Quản lý chăn nuôi theo hướng tập trung
Hà Nội có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, đứng tốp đầu cả nước do có lợi thế về diện tích đất sản xuất nông nghiệp, nhiều vùng đồi gò, vùng bãi thuận lợi cho phát triển các loại thức ăn nuôi đại gia súc. Để chăn nuôi phát triển bền vững, ngành Nông nghiệp Thủ đô tăng cường quản lý từ con giống, sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Một trang trại nuôi gà giống ở huyện Đông Anh.
Theo Cục Thống kê Hà Nội, tính đến tháng 5-2023, tổng đàn trâu của thành phố là 28,8 nghìn con, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2022; đàn bò 129,6 nghìn con, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2022; đàn lợn 1,45 triệu con, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2022; đàn gia cầm 40,5 triệu con, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, thành phố có 6.381 trang trại chăn nuôi, trong đó 130 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 1.593 trang trại chăn nuôi quy mô vừa, 4.658 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu ở các huyện: Chương Mỹ, Ba Vì, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Phúc Thọ...
Mặt khác, thực hiện tái cơ cấu chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm với đối tượng nuôi chủ lực, Hà Nội phát triển được 76 xã chăn nuôi sản phẩm chủ lực: 15 xã chăn nuôi bò sữa, 19 xã chăn nuôi bò thịt, 13 xã chăn nuôi lợn, 29 xã chăn nuôi gia cầm. Cùng với đó, thực hiện Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND ngày 7-7-2020 của HĐND thành phố quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi vùng không được phép chăn nuôi, các quận, huyện tiếp tục rà soát, triển khai việc dừng chăn nuôi ở các phường thuộc nội thành và 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây (Sơn Lộc, Quang Trung, Ngô Quyền, Lê Lợi); các thị trấn thuộc 5 huyện ven đô: Đan Phượng, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì; hạn chế chăn nuôi tại các huyện: Hoài Đức, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì đã có lộ trình thành
quận theo Quyết định số 6170/QĐ-UBND ngày 5-11-2019 của UBND thành phố Hà Nội về phê duyệt đề cương Chương trình phát triển đô thị toàn thành phố Hà Nội đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050.
Bên cạnh đó, Hà Nội đã có quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung, song tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi nông hộ vẫn cao (chiếm trên 55%). Nhiều trang trại chăn nuôi phát triển theo hướng tự phát, chú trọng tăng năng suất; các chuỗi khép kín, chuỗi liên kết chưa nhiều, lượng sản xuất và quy mô còn nhỏ, chưa đáp ứng tiềm năng lợi thế...
Để chăn nuôi phát triển xứng tầm, Hà Nội đang tái cấu trúc lại theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 6-10-2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 phù hợp điều kiện thực tiễn tại thành phố Hà Nội. Theo đó, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh từng địa phương để phát triển sản xuất chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững và tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế khu vực nông thôn; đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô.
Hà Nội cũng sẽ thúc đẩy hình thành các vùng chăn nuôi tập trung đã được quy hoạch, căn cứ đặc điểm sinh thái của vùng, thế mạnh trong chăn nuôi để xác định phát triển chăn nuôi theo hướng chủ lực với định hướng ưu tiên sản xuất con giống có năng suất chất lượng cao, gìn giữ và bảo tồn các giống địa phương có giá trị; từng bước giảm số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi trong khu dân cư, chấm dứt chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố; nâng cao chất lượng con giống, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi sản xuất giống, các doanh nghiệp chăn nuôi trên địa bàn thành phố thực hiện chăn nuôi theo quy chuẩn quốc gia.
Đồng thời, Hà Nội khuyến khích chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao: Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý và xử lý chất thải trong chăn nuôi,xây dựng hệ thống chuồng kín, xây dựng quy trình xử lý chất thải, nước thải khép kín tại trang trại chăn nuôi; cơ cấu lại phương thức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị; duy trì và phát triển 52 chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực chăn nuôi, thú y, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
Hy vọng, với những giải pháp trên, ngành chăn nuôi Hà Nội sẽ có bước chuyển biến tích cực, đáp ứng mục tiêu phát triển chăn nuôi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế Thủ đô.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/quan-ly-chan-nuoi-theo-huong-tap-trung-633990.html