng, chống cháy nổ (PCCN), nhiều năm qua các cơ quan, đơn vị thuộc LLVT Quân khu 2 đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cải thiện điều kiện làm việc, phòng ngừa tai nạn lao động, giảm thiểu tác động xấu do môi trường lao động gây ra.
Làm nhiệm vụ quản lý, bảo quản, bảo dưỡng, tiếp nhận, cấp phát xăng, dầu, mỡ và trang bị vật tư, khí tài ngành xăng dầu phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), những năm qua, công tác bảo đảm an toàn, nhất là an toàn trong PCCN được cán bộ, nhân viên các đơn vị thuộc LLVT Quân khu 2 đặt lên hàng đầu. Với Kho T10, Cục Hậu cần Quân khu 2 cũng vậy; cán bộ, nhân viên Kho T10 luôn tâm niệm đã vào kho, trạm là vào vị trí SSCĐ.
Theo Đại úy Hoàng Văn Quang, Chủ nhiệm Kho T10, cùng với việc cấp trên đầu tư, trang bị nhiều phương tiện hiện đại phục vụ công tác quản lý, bảo vệ, PCCN, những năm qua Kho T10 chủ động sửa chữa, nâng cấp một số nhà kho, bảo đảm tốt công tác PCCN, luyện tập thuần thục nhiều phương án PCCN, cứu sập. Thiết bị phòng cháy, chữa cháy thường xuyên được củng cố, bổ sung, quản lý tập trung, xếp đặt chính quy, khoa học, dễ thấy, dễ lấy, dễ thao tác sử dụng, dễ kiểm tra quản lý. Sự cẩn trọng trong công tác PCCN được thiết lập ở mức cao nhất, đơn vị duy trì nghiêm ngặt nội quy ra vào kho.
Đóng quân trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Kho K79, Cục Kỹ thuật Quân khu 2 chịu tác động bởi khí hậu hanh khô, nắng nóng do tác động bởi gió Lào vào mùa khô. Đặc biệt, đơn vị thường xuyên thực hiện nhiệm vụ thu hồi, cất giữ, thanh lý, xử lý đạn cấp 5, rất dễ xảy ra hiện tượng mất an toàn, cháy nổ. Mặt khác, môi trường làm việc của cán bộ, nhân viên tiềm ẩn nhiều yếu tố gây nguy hiểm, độc hại do thuốc nổ, thuốc phóng gây ra. Thượng tá Phạm Thái Học, Chủ nhiệm Kho K79 chia sẻ: "Trước khi tổ chức thực hiện nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm, như xử lý đạn cấp 5, cán bộ, nhân viên Kho K79 đều được huấn luyện bổ sung về công tác an toàn. Kho K79 kiên quyết không đưa vào sử dụng máy, thiết bị, vật tư chưa được kiểm định, hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật".
Theo Thượng tá Phạm Thái Học, bên cạnh những nội dung huấn luyện theo chương trình, đơn vị thường xuyên cử cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật tham gia các lớp tập huấn do cấp trên tổ chức về quản lý, sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. "Nhiều năm qua Kho K79 luôn hoàn thành việc tiếp nhận, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất hàng nghìn tấn đạn; hàng nghìn khẩu súng, pháo các loại; hàng trăm lượt xe ô tô, xe tăng thiết giáp. Kho tổ chức thu gom và xử lý hàng trăm tấn đạn cấp 5 bảo đảm an toàn. Quá trình thực hiện nhiệm vụ cán bộ, nhân viên chấp hành nghiêm quy trình kỹ thuật, quy định về ATVSLĐ, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và vũ khí trang bị", Thượng tá Phạm Thái Học cho biết thêm.
Để cải thiện điều kiện làm việc, phòng ngừa tai nạn lao động, bảo đảm an toàn trong mọi điều kiện lao động, trên cơ sở Chỉ lệnh công tác kỹ thuật của Tư lệnh Quân khu, hướng dẫn công tác ATVSLĐ của Tổng cục Kỹ thuật, Cục Kỹ thuật Quân khu 2 ban hành hướng dẫn Công tác An toàn vệ sinh lao động năm 2023, đồng thời triển khai kế hoạch hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ trong LLVT Quân khu 2, với chủ đề: “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc”.
Có thể thấy, hằng năm, các đơn vị thuộc LLVT Quân khu 2 hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập có bắn đạn thật, đồng thời phối hợp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống lụt bão, cháy nổ, cháy rừng... Thành tích chung đó có sự đóng góp không nhỏ của công tác ATVSLĐ, PCCN.
Đánh giá về công tác này, Thiếu tướng Trần Anh Du, Phó tư lệnh Quân khu 2 khẳng định: "Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các đơn vị, đặc biệt cấp cơ sở về công tác ATVSLĐ đã có nhiều chuyển biến. Tai nạn lao động và cháy nổ so với những năm trước có xu hướng giảm. Công tác ATVSLĐ được cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị quan tâm đúng mức và từng bước đi vào nền nếp...".
Tuy nhiên, để bảo đảm tốt hơn nữa công tác ATVSLĐ và PCCN, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục; xây dựng kế hoạch, chương trình, hành động thiết thực, hiệu quả; tăng cường công tác tự kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ tại các vị trí làm việc cần đồng bộ với việc xây dựng các phương án, biện pháp khắc phục phù hợp; chủ động rà soát, bổ sung, hoàn thiện nội quy, quy trình, biện pháp kỹ thuật an toàn lao động; tổ chức các hoạt động thực hành, thao diễn, xử lý sự cố kỹ thuật về ATVSLĐ; đồng thời duy trì và thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, kiểm định, cải thiện điều kiện làm việc; ứng dụng hiệu quả những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào lao động, sản xuất.