Sở GD&ĐT An Giang và những tiền đề thuận lợi sau sáp sáp nhập

Ông Trần Quang Bảo được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang sau khi hợp nhất tỉnh Kiên Giang và tỉnh An Giang.

.t1 { text-align: justify; }

Theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, tỉnh An Giang sau khi hợp nhất có diện tích tự nhiên là 9.888,91 km², quy mô dân số là 4.952.238 người.

Trung tâm chính trị hành chính đặt tại thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang cũ). Tỉnh An Giang sau sáp nhập giáp tỉnh Cà Mau, tỉnh Đồng Tháp, thành phố Cần Thơ, Vương quốc Cam-pu-chia và Biển Đông.

Chiều 1/7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh và quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác cán bộ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang quyết định điều động, bổ nhiệm ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang (cũ) giữ chức Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang (mới).

Ông Trần Quang Bảo sinh năm 1969, có trình độ chuyên môn: cử nhân Sư phạm Toán, cử nhân Giáo dục chính trị, Thạc sĩ Quản lý giáo dục và có trình độ lý luận chính trị cao cấp. [1]

 Ông Trần Quang Bảo là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang sau sáp nhập. Ảnh: Báo Kiên Giang

Ông Trần Quang Bảo là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang sau sáp nhập. Ảnh: Báo Kiên Giang

Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang cũng điều động, bổ nhiệm các Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang gồm: ông Thiều Văn Nam, bà Phạm Xuân Bình, ông Huỳnh Văn Hóa, ông Cao Quốc Điện, ông Trần Tuấn Khanh, ông Nguyễn Quốc Khanh.

Sau sắp xếp, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang có 7 phòng chuyên môn.

Trước khi hợp nhất tỉnh Kiên Giang và tỉnh An Giang, quá trình phát triển giáo dục và đào tạo tại hai địa phương trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, có những bước tiến quan trọng góp phần củng cố chất lượng giáo dục tại mỗi địa phương. Từ đó, tạo nền tảng vững chắc để ngành giáo dục An Giang tiếp tục thích ứng, phát triển mạnh mẽ hơn sau sáp nhập.

Tại tỉnh Kiên Giang (cũ), theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang, đầu năm học 2024 - 2025, toàn ngành có 654 đơn vị, trường học, gồm 625 trường thuộc hệ công lập và 29 trường ngoài công lập. Ngoài ra, tỉnh có 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Kiên Giang có tổng số 21.510 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 347.304 học sinh đang học tại 11.003 nhóm/lớp. [2]

Năm 2024, Kiên Giang có 14.437 thí sinh đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông, đạt 99,72%, tăng 1% so năm 2023, đạt chỉ tiêu đề ra theo kế hoạch của ngành giáo dục và đào tạo.

Trong 14.437 thí sinh đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 có 12.928 thí sinh trung học phổ thông, tỷ lệ 99,92%, tăng 0,45% so năm 2023; 1.463 thí sinh giáo dục thường xuyên, tỷ lệ 98,65%, tăng 5,21% so năm 2023 và 46 thí sinh tự do, tỷ lệ 82,14%, tăng 23,32% so năm 2023. [3]

 “Hội nghị điển hình tiên tiến Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang lần thứ V” (giai đoạn 2020-2025) do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang (cũ) tổ chức. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Sở

“Hội nghị điển hình tiên tiến Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang lần thứ V” (giai đoạn 2020-2025) do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang (cũ) tổ chức. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Sở

Cùng với đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2020-2025 đặt mục tiêu đến cuối nhiệm kỳ có 60% số trường đạt chuẩn quốc gia. Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự phấn đấu không ngừng của cán bộ, giáo viên và học sinh, số trường đạt chuẩn quốc gia đến cuối năm 2024 là 345/593 trường, đạt tỷ lệ 58,18%.

Tính đến ngày 31/12/2024, toàn tỉnh Kiên Giang có 33 trường được công nhận chuẩn quốc gia (lần 1), trong đó 8 trường mầm non, 10 trường tiểu học, 9 trường tiểu học và trung học cơ sở, 2 trường trung học cơ sở, 3 trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, 1 trường trung học phổ thông, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia tính đến cuối năm 2024 là 345/593 trường, đạt tỷ lệ 58,18%, vượt 0,18 % so với kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia vẫn còn một số hạn chế nhất định về nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất; diện tích đất; trang thiết bị dạy học của một số đơn vị chưa đảm bảo yêu cầu theo quy định; sĩ số lớp vượt quy định; thiếu giáo viên, nhân viên mầm non nên ảnh hưởng đến công nhận lại. [4]

Đặc biệt, từ năm học 2024 – 2025 ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Kiên Giang đã ứng dụng công nghệ thông tin vào trong giảng dạy và học tập thông qua mô hình Trường học mở Khan Academy Vietnam (KAV). Với việc sử dụng nền tảng Khan Academy, giáo viên có thể giao bài và đánh giá học sinh một cách nhanh chóng, các em học sinh đặc biệt là vùng hải đảo có thể học trực tuyến mọi lúc mọi nơi mà không sợ gián đoạn học tập.

Đây là một bước tiến quan trọng trong lộ trình chuyển đổi số giáo dục của tỉnh Kiên Giang, không chỉ là ứng dụng công nghệ mà còn là thay đổi căn bản phương thức giáo dục, giúp học sinh và giáo viên tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ thông tin để cải thiện chất lượng học tập. [5]

Cũng trong năm học 2024-2025, Kiên Giang có 47 học sinh đạt giải trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông. Trong đó, có 6 giải Nhì, 14 giải Ba, 27 giải Khuyến khích, tăng 9 giải so với năm học 2023 – 2024, đứng đầu các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long và xếp thứ 35/63 tỉnh, thành (trước sáp nhập) trên cả nước.

Về chất lượng giải, Kiên Giang xếp thứ 2 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ sau thành phố Cần Thơ, tăng 2 hạng so với năm học 2023 – 2024; xếp thứ 40/63 tỉnh, thành (trước sáp nhập) tăng 4 hạng so với năm học 2023 – 2024. [6]

 Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang (cũ) tổ chức tuyên dương và khen thưởng cho học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý đạt thành tích trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm học 2024-2025. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Sở

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang (cũ) tổ chức tuyên dương và khen thưởng cho học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý đạt thành tích trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm học 2024-2025. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Sở

Về phía tỉnh An Giang (cũ), theo Kế hoạch số 626/KH-BGDĐT, ngày 30 tháng 6 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021- 2025, ngành giáo dục tỉnh An Giang qua 5 năm triển khai chuyên đề chất lượng giáo dục mầm non đã có những bước chuyển biến rõ rệt, mang lại rất nhiều kết quả tích cực trong việc đầu tư cơ sở vật chất, cải tạo khuôn viên, thiết kế môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.

Đồng thời, giáo viên ứng dụng nhiều mô hình giáo dục tiên tiến vào trong giảng dạy, góp phần huy động trẻ mẫu giáo ra lớp đạt hơn 87%, trong đó trẻ 5 tuổi đạt 100%; trường mầm non đạt chuẩn quốc gia đạt hơn 59,7%. Cùng với năng lực phát triển Chương trình Giáo dục mầm non được nâng cao đã tạo ra nhiều cơ hội cho trẻ được khám phá, trải nghiệm giúp trẻ phát triển toàn diện, là tiền đề cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1 theo hướng liên thông với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. [7]

Ngoài ra, trong khuôn khổ lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số giai đoạn 2025-2030 giữa Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang tiếp tục khẳng định những kết quả nổi bật trong ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Thời gian qua, ngành đã đạt được những thành tựu quan trọng, tiêu biểu như 100% trường học trên địa bàn tỉnh triển khai thành công tuyển sinh trực tuyến, giúp giảm đáng kể thời gian xử lý hồ sơ và nâng cao tính minh bạch. Song song với đó, việc áp dụng học bạ số đã được triển khai toàn diện ở bậc tiểu học, vượt chỉ tiêu khuyến khích của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời đang tiếp tục triển khai thí điểm ở bậc trung học.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy và học tập cũng được tích cực đẩy mạnh với nhiều dự án, chương trình được triển khai hiệu quả trong quản lý chuyên môn, tài chính, tài sản và quản trị trường học, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng giáo dục. [8]

 Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang (cũ) tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến ngành giáo dục đào tạo tỉnh An Giang giai đoạn 2020 - 2025, công bố kỷ lục Việt Nam và ra mắt trục dữ liệu ngành giáo dục đào tạo. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Sở

Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang (cũ) tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến ngành giáo dục đào tạo tỉnh An Giang giai đoạn 2020 - 2025, công bố kỷ lục Việt Nam và ra mắt trục dữ liệu ngành giáo dục đào tạo. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Sở

Đối với Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2024 tại tỉnh Kiên Giang, không có thí sinh vi phạm quy chế thi, không có cán bộ vi phạm quy chế thi. Cùng với việc tổ chức kỳ thi nghiêm túc, kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và điểm thi phản ánh chất lượng dạy và học tại địa phương này.

Cụ thể, năm 2024 tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 99,61% cao hơn năm trước 0,46% (năm 2023 là 99,15%), cao hơn tỉ lệ tốt nghiệp chung của cả nước (99,40%). Chất lượng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông trung bình các môn năm 2024 là 7,024 điểm cao hơn năm 2023 (6,802 điểm), đứng top đầu cả nước và đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đối với công tác tuyển sinh vào lớp 10, năm học 2024-2025, toàn tỉnh có 30.644 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trong đó có 27.654 học sinh đăng ký dự thi tuyển và xét tuyển vào lớp 10. Kết quả có 22.332 học sinh nộp hồ sơ và đủ điều kiện vào học lớp 10 trung học phổ thông.

Tỉ lệ phân luồng tuyển sinh 10 năm học 2024-2025 là 72,87% so với số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, tỉ lệ này xấp xỉ năm học 2023 - 2024 là 72,21%, không vượt quá chỉ tiêu phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở đã được ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt (75%). Các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp có hệ giáo dục thường xuyên tiếp nhận học viên vào lớp 10 với số lượng hơn 3.400 học viên, tăng nhiều hơn so với năm trước.

Về công tác tổ chức thi học sinh giỏi, có sự phối hợp chặt chẽ giữa sở, ban, ngành, tổ chức tốt các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh; học sinh giỏi giải toán máy tính cầm tay; kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia đúng theo kế hoạch, an toàn, nghiêm túc, đúng theo quy chế, đánh giá đúng năng lực học sinh. Đặc biệt, đối với kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2024, tỉnh An Giang có 33 thí sinh đạt giải so với tổng số thí sinh dự thi là 90, chiếm tỉ lệ 36,67%.

Công tác kiểm định chất lượng giáo dục từng bước đi vào nề nếp, đa số các trường từ mầm non đến trung học phổ thông đều quan tâm đầu tư nghiên cứu, có sự chuẩn bị và thực hiện tự đánh giá tại đơn vị đúng theo các quy định. Lãnh đạo một số trường nghiên cứu sâu, nắm vững các thông tư, hướng dẫn nên thực hiện rất tốt công tác tự đánh giá, đảm bảo đúng quy trình, phân công hợp lý, hồ sơ, minh chứng thực sự thuyết phục. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục tính đến tháng 10/2024 đạt 566/690 trường, đạt tỉ lệ 82,03%.

 Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang (cũ) khảo sát chính thức kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục trung học phổ thông trên địa bàn. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Sở

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang (cũ) khảo sát chính thức kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục trung học phổ thông trên địa bàn. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Sở

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh An Giang (cũ) vẫn còn tồn tại 1 số hạn chế như: một số học sinh gặp khó khăn khi đăng ký trực tuyến tuyển sinh 10 do chưa đăng ký sim chính chủ; báo cáo tự đánh giá của một số đơn vị chưa đạt chất lượng tốt; vẫn còn thí sinh và cán bộ coi thi mắc phải một số lỗi kỹ thuật trong coi thi, chấm thi,…. [9]

Cuối cùng, công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và xóa mù chữ tiếp tục được các địa phương tạo điều kiện thuận lợi để huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi đến trường, nhất là trẻ có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật.

Giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện khó khăn được chú trọng phát triển. Đến nay, An Giang đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2.

Số trường đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh đến thời điểm hiện tại là 376/690 trường, đạt 54,49%. Trong đó, có 103 trường mầm non (đạt 57,54%), 148 trường tiểu học (đạt 48,21%), 93 trường trung học cơ sở (đạt 60,39%) và 32 trường trung học phổ thông (đạt 64%). [10]

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoducthoidai.vn/ong-tran-quang-bao-lam-giam-doc-so-gddt-tinh-an-giang-sau-sap-nhap-post738011.html

[2] https://www.kiengiang.gov.vn/trang/TinTuc/20/21745/Bo-Giao-duc-va-Dao-tao-kiem-tra-cong-tac-trien-khai-thuc-hien-nhiem-vu-dau-nam-hoc-2024-2025-tai-Kien-Giang.html

[3] https://www.kiengiang.gov.vn/trang/TinTuc/20/21302/Ty-le-do-tot-nghiep-trung-hoc-pho-thong-nam-2024-dat-99-72-.html

[4] https://kiengiang.dcs.vn/Tin-tuc/2025/03/kien-giang-no-luc-xay-dung-truong-chuan-quoc-gia

[5] https://daibieunhandan.vn/nganh-giao-duc-va-dao-tao-kien-giang-doi-moi-can-ban-toan-dien-vuon-minh-vao-ky-nguyen-moi-post402329.html

[6] https://daibieunhandan.vn/kien-giang-khen-thuong-hoc-sinh-giao-vien-dat-thanh-tich-trong-ky-thi-hoc-sinh-gioi-quoc-gia-post402890.html

[7] https://angiang.edu.vn/tin-tuc-su-kien/hoi-nghi-tong-ket-chuyen-de-xay-dung-truong-mam-non-lay-tre-lam-trung-tam-giai-doan-2021-2025-va-khen-thuong-hoi-thi-xay.html

[8] https://angiang.edu.vn/tin-tuc-su-kien/tin-tuc-giao-duc/nganh-giao-duc-an-giang-day-manh-ung-dung-cntt-va-chuyen-doi-so.html

[9] https://angiang.edu.vn/tin-tuc-su-kien/tin-tuc-giao-duc/hoi-nghi-tong-ket-cong-tac-quan-ly-chat-luong-nam-hoc-2023-2024-va-trien-khai-nhiem-vu-nam-hoc-2024-2025.html

[10] https://baoangiang.com.vn/nganh-giao-duc-va-dao-tao-an-giang-dat-nhieu-ket-qua-noi-bat-a413615.html

Bảo Hân

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/so-gddt-an-giang-va-nhung-tien-de-thuan-loi-sau-sap-sap-nhap-post252594.gd