Quản lý chặt, ngăn ngừa hành vi đốt, phá rừng
Sau bão số 3, nhiều diện tích rừng trên địa bàn tỉnh bị đổ, gãy dẫn đến nguy cơ các đối tượng lợi dụng để chặt phá, khai thác gỗ trái phép. Kèm theo đó, một lượng lớn cành, lá cây rơi rụng, kết hợp thời tiết hanh khô, nguy cơ cháy rừng rất cao, khó kiểm soát. Thực trạng trên đòi hỏi cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần quyết liệt triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).
Tập trung bảo vệ, phục hồi rừng
Ban Quản lý bảo tồn Tây Yên Tử được giao quản lý, bảo vệ và phát triển hơn 12,5 nghìn ha đất rừng đặc dụng, nằm trên địa bàn 4 xã, thị trấn thuộc huyện Sơn Động và Lục Nam. Bão số 3 đã khiến 158 ha rừng tự nhiên tại đây bị gãy, đổ; một số nơi bị sạt lở làm mất rừng, khả năng phục hồi thấp.
Theo đại diện Ban Quản lý bảo tồn Tây Yên Tử, để ngăn chặn các đối tượng lợi dụng tình hình trên vào chặt phá rừng tự nhiên, đơn vị bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ tại các chốt, trạm bảo vệ rừng; tăng cường tuần tra, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời khi có tình huống khai thác lâm sản trái phép hay xảy ra cháy rừng. Tất cả các lô rừng trồng giáp ranh với rừng tự nhiên đều được đánh mốc sơn kết hợp sử dụng máy định vị GPS để xác định tọa độ. Đơn vị đã lập biên bản và yêu cầu các chủ rừng giáp ranh ký cam kết không được tự ý phát phá rừng tự nhiên.
Đơn vị huy động lực lượng, phương tiện tổ chức vệ sinh, thu gom, xử lý vật liệu cháy, sửa chữa các đường băng cản lửa nhằm giảm nguy cơ cháy rừng. Đồng thời áp dụng các biện pháp lâm sinh như khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, trồng bổ sung cây để phục hồi, nâng cao chất lượng rừng, trong đó ưu tiên trồng cây bản địa, đa tác dụng, có khả năng chống chịu gió bão, sâu bệnh như lim, vù hương, thanh thất.
“Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác PCCCR, tránh tình trạng cháy lan lên rừng tự nhiên khi phát dọn, xử lý thực bì các lô rừng trồng giáp ranh. Tuyệt đối không để xảy ra điểm nóng phá rừng tự nhiên trên diện tích được giao quản lý”, ông Hoàng Văn Nguyên, Giám đốc Ban Quản lý bảo tồn Tây Yên Tử nói.
Xác định phục hồi rừng sau bão số 3 là thiết yếu để ổn định đất đai và giảm thiểu nguy cơ sạt lở, lũ lụt, thời điểm này, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Động đã huy động tối đa lực lượng dọn dẹp, thu gom vật liệu dễ cháy để xử lý. Tích cực tuyên truyền nhân dân chấp hành nghiêm các quy định, tuyệt đối không lợi dụng việc khai thác rừng trồng bị thiệt hại để phát phá vào rừng tự nhiên; vận động bà con mạnh dạn tố giác hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp đến cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.
Tại huyện Lục Ngạn, lực lượng kiểm lâm đang tập trung tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng, đồng thời đấu tranh, truy quét, xử lý các “đầu nậu” mua bán, vận chuyển, tàng trữ gỗ, động vật rừng, các loại lâm sản trái pháp luật; chuẩn bị phương tiện, thiết bị, dụng cụ sẵn sàng cho công tác chữa cháy rừng.
Kiên quyết xử lý vi phạm
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ khai thác, chặt phá rừng tự nhiên trái pháp luật, diện tích thiệt hại hơn 14,1 ha (giảm 7 vụ và tăng hơn 6,3 ha thiệt hại so với cùng kỳ năm trước). Cơ quan chức năng đã xử lý hình sự 3 vụ. Đáng chú ý, đối với vụ phá 10,3 ha rừng tự nhiên tại thôn Văn Non, xã Lục Sơn (Lục Nam), Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 2 bị can (trong đó bắt tạm giam 1 bị can) và đang hoàn thiện hồ sơ để truy tố trước pháp luật. Đối với vụ phá 1,5 ha rừng tự nhiên tại thôn Vĩnh Hồng, xã Lục Sơn, Công an huyện đã khám nghiệm hiện trường, đang điều tra, xác minh làm rõ đối tượng vi phạm.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ khai thác, chặt phá rừng tự nhiên trái pháp luật, diện tích thiệt hại hơn 14,1 ha (giảm 7 vụ và tăng hơn 6,3 ha thiệt hại so với cùng kỳ năm ngoái). Cơ quan chức năng đã xử lý hình sự 3 vụ.
Bão số 3 đã khiến hàng trăm ha rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại, tiềm ẩn nguy cơ các đối tượng xấu lợi dụng để chặt phá, lấn chiếm rừng tự nhiên. Bên cạnh đó, thảm thực bì dưới tán rừng nhiều nơi còn dày rậm, thời tiết nắng nóng khô hạn bất thường, trong khi ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao; trách nhiệm của một số chính quyền địa phương còn hạn chế, nhiều chủ rừng còn chủ quan xem nhẹ công tác PCCCR dẫn đến nguy cơ cháy rừng rất cao.
Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên bám rừng, tăng cường lực lượng về cơ sở, đặc biệt là những điểm nóng thường xuyên xảy ra chặt phá, khai thác, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật. Qua đó sẵn sàng phối hợp với các lực lượng để ứng phó, xử lý những tình huống cấp bách, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ông Hà Minh Quý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: "Quan điểm của Sở là kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm, đặc biệt là những cán bộ kiểm lâm thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với những cán bộ có hành vi buông lỏng quản lý, không kịp thời phát hiện, báo cáo và xử lý các vụ vi phạm trên địa bàn được giao quản lý, phụ trách".
Ngoài ra, các cơ quan tiếp tục triển khai thực hiện tốt quy chế phối hợp đã ký kết giữa ba lực lượng công an - quân sự - kiểm lâm; bảo đảm đầy đủ lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực sẵn sàng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách. Nghiêm cấm mọi hành vi đốt nương làm rẫy, sử dụng lửa trong rừng, ven rừng trong suốt thời kỳ cao điểm dễ xảy ra cháy rừng.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo bộ phận chuyên môn đẩy mạnh trồng rừng phòng hộ đầu nguồn; khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung rừng, làm giàu rừng, nâng cao giá trị đa dạng sinh học, khả năng cung cấp lâm sản, khả năng phòng hộ và các giá trị khác của rừng. Tổ chức rà soát, đánh giá và kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển KT-XH có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ.
Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/quan-ly-chat-ngan-ngua-hanh-vi-dot-pha-rung-090955.bbg