Quản lý chặt việc lập hóa đơn điện tử đối với kinh doanh, bán lẻ xăng, dầu
Hiện nay, các cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra, đôn đốc doanh nghiệp (DN) thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng, dầu.
Triển khai, đôn đốc thực hiện
Thời gian qua, Bộ Công Thương ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc cơ quan, đơn vị và DN triển khai, thực hiện các công điện, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về quản lý, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng, dầu. Thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành, các đơn vị chức năng của tỉnh phối hợp DN kinh doanh xăng, dầu thực hiện nhiều giải pháp, triển khai nghiêm túc quy định về việc xuất HĐĐT xăng, dầu theo từng lần bán hàng nhằm chống thất thu thuế và bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.
Theo đó, căn cứ khoản 1, Điều 90 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng HĐĐT. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập HĐĐT để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, điểm i, khoản 4, Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, ngày 19/10/2020 của Chính phủ về hóa đơn, chứng từ quy định, thời điểm lập HĐĐT đối với trường hợp bán xăng, dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng, dầu theo từng lần bán; người bán phải bảo đảm lưu trữ đầy đủ HĐĐT đối với trường hợp bán xăng, dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, cá nhân kinh doanh và bảo đảm có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Điểm a, khoản 3, Điều 22 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về phương thức và thời điểm chuyển dữ liệu HĐĐT quy định, đối với trường hợp bán xăng, dầu cho khách hàng, người bán tổng hợp dữ liệu tất cả hóa đơn bán xăng, dầu trong ngày theo từng mặt hàng để thể hiện trên bảng tổng hợp dữ liệu HĐĐT và chuyển bảng tổng hợp dữ liệu HĐĐT này ngay trong ngày.
Thông tin từ Cục Thuế tỉnh Long An, với các căn cứ nêu trên, thời gian qua, cơ quan thuế tích cực tuyên truyền và triển khai đồng bộ hệ thống HĐĐT để phục vụ ngày càng tốt hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và người dân. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế và thực hiện thành công Chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
Tuy nhiên, thực tế vẫn có tình trạng quản lý, phát hành, sử dụng hóa đơn không đúng quy định tại các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu như cuối ngày mới lập hóa đơn tổng đối với các trường hợp bán lẻ trong ngày; định kỳ hàng tuần, hàng tháng xuất 1 hóa đơn cho khách hàng với số lượng lớn. Thậm chí, có trường hợp bán hàng hóa nhưng không xuất hóa đơn, không kê khai nộp thuế, trốn thuế, gian lận thuế, mua bán hóa đơn để thu lợi bất chính, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Quản lý chặt, xử lý nghiêm
Thông tin từ Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh có hơn 470 cửa hàng xăng, dầu, bảo đảm phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân. Cục Thuế tỉnh thống kê số cửa hàng đăng ký thực hiện HĐĐT theo từng lần bán hàng. Theo đó, Cục Thuế tỉnh yêu cầu các DN kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn chủ động liên hệ với các đơn vị cung cấp giải pháp triển khai ngay việc phát hành HĐĐT sau từng lần bán hàng theo quy định. Bên cạnh đó, khi bán xăng, dầu cho khách hàng, DN phải lập hóa đơn theo từng lần bán, phải lưu trữ đầy đủ HĐĐT đối với trường hợp bán xăng, dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, cá nhân kinh doanh và bảo đảm có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Cục Thuế tỉnh cam kết và đồng hành hỗ trợ người nộp thuế trong việc tổ chức triển khai, thực hiện đúng theo quy định của pháp luật; đồng thời, Cục Thuế tỉnh tổ chức trao đổi, làm việc với các đơn vị cung cấp giải pháp HĐĐT nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, đáp ứng yêu cầu quản lý của cơ quan nhà nước về kinh doanh xăng, dầu.
Công ty Xăng dầu Long An hiện có 67 cửa hàng xăng, dầu trên địa bàn tỉnh. Theo đại diện Công ty, từ ngày 01/7/2023, 100% cửa hàng xăng, dầu trực thuộc đã triển khai phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng có kết nối dữ liệu với trụ bơm xăng, dầu, bảo đảm 100% hóa đơn khi phát hành gắn với thông tin giao dịch tại trụ bơm và lưu trữ dữ liệu chứng minh khi cơ quan chức năng kiểm tra theo đúng quy định Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Từ ngày 01/9/2023, công ty triển khai ghi “số biển số xe” của phương tiện mua hàng, việc lập hóa đơn theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng của công ty diễn ra nhanh chóng, an toàn, minh bạch, góp phần chống thất thu thuế và ngăn chặn tình trạng gian lận, buôn lậu xăng, dầu.
Hiện nay, Công ty Xăng dầu Long An phát hành hóa đơn cho khách hàng DN, tổ chức hành chính sự nghiệp, cá nhân theo hình thức sau: Sau khi hoàn thành quy trình bán hàng tại cột bơm, nhân viên xuất HĐĐT cho khách hàng thông qua chọn log bơm cần xuất hóa đơn, nhập thông tin khách hàng, nhập biển số xe và kiểm tra lại thông tin trước khi phát hành HĐĐT. Đối với người mua không lấy hóa đơn, hệ thống tự động phát hành HĐĐT dưới dạng không đầy đủ như không có tên khách hàng, không số hóa đơn,... và được lưu trữ trên hệ thống phần mềm, được gửi lên Tổng cục Thuế theo đúng quy định.
Để quản lý và thực hiện nghiêm quy định về HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng, dầu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh - Cao Văn Hồng vừa có văn bản gửi các đội QLTT trực thuộc thực hiện Công điện số 2036/CĐ-BCT, ngày 28/3/2024 Bộ Công Thương về việc thực hiện nghiêm quy định về HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng, dầu.
Theo đó, Cục QLTT tỉnh yêu cầu các Đội QLTT triển khai, thực hiện nghiêm các công văn, chỉ đạo liên quan đến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng, dầu. Các Đội QLTT phải chủ động phối hợp cơ quan thuế và lực lượng chức năng đôn đốc các DN kinh doanh, bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn quản lý chấp hành đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng, dầu.
Các Đội QLTT phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh xăng, dầu không thực hiện đúng quy định về HĐĐT, kể cả việc yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 28/NQ-CP, ngày 05/3/2024 và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Công văn số 1656/BCT-TTTN, ngày 18/3/2024.
Cục QLTT tỉnh cũng tích cực phối hợp các cơ quan tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kinh doanh xăng, dầu đối với các DN kinh doanh, người tiêu dùng về việc nâng cao ý thức trách nhiệm, yêu cầu xuất hóa đơn bán lẻ khi mua xăng, dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu, tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh.
Theo Cục Thuế tỉnh, thời gian tới, cơ quan thuế sẽ phối hợp chặt chẽ các sở, ngành đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện việc phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng đối với hoạt động bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn.
Trường hợp người bán lập hóa đơn không đúng thời điểm hoặc không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua theo quy định thì sẽ bị xử phạt với mức phạt tiền lên tới 20 triệu đồng theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP. Trường hợp không chuyển dữ liệu HĐĐT hoặc chuyển dữ liệu HĐĐT cho cơ quan thuế quá thời hạn quy định, chuyển bảng tổng hợp dữ liệu HĐĐT không đầy đủ số lượng hóa đơn đã lập trong kỳ sẽ bị xử phạt với mức phạt tiền lên tới 20 triệu đồng theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP./.
Khi bán xăng, dầu cho khách hàng, DN phải lập hóa đơn theo từng lần bán, phải lưu trữ đầy đủ HĐĐT đối với trường hợp bán xăng, dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, cá nhân kinh doanh và bảo đảm có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu".