Hải Phòng vươn lên tầm cao mới

Hải Phòng có đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa, với những điểm khác biệt nổi bật về vị trí địa lý, vị thế địa - chiến lược và chức năng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng Bắc Bộ trong thời đại hội nhập, mở cửa và trong kỷ nguyên của biển và đại dương.

Cảng biển Hải Phòng tiếp tục có những bước tiến vững chắc, xác định rõ vai trò, vị thế trong phát triển kinh tế của Hải Phòng. Ảnh tư liệu.

Cảng biển Hải Phòng tiếp tục có những bước tiến vững chắc, xác định rõ vai trò, vị thế trong phát triển kinh tế của Hải Phòng. Ảnh tư liệu.

Phát huy lợi thế chiến lược

Từ lâu Hải Phòng được chọn làm nơi xây dựng cảng biển và thực tế đã thành một thành phố cảng đắc địa, lớn nhất miền Bắc. Sự thành công của Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải là minh chứng cụ thể khi trở thành cứ điểm của nhiều nhà đầu tư lớn, tham gia sâu chuỗi giá trị toàn cầu, trở thành một điểm sáng quan trọng trong thu hút đầu tư của thành phố Hải Phòng.

Tài nguyên địa lý sẵn có là tiền đề để Hải Phòng mở rộng không gian phát triển khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng, cùng với định hướng xây dựng cảng Nam Đồ Sơn trở thành cảng trung chuyển quốc tế. Mục tiêu quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng trở thành thành phố cảng lớn trong khu vực và thế giới.

Công tác phát triển kết nối hạ tầng được chú trọng triển khai. Thành phố đã mở rộng khai thác các cảng nước sâu, quy hoạch sân bay quốc tế Tiên Lãng, kết hợp với các tỉnh lân cận triển khai tuyến cao tốc ven biển kết nối 6 tỉnh, thành phố thúc đẩy phát triển kinh tế - du lịch, tạo thành chuỗi khu kinh tế ven biển, trở thành động lực kinh tế - xã hội quan trọng của cả vùng Đồng bằng sông Hồng.

Ngoài ra, từ những tiềm năng sẵn có về thiên nhiên sinh thái cùng các giá trị văn hóa lịch sử, Hải Phòng xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mạnh. Tầm nhìn 2030 xây dựng quần thể du lịch biển Hải Phòng (Cát Bà - Đồ Sơn) trở thành trung tâm du lịch quốc tế của thành phố cũng từng bước khả thi khi ngày 16/9 vừa qua, vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) - quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) chính thức được UNESCO công nhận di sản thiên nhiên thế giới, là tiền đề để thành phố mở rộng quy mô quần thể du lịch biển liên tỉnh.

Thành phố hàng hải quốc tế

Theo quy hoạch thành phố Hải Phòng tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng sẽ trở thành thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới với 3 trụ cột phát triển là dịch vụ cảng biển - logistics, công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế, quy mô dân số khoảng 4,5 triệu người. Hải Phòng cũng sẽ chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững.

Nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm kết nối quốc tế, có dịch vụ logistics hiện đại, cảng Lạch Huyện và cảng Nam Đồ Sơn trở thành cụm cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực dịch vụ cảng biển và logistics. Hải Phòng sẽ là địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Đồng thời, xây dựng quần thể du lịch biển Cát Bà – Đồ Sơn có sức hấp dẫn cao, kết hợp với vịnh Hạ Long trở thành trung tâm du lịch biển tầm cỡ quốc tế.

Tập trung nguồn lực phát triển khu kinh tế ven biển phía Nam

Việc thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng với những ưu đãi cao nhất để tạo sức cạnh tranh quốc tế, nhằm khai thác tiềm năng vượt trội để Hải Phòng là trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao. Trong đó, nghiên cứu khu thương mại tự do với cơ chế, chính sách đột phá, nổi trội đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới. Ông Lê Trung Kiên - Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng.

Một trong những định hướng mới, nổi bật của quy hoạch thành phố Hải Phòng vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là mở rộng, phân bố không gian phát triển hợp lý, định hướng thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng với diện tích khoảng 20.000 ha. Quy hoạch này nhằm tận dụng lợi thế của cảng Nam Đồ Sơn, sân bay quốc tế Hải Phòng tại huyện Tiên Lãng. Hải Phòng thành lập Khu thương mại tự do trong khu kinh tế mới để vận dụng những cơ chế, chính sách, kinh nghiệm, cách làm hay ở trong nước và quốc tế. Ngoài ra, định hướng của quy hoạch là đầu tư xây dựng phát triển cảng biển Hải Phòng xứng tầm với vai trò là 1 trong 2 cảng biển đặc biệt của cả nước. Hải Phòng tập trung hoàn thành đầu tư khu bến cảng Lạch Huyện và di dời các bến cảng trên sông Cấm; đầu tư phát triển các bến cảng tại khu bến Nam Đồ Sơn - Văn Úc. Đồng thời, thành phố xây dựng mới các tuyến đường sắt: Tuyến Hà Nội - Hải Phòng song song với tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng kết nối Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện; tuyến đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh; nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; nghiên cứu xây dựng Cảng Hàng không quốc tế tại huyện Tiên Lãng…

Quy hoạch, mục tiêu, định hướng đều đã có. Vấn đề còn lại là sự quyết tâm, quyết liệt, sự năng động, sáng tạo, hơn tất cả là tâm huyết, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của mỗi người dân thành phố để Hải Phòng phát triển vươn tới tầm cao mới, đưa vùng đất này trở thành điểm đến của những công dân toàn cầu.

Điều chỉnh quy hoạch với tư duy đột phá và tầm nhìn dài hạn

Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh, đặt trong mối tương quan, liên kết với các tỉnh ven biển Bắc Bộ, khu vực đồng bằng sông Hồng, các tỉnh phía Bắc và kết nối quốc tế.

Thế An

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hai-phong-vuon-len-tam-cao-moi-153298.html