Quản lý chất thải rắn đô thị - Bài 2: Khối lượng chất thải không ngừng gia tăng

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, phát sinh chất thải rắn bao gồm chất thải rắn đô thị đang gia tăng với thành phần phức tạp, đã và đang gây áp lực lớn lên môi trường, gây khó khăn cho công tác quản lý chất thải rắn ở Việt Nam.

Rác thải sinh hoạt đựng trong các túi nilon chất đống tại ngõ Đông Tác, quận Đống Đa. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Rác thải sinh hoạt đựng trong các túi nilon chất đống tại ngõ Đông Tác, quận Đống Đa. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Nhiều sức ép lên môi trường đô thị

Tính đến hết năm 2018, cả nước có 813 đô thị với dân số khoảng 33,83 triệu người, chiếm 35,7% dân số cả nước. Dân số tiếp tục gia tăng do di cư từ nông thôn ra thành thị đang là sức ép lớn gây ra tình trạng quá tải với môi trường. Đặc biệt, ở vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ, mật độ dân số lần lượt là 1.004 người/km2 đến 711 người/km2. Các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có mật độ dân số khá cao và ngày càng có xu hướng gia tăng do cơ học là chính.

Sự tăng trưởng các ngành kinh tế ở khu vực đô thị như xây dựng, công nghiệp, giao thông vận tải, y tế, thương mại - dịch vụ cũng như quá trình sử dụng, tiêu thụ năng lượng đã và đang tạo ra nhiều sức ép đối với môi trường ở khu vực đô thị.

Theo báo cáo gần đây nhất của Tổng cục Môi trường, lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 38.000 tấn/ngày. Khối lượng chất thải rắn phát sinh tại các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10 - 16% mỗi năm, chiếm khoảng 60 - 70% tổng lượng chất thải rắn đô thị. Tại một số đô thị, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh chiếm đến 90% tổng lượng chất thải rắn đô thị.

Lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị tăng mạnh ở các đô thị lớn có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa tăng nhanh như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, chiếm tới 45,24% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ tất cả các đô thị.

Năm 2017, tại Hà Nội, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh năm 2017 khoảng 7.500 tấn/ngày, trong đó 12 quận và thị xã Sơn Tây là 5.388 tấn/ngày. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, lượng chất thải rắn sinh hoạt trung bình 8.700 tấn/ngày.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ số phát sinh chất thải rắn sinh hoạt đô thị bình quân đầu người ở đô thị loại đặc biệt, loại 1 là 1,3 kg/người/ngày so với 0,5 kg/người/ngày ở các đô thị loại IV, loại V. Dự báo lượng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt ở các đô thị sẽ tăng trung bình 10 - 16% mỗi năm.

Thành phần chủ yếu trong chất thải rắn tại các bãi chôn lấp là chất thải thực phẩm chiếm 83 - 89%. Tại các đô thị, có phát sinh một lượng nhỏ chất thải nguy hại bị trộn lẫn với chất thải rắn sinh hoạt thông thường nhưng vẫn là nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng. Hiện chưa có thống kê về lượng chất thải nguy hại sinh hoạt phát sinh.

Bên cạnh đó, ngành Du lịch phát triển, do vậy, chất thải rắn khu vực miền biển thường cao đột biến theo mùa vụ, thành phần đặc thù do các chất tẩy rửa được dùng khá phổ biến và rộng rãi gây ảnh hưởng lớn tới môi trường nước. Chất thải rắn sinh hoạt ở vùng cao có tính ổn định, hầu hết là chất thải thông thường, tỷ lệ chất hữu cơ có thể phân hủy sinh học rất cao, xử lý tại chỗ.

Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị tăng từ 78% năm 2008 lên 85,5% năm 2017. Dịch vụ thu gom đã được mở rộng tới các đô thị loại V và các điểm dân cư nông thôn. Một số đô thị đặc biệt, đô thị loại I như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng có tỷ lệ thu gom khu vực nội thành đạt 100%. Thành phố Hà Nội đạt khoảng 98% ở 12 quận và thị xã Sơn Tây. Công tác xã hội hóa thu gom, vận chuyển chất thải rắn bước đầu được thực hiện và đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Buôn Mê Thuột, Thừa Thiên - Huế….

Công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã hoặc đang được thực hiện thí điểm ở một số thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Cần Thơ.... Do thiếu đầu tư cho hạ tầng cơ sở, thiết bị, nhân lực, nhận thức của cộng đồng cũng như thiếu thị trường đầu ra cho từng loại chất thải, việc phân loại chất thải tại nguồn chưa đạt được hiệu quả kinh tế trên thực tiễn, các mô hình thí điểm từng xây dựng không tự duy trì được lâu dài.

Ở các đô thị, nhiều trạm trung chuyển, một số điểm tập kết còn có hiện tượng tồn đọng chất thải kéo dài, gây mùi khó chịu, khiến người dân bức xúc do môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng. Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2017 có khoảng 1.000 điểm tập trung rác, chủ yếu ở các quận nội thành và phân bố rải rác ở các huyện ngoại thành; 26 trạm trung chuyển đang hoạt động với nhiều quy mô khác nhau, trong đó có 8 trạm trung chuyển hoạt động tạm, đa số là trạm hở và không có hệ thống xử lý môi trường. Nhiều phương tiện vận chuyển không đáp ứng yêu cầu gây rò rỉ nước thải hoặc gây ô nhiễm mùi trong quá trình vận chuyển.

Cải cách thể chế và chính sách

Phân loại và xử lý rác thải tại Nhà máy xử lý rác thải thành phố Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN

Phân loại và xử lý rác thải tại Nhà máy xử lý rác thải thành phố Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN

Để nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn, theo Tiến sỹ Hoàng Hồng Hạnh, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, thân thiện với môi trường. Trong đó, cần ưu tiên đầu tư, hỗ trợ cho việc phát triển các công nghệ xử lý, tái chế chất thải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, khí hậu và hiện trạng chất thải; đẩy mạnh hợp tác, phân chia trách nhiệm rõ ràng, hợp lý giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Khoa học và Công nghệ.

Công tác quản lý cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ, cập nhật thường xuyên về chất thải rắn. Đặc biệt là cần xây dựng, ban hành danh mục công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt và tiêu chí lựa chọn công nghệ để hướng dẫn các địa phương lựa chọn cho phù hợp với điều kiện.

Cơ chế, chính sách cần được cải cách để huy động được nguồn lực của toàn xã hội trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Các địa phương cần phải rà soát, ban hành đơn giá thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu áp dụng các cơ chế đấu thầu cạnh tranh khi lựa chọn các chủ đầu tư để tạo cơ chế cạnh tranh minh bạch.

Các biện pháp cần triển khai, từng bước thực hiện như bắt buộc phân loại tại nguồn trên các đô thị; khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp quản lý môi trường tiên tiến như sản xuất sạch hơn, kiểm toán chất thải, hệ thống quản lý môi trường…; thực hiện các chương trình truyền thông để thúc đẩy tiêu dùng bền vững; chú ý đến một số loại chất thải mới nổi, đặc thù. Trước mắt, cần tập trung xây dựng và triển khai thực hiện thành công các chính sách về quản lý chất thải nhựa, túi nilon khó phân hủy, tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sản xuất, tiêu dùng túi nilon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

Bài cuối: Thay đổi chính sách để vượt qua 'khủng hoảng'

Minh Nguyệt (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/quan-ly-chat-thai-ran-do-thi-bai-2-khoi-luong-chat-thai-khong-ngung-gia-tang-20190823072730611.htm