Quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ ở quận Hoàng Mai
Trong những năm qua, quận Hoàng Mai đã có nhiều giải pháp nhằm quản lý tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản trên địa bàn, nhất tại các chợ đầu mối.
Trên địa bàn quận Hoàng Mai có 2 chợ đầu mối lớn, cung cấp cá nước ngọt, rau củ quả cho Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Kiểm soát tốt nguồn gốc nông sản, cá tươi ở 2 chợ đầu mối này sẽ cơ bản giám sát được chất lượng các mặt hàng bán tại chợ dân sinh.
Chợ đầu mối
Hiện nay, trên địa bàn quận Hoàng Mai có 11 chợ, trong đó có 2 chợ đầu mối (chợ Đầu mối phía Nam và chợ cá Yên Sở), 2 chợ hạng 2; 8 chợ hạng 3, khoảng 350 hộ kinh doanh thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn 14 phường.
Theo đó, với chợ cá Yên Sở là một trong những chợ đầu mối Hà Nội nổi tiếng được thành lập từ năm 1986 luôn đông đúc, chuyên cung cấp hải sản cho đại lý và nhà hàng trong khu vực nội thành Hà Nội và các tỉnh lân cận khác. Mỗi ngày, tại phiên chợ này có hàng trăm xe chở cá và hơn 200 tấn cá khác nhau được mang vào chợ Yên Sở để bán. Ban Quản lý chợ có tổ kiểm dịch ATTP, đảm bảo cá phải được an toàn mới đưa bán ra thị trường.
Đối với chợ đầu mối phía Nam, từ lâu trở thành một trong những điểm đến sôi động cho người mua và người bán trong khu vực. Tại đây chủ yếu chỉ dành cho bán buôn, nhưng vẫn có nhiều khách hàng đến mua lẻ. Trong chợ, các hộ kinh doanh rau, củ, quả, hàng hóa thiết yếu,... Chợ đầu mối phía Nam hoạt động từ 0 giờ đến 11 giờ hàng ngày.
Ban Quản lý chợ đầu mối phía Nam cho biết đã thông tin kịp thời cho người kinh doanh về đảm bảo ATTP, góp phần nâng cao đến chuyển biến nhận thức của người kinh doanh, chế biến thực phẩm. Qua đó, nhiều điểm kinh doanh đã được cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo đúng quy định.
Đại diện Phòng Kinh tế quận Hoàng Mai cho biết, trên địa bàn quận Hoàng Mai hiện có 11 chợ, có 850 hộ kinh doanh thuộc lĩnh vực ngành Nông nghiệp, 100% các hộ tự xác nhận kiến thức, ký cam kết bảo đảm ATTP. Tính đến hết tháng 6 năm 2024, quận Hoàng Mai đã có 1.662 cơ sở ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn, đã tổ chức kiểm tra việc thực hiện nội dung cam kết, không phát hiện cơ sở chưa đạt yêu cầu.
Ngoài ra, Phòng Kinh tế đã tham mưu UBND quận Hoàng Mai ban hành các văn bản chỉ đạo, tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử của quận về sản xuất, kinh doanh nông lâm thực phẩm an toàn. Tiếp tục thực hiện duy trì quản lý 170ha (tại phường Lĩnh Nam), trong đó, rau an toàn 74,4ha, theo quy trình Vietgap 10ha; 85,6ha hoa, cây cảnh, cây ăn quả. Giá trị sản xuất bình quân/ha canh tác/năm đạt 250 triệu đồng, được coi là có lãi đối với sản xuất nông nghiệp.
Làm tốt công tác tuyên truyền
Trên địa bàn quận Hoàng Mai hiện có trên 751ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là các phường vùng bãi: Lĩnh Nam, Trần Phú, Yên Sở. Trong đó, trồng trọt 436,59ha, thủy sản 315,04ha (thực tế còn hơn 200ha). Tổng đàn gia cầm, gia súc tại Hoàng Mai hiện có 548 con lợn; 156 con trâu, bò; 200 con gia cầm; 5.162 con chó, mèo. Trên địa bàn quận Hoàng Mai không có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.
Với sự hỗ trợ tích cực của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản; Chi cục Chăn nuôi và Thú y; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, trong việc cung cấp văn bản chỉ đạo, tập huấn cho cán bộ, Nhân dân nâng cao nhận thức về ATTP, công tác quản lý chất lượng ATTP nông lâm thủy sản tại quận Hoàng Mai, năm 2024 đã có nhiều chuyển biến tích cực được Nhân dân ghi nhận.
Đến nay, hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống quản lý cho 4 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể và cấp mã QR cho 43 sản phẩm trên địa bàn quận. Quận Hoàng Mai đang đề nghị đăng ký các cơ sở đủ điền kiện khác tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc.
Phòng Kinh tế quận Hoàng Mai phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội và Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức lớp tập huấn kiến thức ATTP nông lâm thủy sản cho người tiêu dùng, người sản xuất, kinh doanh tại phường Yên Sở.
Tại buổi tập huấn, gần 100 hộ là người tiêu dùng, người sản xuất, kinh doanh đã được Tiến sĩ Phan Thị Phương Thảo - giảng viên khoa Công nghệ thực phẩm - Học viện Nông nghiệp Việt Nam, truyền đạt các nội dung ATTP, thực trạng và giải pháp; Luật ATTP; tổng quan về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thủ tục tự công bố sản phẩm; các vi phạm hành chính về ATTP; quy định về truy xuất nguồn gốc...
Lớp tập huấn giúp các đại biểu nâng cao kiến thức về những quy định của pháp luật trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, qua đó nhằm trang bị kiến thức quản lý ATTP cho cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm trên địa bàn kịp thời cập nhật và nắm vững nội dung các văn bản quy phạm pháp luật mới về ATTP.
Từ đó, giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nâng cao nhận thức trong việc chấp hành quy định của pháp luật về ATTP, góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn quận.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Trưởng phòng Phụ trách Phòng Kinh tế quận Hoàng Mai Nguyễn Hùng Cường chia sẻ: việc làm ăn nhỏ lẻ của một số hộ sản xuất, kinh doanh tại quận Hoàng Mai đã gây khó khăn cho việc quản lý, kiểm tra vệ sinh thú y nhất là đối với một số cơ sở sản xuất giò, chả không có thương hiệu, không có giấy chứng nhận ATTP vẫn lưu thông trên thị trường...
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quan-ly-an-toan-thuc-pham-tai-cac-cho-o-quan-hoang-mai.html