Quản lý công trình quốc phòng, khu quân sự phù hợp tình hình mới

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, sáng 23-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Các đại biểu tham dự phiên họp sáng 23-6.

Đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

Dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự gồm 6 chương, 34 điều.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Hà Thọ Bình (Đoàn Hà Tĩnh) nhấn mạnh, việc ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự trên cơ sở nâng cấp Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 1994 và Luật hóa các quy định, Nghị định, Thông tư đã được kiểm nghiệm trên thực tế về việc quản lý, bảo vệ công trình có hiệu quả sẽ góp phần xây dựng tiềm lực quốc phòng cùng thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại biểu nhấn mạnh, việc xây dựng Luật đã có cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn vững chắc.

Dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự quy định tiêu chí về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự; phân loại cụ thể thành 4 loại (A, B, C, D) theo chức năng, nhiệm vụ, mục đích sử dụng; phân nhóm thành 4 nhóm (Nhóm đặc biệt, I, II, III) theo tính chất quan trọng, yêu cầu quản lý, bảo vệ; từng loại được phân thành các nhóm cụ thể.

Đại biểu Hà Thọ Bình (Đoàn Hà Tĩnh) phát biểu.

Đại biểu Hà Thọ Bình bày tỏ đồng tình với sự cần thiết của việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự của dự thảo Luật để làm cơ sở xác định phạm vi bảo vệ, yêu cầu nội dung quản lý, biện pháp tổ chức quản lý phù hợp.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Đoàn Thanh Hóa) phát biểu.

Góp ý về nội dung này, đại biểu Cầm Thị Mẫn (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng, việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự thành nhiều nhóm, vừa phân loại theo chiều dọc, vừa phân loại theo chiều ngang có thể sẽ gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật. Do vậy, đại biểu đề xuất dự thảo Luật nghiên cứu quy định phân loại công trình quốc phòng và khu quân sự theo căn cứ yêu cầu quản lý, bảo vệ để quy định các biện pháp quản lý, bảo vệ phù hợp.

Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn Hà Nội) phát biểu.

Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn Hà Nội) cho biết, không gian biển quy hoạch cho mục đích quốc phòng khá lớn và thuộc phạm vi có nhiều hoạt động kinh tế khác, đặc biệt là các hoạt động kinh tế có yếu tố nước ngoài. Do đó, dự thảo luật cần có quy định chi tiết hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết các hoạt động kinh tế được phép trong phạm vi vành đai an toàn công trình quốc phòng và khu quân sự. Đồng thời, bổ sung các trường hợp về chế độ bảo vệ tạm thời đối với các khu vực cấm, khu vực bảo vệ vành đai an toàn, công trình quốc phòng và khu quân sự, đặc biệt là đối với các khu vực biển không chiếm dụng không gian biển thường xuyên và liên tục.

Các đại biểu tham dự phiên họp sáng 23-6.

Đảm bảo thống nhất với các luật liên quan

Để hoàn thiện các nội dung của dự thảo Luật, đại biểu Phạm Đình Thanh (Đoàn Kon Tum) đề xuất, việc phân loại, phân nhóm ngoài mục đích quản lý đối với từng loại, từng nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự, dự thảo Luật nên hướng đến việc phân loại nhằm phục vụ tốt cho công tác thu hồi đất.

Đại biểu Phạm Đình Thanh (Đoàn Kon Tum) phát biểu.

Đại biểu Phạm Đình Thanh cho rằng, việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự như dự thảo Luật chưa tương thích với Luật Đất đai 2013 và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, xem xét, chỉnh lý việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự theo hướng tương thích cao với các trường hợp thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng được quy định tại Luật Đất đai 2013 và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Đoàn Lai Châu) phát biểu.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Đoàn Lai Châu) cho rằng, dự thảo Luật có nhiều nội dung quy định liên quan đến quản lý bồi thường, hỗ trợ di dời các công trình quân sự, chuyển đổi mục đích sử dụng công trình, việc tạm giữ người, đồ vật, sử dụng vũ khí hỗ trợ… Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ lưỡng các quy định để tránh xung đột với các Luật khác có liên quan. Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Quốc Khánh cho rằng, dự thảo Luật cũng cần rà soát các quy định để đảm bảo phù hợp với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu giải trình.

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cảm ơn những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng khẳng định, Bộ sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp, trên cơ sở đó, tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh dự thảo Luật để đảm bảo thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh.

Đối với các vấn đề cụ thể, Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết, Bộ Quốc phòng có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội để làm rõ.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự đã diễn ra sôi nổi, dân chủ và trí tuệ. Các ý kiến thảo luận đã thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/quan-ly-cong-trinh-quoc-phong-khu-quan-su-phu-hop-tinh-hinh-moi-623531.html