Quản lý các trường hợp tiếp xúc liên quan đến người bệnh COVID-19
Ngày 27/12/2021 Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh đã có văn bản số 3650/CV-BCĐ v/v quản lý các trường hợp tiếp xúc liên quan đến người bệnh Covid-19.
Thực hiện Công văn số 10696/BYT-MT ngày 16/12/2021 của Bộ Y tế về việc cách ly y tế cho những trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 và Công văn số 887/UBND-VP6 ngày 21/12/2021 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19.
Để kiểm soát tốt các ca bệnh mới phát hiện, kịp thời truy vết, quản lý người tiếp xúc liên quan với bệnh nhân Covid-19, ngăn chặn kịp thời sự lây lan và bùng phát dịch bệnh đồng thời giảm quá tải cho các khu các ly tập trung, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Ninh Bình đề nghị Sở Y tế Ninh Bình phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các Sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai truy vết, quản lý, giám sát các đối tượng tiếp xúc vòng 1 (F1), vòng 2 (F2) với bệnh nhân Covid-19 theo chỉ đạo sau:
1. Đối với người tiếp xúc vòng 1 (F1) với bệnh nhân Covid-19 Người tiếp xúc vòng 1 (F1) được định nghĩa là người có tiếp xúc gần trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian kín với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0 (theo định nghĩa tại Quyết định số 3638/QĐ-BYT ngày 30/7/2021 của Bộ Y tế) được quản lý như sau:
1.1. Đối với người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng Covid-19, liều cuối cùng được tiêm trước đó ít nhất 14 ngày và chưa quá 6 tháng hoặc đã qua thời gian theo dõi sau điều trị Covid-19 (có giấy tờ chứng minh đã hoàn thành giai đoạn theo dõi và giấy ra viện không quá 6 tháng tính từ thời điểm ra viện): Chính quyền địa phương khảo sát điều kiện cách ly tại nhà/nơi lưu trú của đối tượng theo Công văn số 5599/BYT-MT ngày 17/7/2021 của Bộ Y tế về việc giảm thời gian cách ly, thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà, quản lý điều trị bệnh nhân COVID-19 và Công văn số 3585/CV-BCĐ ngày 21/12/2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Ninh Bình về việc khảo sát điều kiện cơ sở vật 2 chất và nhân lực để cách ly F1 và điều trị F0 thể nhẹ không triệu chứng tại nhà để áp dụng:
- Nếu đảm bảo yêu cầu điều kiện cách ly tại nhà/nơi lưu trú của đối tượng thì tổ chức cách ly y tế tại nhà/nơi lưu trú 07 ngày tính từ ngày áp dụng biện pháp cách ly và sau đó tự theo dõi sức khỏe trong 07 ngày tiếp theo. Tuân thủ 5K, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như sốt, ho, khó thở, đau rát họng, mất vị giác… thì thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để theo dõi và xử trí theo quy định. Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime RTPCR hoặc test nhanh kháng nguyên ít nhất 03 lần (lần 1 khi bắt đầu thực hiện cách ly, lần 2 vào ngày thứ 7, lần 3 vào ngày thứ 14; riêng xét nghiệm lần 2 phải xét nghiệm bằng phương pháp Realtime RT-PCR) hoặc ngay khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe.
- Nếu điều kiện tại nhà/nơi lưu trú không đảm bảo yêu cầu cách ly tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì tổ chức cách ly tập trung 07 ngày, tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong 07 ngày tiếp theo, đồng thời thực hiện các nội dung khác như trên.
1.2. Đối với người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 Tổ chức cách ly y tế tập trung hoặc cách ly tại nhà/ nơi lưu trú (phụ thuộc điều kiện cơ sở vật chất để cách ly tại nhà) 14 ngày tính từ ngày áp dụng biện pháp cách ly; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 07 ngày tiếp theo, thực hiện nghiêm 5K, triển khai lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 03 lần như mục 1.1.
1.3. Trong trường hợp F1 là người già trên 70 tuổi, người hạn chế vận động, trẻ em dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai, người bị bệnh hoặc sức khỏe yếu cần phải có người chăm sóc… Áp dụng hình thức cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú (trong trường hợp gia đình có nguyện vọng cách ly tập trung thì chuyển đi các ly tập trung). Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm và các nội dung khác như ở các mục 1.1 và 1.2.
2. Đối với người đến các địa điểm nguy cơ liên quan đến bệnh nhân Covid-19
Đối với người đến địa điểm nguy cơ trong thời gian F0 có mặt, tiến hành điều tra dịch tễ, phân loại nguy cơ:
- Đối với người có nguy cơ cao (xác định rõ ràng có tiếp xúc với F0 hoặc có mặt tại địa điểm nguy cơ trong thời gian dài trên 15 phút hoặc địa điểm nguy cơ là không gian kín, hẹp, đông người): Quản lý, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm tương tự như người tiếp xúc vòng 1 (F1) với bệnh nhân Covid-19.
- Đối với người có nguy cơ trung bình/thấp hơn (chưa xác định rõ ràng có tiếp xúc với F0 hoặc có mặt tại địa điểm nguy cơ trong thời gian dưới 15 phút hoặc địa điểm nguy cơ là không gian ngoài trời, thông thoáng, ít người): Thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà/ nơi lưu trú 07 ngày tính từ ngày tiếp xúc với mối nguy cơ. Triển khai lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày đầu và ngày thứ 7 (bằng phương pháp Realtime RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) trong giai đoạn theo dõi sức khỏe hoặc ngay khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh .
3. Đối với người tiếp xúc vòng 2 (F2) F2 là người tiếp xúc gần trong vòng 02 mét với F1 trong khoảng thời gian từ khi F1 có khả năng lây nhiễm từ ca bệnh (F0) cho đến khi F1 được cách ly y tế. Sau khi đã cơ bản hoàn tất truy vết F1, triển khai lập danh sách F2 và tùy vào tình hình đánh giá nguy cơ, dịch tễ để tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm F2 mở rộng (chỉ tổ chức xét nghiệm F2 khi F1 có nguy cơ rất cao, đã tiếp xúc với nguồn lây trên 03 ngày).
Tổ chức cách ly F2 tạm thời tại nhà trong khi chờ kết quả xét nghiệm Real time RT- PCR của F1:
+ Nếu kết quả xét nghiệm Real time RT-PCR lần 1 của F1 dương tính với SARS-CoV-2 thì chuyển nâng cấp F2 lên thành F1.
+ Nếu kết quả xét nghiệm Real time RT-PCR lần 1 của F1 âm tính thì kết thúc cách ly F2; F2 tự theo dõi sức khỏe trong 07 ngày tiếp theo, nếu xuất hiện triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan y tế và Tổ COVID cộng đồng tại địa phương.