Quản lý chặt chẽ, bảo đảm chất lượng giáo dục tại các cơ sở mầm non tư thục
Các nhóm trẻ mầm non tư thục có nhiệm vụ chính là nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ theo chương trình giáo dục mầm non, đồng thời đảm bảo an toàn cho trẻ về cả thể chất lẫn tinh thần. Để nâng cao chất lượng giáo dục, nhiều cơ sở mầm non tư thục đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng các phương pháp giáo dục mới, chú ý rèn các kỹ năng... giúp trẻ phát triển toàn diện.

Các bạn nhỏ tại cơ sở mầm non tư thục Ban Mai (phường Quảng Phú) tham gia hoạt động STEAM: Bé tạo hình chữ “Ô” từ lá cây.
Chúng tôi đến cơ sở mầm non tư thục Ban Mai (phường Quảng Phú) khi cô trò lớp Star đang có tiết thực hành với thí nghiệm “Cơn mưa sao băng”. Dưới sự hướng dẫn của cô giáo, các bạn nhỏ đã cùng nhau tạo ra một “bầu trời đầy sao” ngay trong lớp học. Những “ngôi sao” lung linh rơi xuống trong tiếng trầm trồ, ánh mắt thích thú và cả những nụ cười rạng rỡ của các bạn nhỏ. Thông qua hoạt động này, các con không chỉ được học về hiện tượng thiên nhiên kỳ thú mà còn rèn luyện kỹ năng quan sát, phản xạ và khả năng hợp tác nhóm.
Trong khi đó, các bạn nhỏ lớp Sky của cơ sở này cũng đang cùng nhau tham gia hoạt động “Tạo hình cây gia đình”. Mỗi chiếc lá trên cây tượng trưng một thành viên trong gia đình được bé tỉ mỉ gắn lên cây bằng tất cả tình cảm và niềm tự hào. Thông qua đó, các con không chỉ rèn luyện sự khéo léo mà còn học cách nhận biết, gọi tên các thành viên, hiểu hơn về tình cảm gia đình, và biết trân trọng những người thân yêu bên mình.
Bà Nguyễn Thị Lý, chủ cơ sở mầm non tư thục Ban Mai, cho biết: “Cùng với việc triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, cơ sở còn đầu tư đàn piano giúp trẻ phát triển năng khiếu âm nhạc, thuê giáo viên người nước ngoài dạy tiếng Anh cho trẻ...; lồng ghép nội dung giáo dục STEM, giáo dục kỹ năng sống theo nhiều chủ đề khác nhau, giúp trẻ rèn luyện kỹ năng giao tiếp, hợp tác nhóm, phản xạ nhanh qua các trò chơi tập thể, các hoạt động... Qua đó, giúp trẻ hình thành thói quen tốt và phát triển tư duy”.
Tương tự, tại nhóm trẻ độc lập tư thục Bon Kids (phường Hạc Thành), để đáp ứng nhu cầu dạy và học, chủ nhóm trẻ đã xây dựng cơ sở vật chất khang trang, đảm bảo các điều kiện phục vụ hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ...
Bà Trần Thị Thanh Tâm, Quản lý chuyên môn tại nhóm trẻ độc lập tư thục Bon Kids cho biết: “Cơ sở hiện có hơn 50 cháu trong độ tuổi từ 14 tháng đến 4 tuổi, được chia làm 4 nhóm lớp. Cùng với việc chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm đồ dùng, đồ chơi hiện đại, cơ sở đã không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, quan tâm, xây dựng các chương trình giáo dục mở nhằm nâng cao chất lượng, cung cấp kiến thức, kỹ năng cho trẻ, như: Giáo dục kỹ năng sống, dạy năng khiếu và các hoạt động trải nghiệm, tham quan trải nghiệm thực tế... Việc lồng ghép giữa học và chơi không chỉ tạo hứng thú cho trẻ mà còn đặt nền móng ban đầu cho sự phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ ở trẻ”.
Cùng với việc dạy kiến thức, nhiều cơ sở còn lồng ghép các phương pháp giáo dục mới, tiên tiến, không chỉ tạo sự hào hứng mà còn giúp trẻ hình thành các kỹ năng, thói quen tốt, phát triển tính tự lập từ sớm. Bà Bùi Thị Lý, Chủ nhóm trẻ mầm non Hoa Thiên Lý (xã Kim Tân), cho biết: "Cơ sở của chúng tôi hiện có hai nhóm lớp, đều đang áp dụng dạy học theo chuẩn chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh đó, chúng tôi còn kết hợp giảng dạy theo phương pháp STEM và Montessori. Thời gian tới, chúng tôi sẽ mở thêm lớp mẫu giáo và tuyển thêm giáo viên có kinh nghiệm để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ ngày càng cao của phụ huynh".
Để bảo đảm quyền trẻ em, tăng cường công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, cuối tháng 4/2025, Ủy ban quốc gia về trẻ em đã có Công văn số 2444/UBQGVTE đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo rà soát, thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục mầm non (đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non độc lập) nhằm xử lý kịp thời, nghiêm minh các cơ sở vi phạm quy định, quy chế tổ chức và hoạt động về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, góp phần phòng, chống bạo lực học đường. Đồng thời, tăng cường phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng, chống bạo lực học đường cho cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên của cơ sở giáo dục, gia đình và trẻ em.
Theo quy định tại Nghị định số 142/2024/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, quy định từ ngày 1/7/2025, Chủ tịch UBND cấp xã sẽ được phân quyền quản lý trực tiếp các cấp học mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn quản lý. Do đó, để góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, UBND các phường, xã cần tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình tổ chức hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non tư thục trên địa bàn; khuyến khích các cơ sở đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, quan tâm, thu hút giáo viên có trình độ chuyên môn... Qua đó góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.