Quản lý bệnh tăng huyết áp tại cộng đồng: Nhiều lợi ích
Việc quản lý bệnh tăng huyết áp (THA) tại cộng đồng đã bước đầu phát huy hiệu quả trong khám, phát hiện sớm và tăng hiệu quả điều trị bệnh này.
Lợi ích thấy rõ
Vừa qua, trong đợt khám sàng lọc bệnh THA có khá đông người dân xã Long Xuyên (Bình Giang) tham gia. "Đợt khám sàng lọc này tôi tiếp tục ra để theo dõi mức độ bệnh của mình. Giờ được về Trạm Y tế xã nên rất tiện lợi khám định kỳ và lĩnh thuốc. Dù dịch Covid-19 hay mưa to, gió lớn tôi vẫn có thể được khám và phát thuốc đúng kỳ", ông Trần Huy Bình ở thôn Cậy cho biết.
Còn bà Bùi Thị Phép, 80 tuổi ở khu dân cư Hùng Vương, phường Sao Đỏ (Chí Linh) chia sẻ: "Tôi già yếu, con cháu đều bận bịu nên nhiều khi đi đo huyết áp tại trạm y tế cũng khó. Thật quý khi các bác sĩ ở trạm mang máy đến tận nhà đo cho. Tôi còn được các bác tư vấn bớt ăn mặn, dầu mỡ để huyết áp ổn định".
Tại phường Cổ Thành (Chí Linh), lúc đầu triển khai cũng gặp khó khăn nên phường đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân tham gia chương trình. "Ban đầu ít ai tới trạm do người dân thấy phiền hà và nghĩ việc đo huyết áp chẳng mang lại lợi ích gì. Chúng tôi tăng cường tuyên truyền, vận động, có trường hợp mang máy đo huyết áp đến nhà người ốm đau để đo. Không chỉ đo huyết áp, chúng tôi còn tư vấn, hướng dẫn, giải thích cặn kẽ kiến thức về bệnh THA, chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp để kiểm soát huyết áp…", ông Trần Văn Chính, Trạm trưởng Y tế phường Cổ Thành cho biết.
Quản lý bệnh THA tại cộng đồng là chương trình nhằm nâng cao nhận thức, phát hiện và điều trị sớm bệnh THA cho người dân do Sở Y tế thực hiện. Người bị THA thường xuyên được đo huyết áp và biết chỉ số huyết áp của mình. Người có chỉ số huyết áp cao được chuyển đi chẩn đoán và điều trị tại các cơ sở y tế.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến đầu tháng 11, toàn tỉnh đã mở rộng các điểm sàng lọc chủ động THA. Kết quả sàng lọc được 362.047 người trên 40 tuổi (đạt 66,4 % chỉ tiêu cả năm), phát hiện 61.638 người nghi ngờ THA, trong đó có 20.524 trường hợp mới.
Tiếp tục mở rộng
Toàn tỉnh hiện có 205 trạm y tế cấp xã, 138 thôn, khu dân cư, 55 phòng khám ngoại trú, 106 gia đình triển khai các điểm đo, tư vấn cho người bị THA. Bệnh án được quản lý tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn, các phòng khám ngoại trú. Ngoài việc chuyển người bệnh đến các cơ sở điều trị, chương trình sẽ còn ứng dụng phần mềm quản lý, theo dõi THA của người dân, triển khai tin nhắn tự động gửi đến người dân nhằm thúc đẩy họ tuân thủ điều trị và thực hiện lối sống lành mạnh.
Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Văn Huỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: "Việc sàng lọc, phát hiện sớm và chuyển gửi điều trị, nhắc nhở người THA tuân thủ điều trị, thay đổi lối sống là "chìa khóa" để giảm biến chứng của THA, góp phần giảm thời gian, chi phí điều trị THA”.
Kết quả tích cực đáng ghi nhận của chương trình trên địa bàn tỉnh Hải Dương bước đầu đã chia sẻ gánh nặng quản lý, điều trị THA. Qua đó còn mở ra nhiều hình thức mới trong chăm sóc sức khỏe người dân, đặc biệt là trong quản lý một số bệnh không lây nhiễm khác như tim mạch, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.