Quản lý chất thải rắn, vệ sinh môi trường xanh và triển vọng xây dựng đô thị bền vững

Quản lý chất thải rắn và duy trì vệ sinh môi trường theo hướng hạ tầng xanh là một hướng đi mới mẻ và đầy triển vọng, để hướng tới mục tiêu xây dựng một đô thị xanh, bền vững cho tương lai. Hành trình này không chỉ dừng lại ở việc quản lý thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải và duy trì làm sạch vệ sinh môi trường thông thường mà còn cần quản lý phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, đồng thời sử dụng các trang thiết bị, các công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường.

Tại tọa đàm Quản lý chất thải rắn xanh và vệ sinh môi trường xanh – Hướng đến đô thị xanh bền vững do Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam), phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội và Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 15.8, các chuyên gia về đô thị, môi trường, đại diện một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xử lý chất thải và bảo vệ môi trường đã chia sẻ những kinh nghiệm và mô hình quản lý tiên tiến, đồng thời tìm kiếm các giải pháp công nghệ mới trong xử lý chất thải và bảo vệ môi trường.

Quang cảnh tọa đàm "Quản lý chất thải rắn xanh và vệ sinh môi trường xanh – Hướng đến đô thị xanh bền vững".

Quang cảnh tọa đàm "Quản lý chất thải rắn xanh và vệ sinh môi trường xanh – Hướng đến đô thị xanh bền vững".

Để quản lý chất thải rắn hiệu quả

Quá trình đô thị hóa gây ra ảnh hưởng trực tiếp lên môi trường và làm phát sinh chất thải rắn với khối lượng lớn ở các thành phố lớn trên thế giới, cùng với các vấn đề môi trường ngày càng phức tạp, việc quản lý chất thải rắn và vệ sinh môi trường đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến 12.2023, hệ thống đô thị Việt Nam có khoảng 902 đô thị, trong đó có 2 đô thị đặc biệt, 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II, 46 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV và 703 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước ước đạt trên 42,6%.

Hiện nay, Việt Nam đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt một ngày, trong đó khoảng 60% là rác thải sinh hoạt đô thị. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên 70% lượng rác này được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng dưới 20% là được chôn lấp hợp vệ sinh. Lượng rác chôn lấp không hợp vệ sinh đang hàng ngày gây ô nhiễm cho môi trường đất, môi trường nước và không khí.

Vấn đề này trở nên đặc biệt nghiêm trọng ở các thành phố lớn. Ngoài ra, trong số 30% được xử lý bằng phương pháp không chôn lấp thì cũng có đến 2/3 là được đốt tiêu hủy bằng các lò đốt rác thủ công, gây khói bụi ô nhiễm không khí.

Sau khi người dân chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội), một số khu vực đất trống trong nội đô trở thành nơi tập kết rác bất đắc dĩ. Ảnh tư liệu. Ảnh: Vietnamnet

Sau khi người dân chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội), một số khu vực đất trống trong nội đô trở thành nơi tập kết rác bất đắc dĩ. Ảnh tư liệu. Ảnh: Vietnamnet

Tại tọa đàm, ông Phạm Văn Đức, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO), cho biết tại Hà Nội, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại đô thị (chủ yếu từ các hộ gia đình, khu vực công cộng như đường phố, chợ, văn phòng, trường học,...) là khoảng 7.300 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên toàn thành phố hiện nay đạt 85,5% và có sự cách biệt theo phạm vi không gian.

Cụ thể, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt tại các quận trung tâm đạt 100%, tại các huyện ngoại thành đạt 88 - 89%. 100% rác thải sinh hoạt thu gom được xử lý đúng tiêu chuẩn.

Nếu quản lý chất thải rắn hiệu quả sẽ giúp giảm thiểu các tác động bất lợi đến sức khỏe và môi trường, bảo tồn tài nguyên và cải thiện khả năng sống của các thành phố. Ngược lại, việc quản lý chất thải rắn không hợp lý sẽ gây ra nhiều hệ lụy đến đời sống con người như: ô nhiễm nước mặt, nước ngầm, đất và không khí,… Cùng với đó, những thiếu sót trong việc hoạch định hay quy hoạch quản lý chất thải yếu kém cũng có thể làm gia tăng lượng khí thải vốn đã cao trong chuỗi xử lý chất thải.

Ông Phạm Văn Đức, Tổng Giám đốc URENCO, phát biểu khai mạc tọa đàm.

Ông Phạm Văn Đức, Tổng Giám đốc URENCO, phát biểu khai mạc tọa đàm.

Bà Sarah Remmei, Chuyên gia hoạch định đô thị môi trường Spatial Decisions, cho rằng xử lý chất thải một cách bền vững đem lại vô vàn lợi ích, hiện nay nhiều nơi trên thế giới đã có những giải pháp tiên tiến về quản lý chất thải rắn xanh và giảm thiểu chất thải rắn tại nguồn đã được chú trọng hơn.

Những mô hình tốt nhất có thể kể đến là: Tái chế tại nguồn tại Osaka, Nhật Bản; Tái chế, sửa chữa và nghiên cứu tại Thụy Điển; Nhà máy đốt sản sinh điện từ chất thải rắn (Waste-to-energy, WTE) tại Singapore; Hệ thống thu phí theo lượng thải (Pay-as-you-throw, PAYT) tại Hàn Quốc; Cải cách chính sách - Thứ tự ưu tiên tại Hà Lan; Cấm sử dụng nhựa dùng một lần tại một số Bang của Hoa Kỳ;…

Trong bối cảnh Việt Nam, để có thể thúc đẩy thay đổi trong môi trường, nền kinh tế và tiết giảm khí thải thông qua quản lý chất thải rắn xanh và bền vững, bà Sarah Remmei đã đưa ra một số khuyến nghị: Cần áp dụng cải cách chính sách và thực thi pháp luật để có thể có sự thay đổi thực sự trong quy trình quản lý chất thải rắn và giúp xây dựng nền quản trị tốt và gia tăng nhận thức cộng đồng.

Bên cạnh đó, cần thu hút khu vực tư nhân để có thể sử dụng kiến thức chuyên môn của họ và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật như máy móc mới và lò đốt mới, hay thiết bị theo dõi chất thải rắn,… và thu hút khu vực phi chính thức để hiểu quan điểm, nhận xét và hợp tác. Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng để ý thức được tầm quan trọng của việc tiết giảm, phân loại, tái chế và phương pháp xử lý chất thải rắn phù hợp.

“Cơ hội dành cho Việt Nam đó là đầu tư sớm vào quản lý chất thải rắn xanh trên phạm vi hàng trăm thành phố vừa và nhỏ trên cả nước và không chờ đến lúc việc thiếu hụt bãi chôn lấp rác trở thành vấn đề không thể vượt qua được. Chìa khóa thực sự dẫn đến quản lý chất thải rắn xanh và bền vững nằm ở việc tiết giảm chất thải rắn tại nguồn thông qua quy tắc 3R (tái chế, tái sử dụng và tiết giảm). Lượng công việc trong quản lý quy trình thu gom và chôn lấp sẽ giảm đáng kể nếu như lượng chất thải cần quản lý giảm đi. Bất kỳ chính quyền thành phố nào cũng có thể thực hiện chính sách này khi người ra quyết định đặt tầm quan trọng của việc quản lý chất thải lên hàng đầu”, bà Sarah Remmei gợi mở.

Các đại biểu trình bày tham luận tại Tọa đàm.

Các đại biểu trình bày tham luận tại Tọa đàm.

Đưa ra giải pháp xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong hoạt động thu gom, tái chế chất thải hướng tới đô thị xanh bền vững, đại diện URENCO cho biết, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Kinh tế tuần hoàn trong hoạt động quản lý chất thải bao gồm: Thu gom, phân loại các loại rác thải, bao bì có khả năng tái chế; Sử dụng dây chuyền công nghệ biến rác thải tái chế thành nguyên liệu đầu vào; Tìm kiếm và phân phối sản phẩm tái chế đảm bảo chất lượng tới các doanh nghiệp (cung cấp đầu vào).

Để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong hoạt động thu gom, tái chế chất thải hướng tới đô thị xanh bền vững, theo đại diện URENCO, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp luật về môi trường. Cùng với đó là huy động mọi nguồn lực trong công tác tuyên truyền, thúc đẩy hoạt động phân loại, nâng cao ý thức cộng đồng. Định hướng quy chuẩn hoạt động thu gom, mua bán, kinh doanh thương mại và tái chế chất thải từ “phi chính thức” thành “chính thức”. Ngoài ra, cần đầu tư các nhà máy tái chế chất thải có công nghệ hiện đại, dần tiến đến xóa bỏ các làng nghề gây ô nhiễm môi trường.

Tại Việt Nam, việc phát triển du lịch tại các đô thị ven biển mang lại lợi ích kinh tế về lâu dài nếu được phát triển theo hướng bền vững nhưng cũng mang đến áp lực về quản lý chất thải rắn, đặc biệt là chất thải nhựa ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng đến cảnh quan du lịch, môi trường sinh thái, sức hút trong mắt du khách và gây tác động tiêu cực sức khỏe của người dân.

Trong khi đó hệ thống quản lý chất thải rắn nói chung tại các đô thị du lịch ven biển Việt Nam còn chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển, dẫn đến tình trạng ô nhiễm chất thải nhựa khu vực ven biển và ảnh hưởng đến chính sự phát triển của ngành du lịch tại các đô thị này.

Người dân phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi) ra quân thu gom rác. Ảnh: Báo Biên phòng

Người dân phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi) ra quân thu gom rác. Ảnh: Báo Biên phòng

Trên cơ sở phân tích các khó khăn, thách thức trong quản lý chất thải rắn tại các đô thị du lịch biển, ThS. Vương Thu Hoài, Viện Quy hoạch môi trường, Hạ tầng kỹ thuật đô thị và Nông thôn đề xuất các giải pháp bao gồm bốn nhóm chính: Kỹ thuật cải thiện hệ thống quản lý chất thải rắn hướng đến hạ tầng xanh, tập trung vào phân loại, giảm thiểu tại nguồn cho các đô thị du lịch ven biển; Quản lý, cơ chế chính sách, nguồn lực thực hiện; Tuyên truyền, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng; Ứng dụng công nghệ.

ThS. Vương Thu Hoài nhấn mạnh: “Việc thực hiện các giải pháp quản lý chất thải rắn dành cho các đô thị ven biển nêu trên sẽ giúp bảo vệ môi trường và đảm bảo sự phát triển bền vững cho sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung và ngành du lịch biển nói riêng. Đề nghị chính quyền các đô thị cần căn cứ trên điều kiện kinh tế-xã hội và chất lượng môi trường hiện trạng để áp dụng các giải pháp đề xuất trên một cách phù hợp tại địa phương”.

Phát triển hạ tầng xanh tại các khu công nghiệp

Để giảm thiểu những tác động bất lợi trong quá trình đô thị hóa, tại tọa đàm, một số ý kiến cho rằng, việc phát triển cơ sở hạ tầng xanh đóng vai trò quan trọng trong quy hoạch đô thị bằng cách tăng cường tính bền vững của môi trường, cải thiện phúc lợi cộng đồng và tạo ra những thành phố đáng sống hơn thông qua việc tích hợp các yếu tố tự nhiên, như công viên và không gian xanh, vào cảnh quan đô thị.

Trong đó, ở nước ta hiện nay, các khu kinh tế, khu công nghiệp trở thành nhân tố quan trọng trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước đồng thời, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần mở rộng thị trường quốc tế, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách Nhà nước, tạo việc làm cho người lao động và có tác động ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình đô thị hóa.

Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) là khu công nghiệp xanh tiên phong tại Việt Nam. Ảnh: Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng

Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) là khu công nghiệp xanh tiên phong tại Việt Nam. Ảnh: Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng

Theo ThS-KS. Bạch Ngọc Tùng, Công ty cổ phần công nghệ Xây dựng ACUD Việt Nam, việc đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng cho các khu công nghiệp theo hướng hạ tầng xanh là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững trong đó có mục tiêu trung hòa các bon vào năm 2050.

“Phát triển hạ tầng xanh cho các khu công nghiệp tại Việt Nam là một mục tiêu quan trọng và cần thiết để hướng tới phát triển bền vững. Sự kết hợp giữa các giải pháp kỹ thuật, chính sách hỗ trợ và hợp tác giữa các bên liên quan sẽ là chìa khóa để đạt được thành công trong lĩnh vực này”, ThS-KS. Bạch Ngọc Tùng nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Tùng cũng cho rằng cần có một chiến lược toàn diện bao gồm các giải pháp kỹ thuật, chính sách và quản lý để phát triển hạ tầng xanh cho các khu công nghiệp tại Việt Nam.

Tọa đàm Quản lý chất thải rắn xanh và vệ sinh môi trường xanh – Hướng đến đô thị xanh bền vững nằm trong chuỗi tọa đàm về hạ tầng xanh trong đô thị. Tọa đàm tiếp theo với chủ đề Nghĩa trang và an táng xanh dự kiến diễn ra vào tháng 9.2024.

Trong quy hoạch và thiết kế khu công nghiệp xanh cần tích hợp không gian xanh nhằm tạo ra các khu vực công viên, cây xanh, và vườn hoa trong và xung quanh khu công nghiệp để cải thiện môi trường và cung cấp không gian nghỉ ngơi cho công nhân. Sắp xếp các khu vực sản xuất, kho bãi, và văn phòng theo cách tối ưu để giảm thiểu khoảng cách vận chuyển nội bộ, tiết kiệm năng lượng và chi phí.

Sử dụng năng lượng tái tạo để triển khai các dự án năng lượng mặt trời trên mái nhà của nhà máy và khu vực trống, cùng với việc lắp đặt các tuabin gió nếu điều kiện cho phép. Sử dụng công nghệ thông minh để quản lý và tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, giảm lãng phí và tăng hiệu quả. Áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng như hệ thống chiếu sáng LED, thiết bị tiết kiệm năng lượng và hệ thống điều hòa không khí hiệu quả.

Cần quản lý và xử lý nước bền vững, lắp đặt hệ thống thu gom nước mưa để sử dụng cho tưới tiêu cây xanh, vệ sinh công nghiệp, và các mục đích khác. Xây dựng các nhà máy xử lý nước thải với công nghệ tiên tiến để xử lý và tái sử dụng nước thải, giảm thiểu ô nhiễm và tiết kiệm nước.

Đồng thời, thiết lập hệ thống phân loại chất thải tại nguồn và xây dựng các cơ sở tái chế chất thải để biến chất thải thành tài nguyên. Đầu tư vào công nghệ xử lý chất thải hiện đại để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bùn thải tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường

Bùn thải tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường

Vệ sinh môi trường xanh

Các thành phố trên khắp thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức về độ sạch và tính bền vững của môi trường, bao gồm lượng khí thải nhà kính ngày càng tăng, không gian công cộng mất vệ sinh, mùi hôi, nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, tỷ lệ tái chế thấp và không gian hạn chế. Do đó, chiến lược quản lý chất thải sáng tạo xanh có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp các thành phố cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng và trở nên bền vững hơn về lâu dài.

Trong quá trình thoát nước và xử lý nước thải đô thị, hình thành nên ba loại bùn thải, phụ thuộc vào hình thức thoát nước thải và đặc điểm hệ thống thoát nước, bao gồm: bùn thải bể tự hoại; bùn thải mạng lưới thoát nước (bùn thải cống thoát nước và kênh hồ thoát nước); và bùn thải các nhà máy xử lý nước thải.

Theo TCVN 13958:2024, bùn thải phải được phân loại để quản lý và lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp, góp phần giảm chi phí vận chuyển, chi phí xử lý. Việc xử lý và tái sử dụng bùn thải phải tuân thủ các quy định về quản lý và sử dụng bùn thải và các quy định về bảo vệ môi trường. Địa điểm xử lý tập trung các loại bùn thải phải tuân thủ theo quy hoạch xây dựng, có thể bố trí riêng rẽ hoặc kết hợp tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn đô thị. Các yêu cầu khu đất xây dựng, tổng mặt bằng và điều kiện vệ sinh môi trường của khu xử lý tập trung bùn thải tuân thủ theo các quy định về môi trường, về quy hoạch xây dựng.

Wetland xử lý nước ở Koh Phi Phi – Thailand. Ảnh tư liệu

Wetland xử lý nước ở Koh Phi Phi – Thailand. Ảnh tư liệu

Bên cạnh bùn thải, trong quá trình đô thị hóa tăng nhanh, số lượng và quy mô đô thị liên tục phát triển. Hạ tầng đô thị không được quy hoạch và xây dựng đồng bộ, phù hợp với sự phát triển đô thị, trong đó đặc biệt phải kể đến hạ tầng xử lý rác thải, nước thải, còn thiếu và yếu, là nguyên nhân của các vấn đề liên quan tới môi trường.

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường đô thị, cần thiết phải có các giải pháp quản lý rác thải và nước thải một cách đồng bộ, bài bản. Tất cả nước thải, rác thải đô thị cần được thu gom và xử lý một cách triệt để, không phát sinh ô nhiễm ra môi trường. Tuy nhiên, để thực hiện được cần có thời gian, nguồn lực lớn về cả vốn đầu tư, giải pháp kỹ thuật công nghệ, đặc biệt là đội ngũ nhân lực thực hiện đáp ứng yêu cầu.

Đề xuất giải pháp áp dụng công nghệ wetland - đất ngập nước, nhằm cải thiện vệ sinh môi trường đô thị, kết hợp tạo cảnh quan, PGS-TS. Đoàn Thu Hà, Hội Cấp thoát nước Việt Nam, cho biết công nghệ này được đề xuất để xử lý nước thải chảy tràn, nước thải từ cống rãnh chảy trực tiếp vào sông hồ không qua xử lý.

Công nghệ wetland xử lý nước thải góp phần cải thiện vệ sinh môi trường chung, bảo vệ môi trường nước, đồng thời kiến tạo các khu cảnh quan sinh thái, được đề xuất áp dụng ở những nơi có đất trống, đất bỏ hoang gần khu vực ven sông. Nước thải được xử lý, các chất ô nhiễm hữu cơ, dinh dưỡng được loại bỏ nhờ hệ vi sinh vật, cây trồng, đất trong các quá trình sinh học. Các cây trồng tạo cảnh quan được tưới, bón nhờ nước thải có chứa chất hữu cơ, dinh dưỡng. Nước ra khỏi wetland có chất lượng được cải thiện đáng kể. Công nghệ wetland đảm bảo tiêu chí là công nghệ xanh, chi phí thấp, bền vững, tuần hoàn.

Qua các ý kiến được đưa ra trao đổi tại tọa đàm có thể thấy, để quản lý chất thải rắn và duy trì vệ sinh môi trường theo hướng hạ tầng xanh cần có một chiến lược và kế hoạch toàn diện từ thể chế chính sách, sự đồng bộ giữa các lĩnh vực, các giải pháp kỹ thuật phù hợp với từng đặc thù.

PGS-TS. Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng phát biểu.

PGS-TS. Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng phát biểu.

Để hướng tới mục tiêu xây dựng một đô thị xanh, bền vững cho tương lai, PGS-TS. Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, cho rằng phát triển đô thị bền vững trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng là nhu cầu cấp bách hiện nay, cần có sự chung tay của các cấp chính quyền và toàn xã hội. Sự quá tải và ô nhiễm ở các đô thị lớn của Việt Nam hiện nay đặt ra nhu cầu tất yếu của việc hình thành và phát triển đô thị xanh, bền vững.

“Trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị theo hướng bền vững, việc tìm hiểu và ứng dụng các nghiên cứu về hệ thống hạ tầng xanh cần được quan tâm một cách đúng mức. Trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị theo hướng bền vững, việc tìm hiểu và ứng dụng các nghiên cứu về hệ thống hạ tầng xanh cần được quan tâm một cách đúng mức, cần có sự chung tay của các cấp chính quyền và toàn xã hội”, PGS-TS. Lưu Đức Hải nhấn mạnh.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Từ kết quả của các tọa đàm, hội thảo được Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng tổ chức trong thời gian qua đã từng bước hệ thống hóa cơ sở lý luận về hạ tầng xanh và các thành phần xanh của hạ tầng xanh một cách toàn diện, từ đó kiến tạo đô thị xanh qua nhiều giải pháp. Đồng thời, cho thấy rằng cần đồng bộ hóa các khái niệm “xanh” trong đô thị.

PGS-TS. Lưu Đức Hải đã đề xuất 9 khái niệm xanh, đó là: Đô thị xanh, hạ tầng xanh, giao thông xanh, thoát nước xanh, cấp nước xanh, công viên xanh, chiếu sáng xanh, quản lý chất thải rắn xanh và vệ sinh môi trường xanh. Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, các nhà khoa học, nhà quản lý đô thị cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn, tiêu chí của mỗi thành tố “xanh” trong đô thị.

Tùng Lâm

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/quan-ly-chat-thai-ran-ve-sinh-moi-truong-xanh-va-trien-vong-xay-dung-do-thi-ben-vung-44818.html