Quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm
Những tháng đầu năm, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành NN&PTNT chủ động thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của T.Ư, của tỉnh về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN), an toàn thực phẩm (ATTP) nông lâm thủy sản trên địa bàn. Tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, đơn vị thuộc ngành tăng cường công tác quản lý Nhà nước về chất lượng VTNN, ATTP và kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, cây trồng; tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới.
Hộ chăn nuôi xã Mông Hóa (TP Hòa Bình) đầu tư chuồng trại, đảm bảo quy định về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
6 tháng đầu năm, Sở NN&PTNT đã ban hành 24 văn bản, gồm: 3 kế hoạch; 16 công văn chỉ đạo, góp ý xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; 5 báo cáo chuyên đề liên quan đến công tác quản lý chất lượng VTNN, ATTP trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thông tin truyền thông về chất lượng VTNN, ATTP. Trong đó, tổ chức 4 lớp tập huấn hướng dẫn nhận biết và các biện pháp phòng trừ bệnh khảm lá sắn; 7 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cây trồng; 4 lớp tuyên truyền văn bản quy phạm pháp luật về kiểm dịch thực vật và cấp mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói; tổ chức 38 buổi tọa đàm, 1.380 buổi phát thanh trên loa phát thanh của phường, thị trấn về công tác ATTP.
Ngành đã hướng dẫn, thẩm định, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 27 cơ sở SX-KD nông lâm thủy sản; 3 giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y; 1 giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh; 21 giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật; 29 giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phân bón. Xác nhận nội dung quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật cho 4 công ty có nhu cầu. Hướng dẫn hồ sơ, thủ tục cấp mã cơ sở đóng gói cho HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Tân và HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Thành tại xã Cao Dương (Lương Sơn). Hỗ trợ vùng sản xuất được cấp mã vùng trồng thanh long và chuối, hiện đã xuất khẩu được 55 tấn chuối.
Tổ chức khảo sát, lựa chọn cơ sở trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản để hỗ trợ đánh giá chứng nhận VietGAP năm 2021; lũy kế đến thời điểm này đã cấp giấy chứng nhận cho 110 cơ sở (61 cơ sở trồng trọt được chứng nhận VietGAP quy mô 2.642,2 ha, chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ trong trồng trọt 7 cơ sở quy mô 39,52 ha, chứng nhận VietGAP trong nuôi trồng thủy sản 17 cơ sở quy mô 1.403 lồng, chứng nhận VietGAP trong chăn nuôi cho 3 cơ sở nuôi ong quy mô 2.500 đàn, 23 cơ sở chăn nuôi (gà, lợn) quy mô 1.155,75 tấn sản phẩm/năm).
Công tác giám sát ATTP nông lâm thủy sản tiếp tục được coi trọng, tổ chức lấy 11 mẫu nông lâm thủy sản để kiểm định chất lượng, an toàn thực phẩm, 11 mẫu đều an toàn với các chỉ tiêu phân tích; lấy 3 mẫu phân bón gửi đi phân tích kiểm định chất lượng, cả 3 mẫu có chất lượng không phù hợp với Quy chuẩn Việt Nam QCVN 01-189:2019/BNNPTNT, đã tiến hành xử lý vi phạm với tổng số tiền 8 triệu đồng.
Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, thẩm định, chứng nhận cơ sở SX-KD nông, lâm, thủy sản thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; đã thẩm định đánh giá định kỳ theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT được tổng số 44 cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản (20 cơ sở đánh giá định kỳ; 24 cơ sở thẩm định đánh giá theo đơn đề nghị của cơ sở), có 13 cơ sở xếp loại A, 31 cơ sở xếp loại B. Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2021 đã kiểm tra 5 Ban chỉ đạo ATTP tuyến huyện, xã; 17 cơ sở SXKD nông, lâm, thủy sản, dịch vụ ăn uống và bếp ăn tập thể, qua kiểm tra 17/17 cơ sở chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Ngoài ra, cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra được 5 Ban chỉ đạo ATTP tuyến huyện; 24 cơ sở SX-KD thực phẩm, dịch vụ ăn uống, trong đó, 4 cơ sở vi phạm các quy định của pháp luật, xử phạt vi phạm vi phạm hành chính tổng số tiền 8,5 triệu đồng. Tổ chức ký cam kết SX-KD thực phẩm an toàn theo Thông tư số 17/2018/TT, lũy kế đến nay đã có 7.295 cơ sở được ký cam kết. Tiến hành thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về vật tư nông nghiệp tổng số 112 cơ sở SX-KD VTNN, gồm: 76 cơ sở kinh doanh phân bón và thuốc BVTV; 5 cơ sở kinh doanh thuốc thú y; 15 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi; 16 cơ sở kinh doanh giống cây trồng. Kết quả, 97 cơ sở chấp hành tốt các quy định của pháp luật; 5 cơ sở ngừng hoạt động.
Những tháng cuối năm, ngành tiếp tục triển khai chính sách, pháp luật trong lĩnh vực quản lý VTNN, ATTP; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý chất lượng VTNN, ATTP nông, lâm, thủy sản; hỗ trợ xây dựng, kết nối chuỗi cung ứng nông sản sản thực phẩm an toàn; tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát chất lượng VTNN, ATTP sản phẩm nông, lâm, thủy sản và xử lý vi phạm; quảng bá sản phẩm của các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong tình hình dịch Covid-19.