Quản lý dược liệu, thuốc cổ truyền ở TP.HCM còn bất cập

HĐND TP.HCM vừa tổ chức phiên giải trình 'Công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn Thành phố'. Tại phiên giải trình, nhiều kiến nghị về công tác quản lý, kiểm soát chất lượng dược phẩm đã nhiều đại được đề xuất.

Còn nhiều bất cập

Theo đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết – Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, qua khảo sát cho thấy, việc kiểm soát các dược liệu, những vị thuốc cổ truyền đang lưu hành còn một số bất cập, chất lượng chưa được kiểm soát một cách đồng bộ.

Do vậy, ngành y tế TP.HCM cần có các biện pháp thực hiện nhằm kiểm soát chất lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền trên địa bàn.

TP.HCM cần định hướng phát triển khu phố đông y để vừa đảm bảo phát triển ngành đông y, quản lý tốt chất lượng dược liệu, vừa tạo sức thu hút trong chiến lược du lịch y tế.

Đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết băn khoăn về việc kiểm soát, quản lý chất lượng sản phẩm dược liệu đông y

Đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết băn khoăn về việc kiểm soát, quản lý chất lượng sản phẩm dược liệu đông y

Ngoài ra, bà Hoàng Thị Diễm Tuyết cũng kiến nghị, hiện nay, ngoài thuốc hiếm, còn có một số thuốc có giá trị không lớn, giá rẻ nên các công ty không nhập về, vì không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận thấp. Tuy nhiên, đối với chuyên môn thì các loại thuốc rẻ đó lại rất có giá trị về mặt điều trị, cần phải được ưu tiên phục vụ khám chữa bệnh.

“Các bệnh viện phải sử dụng thuốc hàng thứ 2, mắc tiền hơn. Chúng ta chưa có một cơ chế nào để động viên các công ty để nhập những loại thuốc cần thiết như vậy, để bù đắp lại lợi huận cho các công ty. Tôi xin kiến nghị với Bộ Y tế và thành phố, chúng ta nên có những chính sách khuyến khích” - bà Hoàng Thị Diễm Tuyết nói.

Về quản lý chất lượng sản phẩm dược liệu ở “phố đông y”, ông Nguyễn Xuân Kỳ - Phó Chủ tịch UBND Quận 5 cho biết, trên địa bàn có 121 cơ sở hành nghề y dược học cổ truyển. Số lượng tập trung nhiều nhất trên 3 tuyến đường của phường 10 gọi là "phố đông y". Trong đó 2 loại hình kinh doanh chính là phòng chuẩn trị y học cổ truyền và bán buôn bán lẻ dược liệu thuốc đông y.

Thời gian qua, Quận đã tập trung phát triển rồi quy hoạch phố đông y, tăng cường quản lý, tập huấn để đảm bảo chất lượng hàng hóa đông y.

Địa phương cũng đã triển khai nhiều biện pháp để nhận diện thương hiệu, ràng buộc các cửa hàng kinh doanh sản phẩm dược liệu đông y tuân thủ các tiêu chuẩn, cấp phép cho các sản phẩm đạt chuẩn. Hàng năm hội đông y tổ chức tập huấn các quy định của pháp luật cho hội viên, tổ chức đào tạo liên tục y học cổ truyền kết hợp hiện đại.

Năm 2022, Quận đã kiểm tra 62 cơ sở và xử phạt 5 cơ sở; năm 2023 kiểm tra 64 cơ sở, xử phạt 8 cơ sở vi phạm dược liệu không rõ nguồn gốc.

“Chúng tôi đặc biệt chú ý phối hợp các đơn vị về vận động giám sát các cơ sở kinh doanh dược liệu, quy trình kiểu mẫu, đảm bảo chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, niêm yết giá, trình bày đẹp tạo mỹ quan cho phố đông y. Đồng thời phối hợp với trung tâm xuất tiến trụ sở du lịch thành phố sẽ tổ chức tour du lịch trong ngày đến với phố đông y để phát triển du lịch trên địa bàn” - ông Nguyễn Xuân Kỳ nói.

Đề án khu công nghiệp y - dược tập trung đầu tiên cả nước

Phó Giám đốc Sở y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết, trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Chiến lược nêu rõ ưu tiên phát triển công nghiệp dược, sản xuất nguyên liệu làm thuốc trong nước và thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp dược, chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài trong sản xuất thuốc phát minh còn bản quyền, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vắc xin, sinh phẩm tham chiếu, sinh phẩm tương tự.

Tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm đông dược ở Quận 5. (Ảnh: Cổng TTĐT Quận 5)

Tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm đông dược ở Quận 5. (Ảnh: Cổng TTĐT Quận 5)

Theo đề án “Phát triển công nghiệp dược TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của UBND TP.HCM, khu công nghiệp y-dược được quy hoạch tại khu công nghiệp Lê Minh Xuân 2 (huyện Bình Chánh).

Sở Y tế kiến nghị có chính sách ưu tiên cơ chế mua sắm đối với các thuốc phát minh trong nước, được ưu đãi về thuế, tín dụng, chính sách sử dụng đất, hoạt động đầu tư nghiên cứu, chuyển giao…. Hiện TP.HCM cũng có đủ nguồn nhân lực đảm bảo cho phát triển khu công nghiệp dược nói trên.

“Về phát triển sản xuất thuốc và các sản phẩm phụ trợ, chúng tôi đang đề nghị đẩy nhanh tốc độ đề án công nghiệp dược, để làm sao các doanh nghiệp chúng ta lấp đầy được 60% một cách nhanh nhất. Phấn đấu đến năm 2030 chúng ta có các địa điểm sản xuất thuốc tốt, đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân” - ông Nguyễn Hoài Nam nói.

Kim Dung/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/quan-ly-duoc-lieu-thuoc-co-truyen-o-tphcm-con-bat-cap-post1101637.vov