Quận Long Biên: 20 năm, phát triển mọi mặt, thay đổi cả chất và lượng
20 năm kể từ ngày thành lập, quận Long Biên đã phát triển mọi mặt, thay đổi cả về lượng và chất. Nổi bật là phát triển kinh tế với mức tăng trưởng 2 con số, tăng thu ngân sách trên 20%/năm, cơ cấu thương mại - dịch vụ hiện đã vượt 70%.
Ngày 6-11-2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 132/2003/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập quận Long Biên thuộc thành phố Hà Nội với diện tích 6.038,24ha, gồm 14 đơn vị hành chính và dân số 170.706 người. Đây là mốc son đánh dấu sự ra đời của quận cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô, có vị trí chiến lược nối liền với trục tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, trục kinh tế sôi động với những yếu tố cơ bản thuận lợi.
20 năm qua, tận dụng lợi thế vị trí, tiềm năng cùng những bước đi khoa học, bài bản trên cơ sở tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược, quận Long Biên đã phát triển mọi mặt, thay đổi cả về lượng và chất.
Giai đoạn 2005-2010, cơ cấu kinh tế đã có bước chuyển mạnh sang dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; trong đó dịch vụ chiếm ưu thế với 55,6%, công nghiệp giảm còn 42,5% và nông nghiệp giảm còn 1,9%. Thu ngân sách tăng trung bình hằng năm 21%. Giai đoạn 2010-2015, trên địa bàn quận, các trung tâm thương mại lớn hình thành và đi vào hoạt động như BigC, Savico, Vincom… Thương mại, dịch vụ phát triển nhanh, chất lượng ngày càng được nâng cao. Thu ngân sách giai đoạn này đạt trung bình 3.833 tỷ đồng/năm; tăng thu bình quân 25,9%/năm.
Giai đoạn 2015-2020, bên cạnh việc phát triển hệ thống chợ dân sinh theo quy hoạch, quận tiếp tục chủ trương đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ. Kinh tế trên địa bàn quận tiếp tục tăng trưởng nhanh với tốc độ tăng bình quân 27,5%/ năm về giá trị sản xuất. Năm 2020, ngành thương mại - dịch vụ chiếm 73,39% (tăng 43,59% so với khi mới thành lập). Thu ngân sách bình quân hằng năm giai đoạn này đạt 7.468 tỷ đồng, tăng 95% so với nhiệm kỳ 2010-2015. Tốc độ tăng thu bình quân là 26,57%/năm.
Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, quận tiếp tục phát triển mạnh thương mại, dịch vụ, chú trọng thương mại điện tử, kinh tế số, dịch vụ logistics. Mặc dù gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và tình hình thế giới phức tạp, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, quận Long Biên đã thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Kinh tế quận tiếp tục duy trì tăng trưởng, tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất trung bình từ năm 2020 đến nay đạt 12,09%/năm.
Chính thức khai trương Công viên Long Biên quy mô 21,56ha
Khánh thành 2 công trình văn hóa - xã hội tại Long Biên
Không chỉ thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, phát huy năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Long Biên còn là nơi có nhiều sáng kiến, sáng tạo, những mô hình hay được thành phố và Trung ương nghiên cứu nhân rộng. Tiêu biểu như: Công tác đánh giá cán bộ hằng tháng, ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành; sắp xếp tinh giản bộ máy; lấy ý kiến đánh giá việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức đối với người đứng đầu; trường học điện tử, một cửa thân thiện gần dân, mô hình tiếp công dân và giải quyết đơn thư... Quận còn liên tục ở vị trí tốp đầu thành phố về cải cách hành chính.
Long Biên là đơn vị đầu tiên của thành phố được phân cấp về quy hoạch, có quy hoạch đồng bộ tỷ lệ 1/2000 về sử dụng đất và giao thông, quy hoạch về hạ tầng kỹ thuật. 20 năm qua, trên địa bàn quận đã triển khai hơn 1.300 dự án đầu tư, với tổng kinh phí trên 123.288,9 tỷ đồng. Quận đã huy động 95.000 tỷ đồng ngoài ngân sách triển khai 193 dự án. Những dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nối tiếp nhau hình thành.
Với phương châm hướng về cơ sở, lấy tổ dân phố là địa bàn hoạt động, quận Long Biên đã quan tâm đầu tư đồng bộ các thiết chế văn hóa. Đến năm 2023, 13/14 phường đã có trung tâm văn hóa thể thao phường; 194 nhà văn hóa tổ dân phố được đầu tư đồng bộ trang thiết bị thiết yếu. Năm 2004 toàn quận có 49 trường công lập, trong đó chỉ có 1 trường chuẩn quốc gia. Đến tháng 6-2023, quận đã có 93 trường công lập, 40 trường ngoài công lập, 106 nhóm lớp mẫu giáo tư thục, 4 trường chất lượng cao công lập; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là 83,9%.
Về y tế, quận đã hoàn thành và duy trì 14/14 phường đạt chuẩn quốc gia về y tế cơ sở và tiên tiến về y học cổ truyền. Quận thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, chủ động chăm lo đời sống nhân dân, các đối tượng yếu thế... Đến nay, toàn quận không còn hộ nghèo, chỉ còn 190 hộ cận nghèo với 542 nhân khẩu...
Với những thành tích nổi bật trong 20 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Long Biên đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2008; Huân chương Lao động hạng Nhất (vượt cấp) năm 2013; Huân chương Lao động hạng Nhất (lần thứ hai) năm 2018; Huân chương Lao động hạng Nhất (lần thứ ba) năm 2023; 7 Cờ thi đua của Chính phủ; 5 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 10 Cờ thi đua của UBND thành phố Hà Nội... Đảng bộ quận nhiều năm liền đạt trong sạch, vững mạnh.
Năm 2021, thu ngân sách quận là 12.772 tỷ đồng, đạt 103% dự toán, là năm có số thu cao nhất trong 20 năm qua (gấp gần 48 lần so với ngày đầu thành lập). Năm 2022, thu ngân sách đạt 8.510,4 tỷ đồng bằng 100,1% dự toán.
9 tháng năm 2023, thu ngân sách ước đạt 7.635,4 tỷ đồng đạt 67% dự toán năm. Đến nay, các thành phần kinh tế trên địa bàn quận phát triển mạnh, hiện có 10.152 doanh nghiệp và hơn 11.000 hộ kinh doanh cá thể; riêng số doanh nghiệp tăng gấp 15,7 lần so với cách đây 20 năm.