Quản lý dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn

Đâu đó vẫn còn tình trạng một bộ phận học sinh, phụ huynh thỏa thuận ngầm với giáo viên trong việc chi trả tiền học thêm để đối với với cơ quan chức năng.

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, có hiệu lực từ ngày 14/2/2025 đã giúp cho các cơ quan chức năng quản lý được các cơ sở tổ chức dạy thêm trên địa bàn. Các hiệu trưởng nhà trường cũng nắm được đơn vị mình có những giáo viên nào đang dạy thêm.

Tuy nhiên, thực tế vẫn đang tồn tại những vấn đề khá băn khoăn, đó là phần nhiều cơ sở đang dạy thêm vẫn đang dạy trước chương trình chính khóa và giáo viên vẫn đang dạy thêm cho học sinh chính khóa của mình với những hình thức…không thu tiền học thêm nhưng thực tế không phải vậy.

Trong khi đó, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT chỉ cấm dạy thêm trong nhà trường là không được “dạy thêm trước các nội dung so với việc dạy học theo phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường”, còn dạy thêm ngoài nhà trường thì để ngỏ vấn đề này.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Dạy thêm trong nhà trường đã được siết chặt, dạy thêm ngoài nhà trường vẫn còn băn khoăn

Ngay sau khi Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực, đa phần các trường học đã thực hiện đúng theo hướng dẫn. Việc quản lý dạy thêm trong nhà trường theo quy định của Thông tư 29 khiến nhiều giáo viên không còn thiết tha dạy thêm trong nhà trường. Tuy nhiên, việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường vẫn là một vấn đề quản lý không đơn giản. Học sinh vẫn đi học thêm với thầy cô giáo của mình như trước đây.

Mặc dù, trên danh nghĩa, các thầy cô dạy thêm có thể không phải là người chủ cơ sở dạy thêm nhưng về cơ bản, nhiều thầy cô vẫn đang dạy như trước đây. Họ vẫn đang dạy cho học trò chính khóa…tại trung tâm; hoặc dạy thêm tại nhà.

Tất nhiên, trên danh nghĩa là “không thu tiền” của học trò nhưng phụ huynh vẫn đang đóng tiền học phí như trước đây, chỉ là có một chút thay đổi về hình thức.

Giáo viên dạy thêm sẽ lên tiếng với học sinh chính khóa của mình ở trường là thầy (cô) không dạy thêm cho các em như trước đây theo hướng dẫn của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT nhưng tâm lí chung của học sinh và phụ huynh vẫn muốn học thêm với thầy cô đang dạy chính khóa.

Vì thế, họ có sự thỏa thuận ngầm với nhau, học sinh chính khóa vẫn đang học thêm với thầy cô của mình nhưng nếu có thanh kiểm tra sẽ nói học thêm miễn phí. Tuy nhiên, hàng tháng phụ huynh vẫn chuyển khoản cho thầy cô dạy thêm thay vì học sinh đóng trực tiếp như trước đây. Thậm chí có nơi, không chuyển khoản mà tiền được giáo viên yêu cầu cho vào phong bì. Nếu thanh kiểm tra hoặc phụ huynh có ý kiến cũng rất khó có căn cứ để chỉ ra giáo viên làm sai quy định.

Một số giáo viên thì né dạy thêm tại nhà mà kéo học sinh chính khóa ra trung tâm để hợp thức hóa quy định.

Trên danh nghĩa, giáo viên đang làm thêm cho trung tâm nhưng thực chất, họ chỉ thuê phòng theo ca, theo tháng. Còn mọi thứ vẫn không có gì thay đổi so với trước đây. Vẫn là tình trạng giáo viên dạy thêm cho học sinh chính khóa nhưng được ngụy trang kín đáo hơn.

Vẫn còn nhiều thách thức quản lý dạy thêm ngoài nhà trường

Tìm hiểu Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, người viết bài nhận thấy văn bản chỉ cấm dạy thêm trước chương trình đối với việc dạy thêm trong nhà trường, còn dạy thêm ngoài nhà trường thì văn bản không đề cập tới.

Cụ thể, tại Điều 5, Điều 6, Chương II của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT hướng dẫn như sau:

“Điều 5. Dạy thêm, học thêm trong nhà trường

1. Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng kí học thêm theo từng môn học như sau:

a) Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt;

b) Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi;

c) Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

2. Nhà trường tổ chức cho học sinh thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này viết đơn đăng kí học thêm theo từng môn học ở từng khối lớp (theo Mẫu số 01 tại Phụ lục kèm theo Thông tư này).

3. Căn cứ vào số học sinh đăng kí, nhà trường xây dựng kế hoạch tổ chức dạy thêm đối với từng môn học ở từng khối lớp.

4. Việc xếp lớp, xếp thời khóa biểu và tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm yêu cầu sau:

a) Lớp dạy thêm được xếp theo môn học đối với từng khối lớp; mỗi lớp có không quá 45 (bốn mươi lăm) học sinh;

b) Không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu và không dạy thêm trước các nội dung so với việc dạy học theo phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường;

c) Mỗi môn học được tổ chức dạy thêm không quá 02 (hai) tiết/tuần.

5. Kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm được công khai trên trang thông tin điện tử của nhà trường hoặc niêm yết tại nhà trường.

Điều 6. Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường

1. Tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh (sau đây gọi chung là cơ sở dạy thêm) phải thực hiện các yêu cầu sau:

a) Đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật;

b) Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm (theo Mẫu số 02 tại Phụ lục kèm theo Thông tư này).

2. Người dạy thêm ngoài nhà trường phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm.

3. Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường (sau đây gọi chung là Hiệu trưởng) về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm (theo Mẫu số 03 tại Phụ lục kèm theo Thông tư này)”.

Như vậy, dạy thêm trong nhà trường thì “không dạy thêm trước các nội dung so với việc dạy học theo phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường” nhưng dạy thêm ngoài nhà trường thì không cấm điều này.

Vì thế, những giáo viên công lập đang dạy thêm ở nhà hoặc ở trung tâm thì có lẽ không lấy làm khó chịu khi gặp việc học sinh thờ ơ khi học chính khóa ở trường vì kiến thức đó các em đã học thêm trước ở cơ sở dạy thêm.

Nhưng, những thầy cô không dạy thêm sẽ cảm thấy băn khoăn, thậm chí khó chịu khi vào lớp dạy mà học sinh không tập trung với bài học. Trên bàn, luôn hiện hữu cuốn vở học thêm. Nếu giáo viên hỏi thì học sinh lật vở học thêm ra trả lời.

Tuy nhiên, cũng nội dung đó, nhưng thay đổi bằng một đơn vị kiến thức khác thì học sinh không trả lời được. Hoặc, khi gọi học sinh lên làm bài tập, giáo viên đổi sách, vở đã có lời giải sẵn mà đưa cho cuốn sách giáo khoa của giáo viên thì nhiều học sinh không làm được bài.

Việc học thêm trước chương trình tạo nên một sức ì lớn cho học trò, nhiều em quá lệ thuộc vào kiến thức đã học thêm trước mà thiếu đi động lực học tập trên lớp.

Dạy thêm ngoài nhà trường ở một số nơi mới quản lý được số lượng giáo viên đăng ký dạy thêm với địa phương, với nhà trường, còn họ dạy gì, dạy có đối tượng học sinh nào vẫn là vấn đề đang để ngỏ, chưa được giám sát, quản lý chặt chẽ. Bởi lẽ, phần nhiều lớp dạy thêm, học thêm diễn ra vào buổi tối hoặc những ngày cuối tuần.

Trong khi đó, một bộ phận học sinh, phụ huynh đang có những thỏa thuận ngầm với giáo viên trong việc chi trả tiền học thêm để đối với với cơ quan chức năng.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN ĐĂNG

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/quan-ly-day-them-hoc-them-ngoai-nha-truong-van-con-nhieu-thach-thuc-kho-khan-post250381.gd