Quản lý Fintech theo cách 'chờ đợi và quan sát' cần được chuyển sang cách tiếp cận 'thử nghiệm và học hỏi'
Sáng ngày 16/4/2024 tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) đồng tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo 'Thị trường tài chính Việt Nam 2023 và triển vọng 2024'.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc BIDV cho biết, trong hai năm 2022 và 2023, BIDV phối hợp với ADB tổ chức Hội thảo Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam và triển vọng” và đã thu hút sự quan tâm, nhận được sự đánh giá cao của các cơ quan quản lý, các chuyên gia, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, các Hiệp hội, Viện nghiên cứu, giới truyền thông...
Với sự tham vấn, đóng góp của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC), Báo cáo thực sự là một kênh cung cấp thông tin hữu ích, khách quan, độc lập, khoa học và toàn diện về thị trường tài chính Việt Nam. Đồng thời, giúp nhận diện được các cơ hội cũng như thách thức nhằm đưa ra các phương án, giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam một cách an toàn, lành mạnh, hiệu quả và bền vững.
Theo Báo cáo, kinh tế thế giới dự báo đi ngang hoặc tăng trưởng chậm lại trong năm 2024 (2,4% so với mức tăng 2,6% năm 2023) dù thương mại và đầu tư dần phục hồi, lạm phát toàn cầu tiếp tục giảm (3,5-4% từ mức 5,7% năm 2023).
Đối với Việt Nam, Nhóm nghiên cứu dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 có thể đạt 6-6,5% (kịch bản cơ sở) với các động lực tăng trưởng phục hồi tốt hơn năm 2023, lạm phát tăng khoảng 3,4-3,8%, trong mục tiêu là 4-4,5%.
Thị trường tài chính 2024 sẽ tích cực hơn
Chia sẻ về những nội dung chính của Báo cáo, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, thị trường tài chính Việt Nam năm 2023 phục hồi với các điểm sáng - tối đan xen nhưng điểm sáng chi phối. Năm 2024, khu vực tài chính của Việt Nam được dự báo sẽ tích cực hơn.
Chính sách tiền tệ được dự báo theo hướng chủ động, linh hoạt, lãi suất duy trì ở mức thấp nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Tỷ giá mặc dù còn chịu áp lực lớn trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giảm lãi suất, nhưng sẽ hạ nhiệt dần từ cuối quý II/2024, với mức tăng khoảng 2,5-3% trong năm 2024.
Cơ cấu cung ứng vốn của nền kinh tế trong năm 2024 và các năm tiếp theo được kỳ vọng chuyển dịch theo hướng tích cực hơn khi giảm dần tỷ trọng của kênh tín dụng, tăng tỷ trọng qua kênh thị trường vốn và đầu tư tư nhân. Thanh khoản thị trường được kỳ vọng có sự cải thiện tích cực.
“Tăng trưởng lợi nhuận của các định chế tài chính năm 2024 được dự báo sẽ ở mức cao hơn năm 2023. Khung pháp lý cho thị trường tài chính tiếp tục được hoàn thiện với thay đổi đáng quan tâm nhất là Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 và các luật quan trọng khác (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản,…) có hiệu lực từ đầu năm 2025, với nhiều điểm mới quan trọng. Bên cạnh đó, pháp lý cho thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm sẽ tiếp tục được hoàn thiện theo hướng thúc đẩy thị trường hoạt động an toàn, bền vững, hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025...”, ông Lực nhận định.
Mặc dù vậy, theo TS. Cấn Văn Lực, thị trường tài chính trong năm 2024 vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm. Đầu tiên là câu chuyện nợ xấu còn gia tăng trong nửa đầu năm, nhưng sẽ giảm dần cùng với đà phục hồi của nền kinh tế. Nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, nhưng tín dụng đang phục hồi và cả năm có thể tăng 14-15%. Tiếp đến, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản phục hồi chậm và cần thời gian để chuyển biến rõ nét hơn. Việc tăng vốn điều lệ của các định chế tài chính vẫn là thách thức khi chính sách quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa có đột phá.
“Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số và xu hướng tăng trưởng xanh, tài chính xanh đòi hỏi nguồn lực đầu tư, phát triển thể chế và nguồn nhân lực chất lượng cao. Rủi ro công nghệ thông tin, an ninh mạng, an toàn thông tin, dữ liệu có xu hướng gia tăng…, đặt ra yêu cầu mới cho cơ quan quản lý cũng như các bên tham gia thị trường”, TS. Lực nói.
Nêu giải pháp để phát triển thị trường tài chính, ông Lực cho rằng, cần đồng bộ phát triển thị trường tài chính cân bằng hơn, trong đó cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp để giảm bớt áp lực nguồn vốn trung - dài hạn cho hệ thống ngân hàng, hiện thực hóa việc nâng hạng TTCK (từ “cận biên” lên “mới nổi”) theo đúng kế hoạch đề ra.
Cùng với đó, đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế quản lý - giám sát thị trường tài chính để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện tại cũng như tận dụng xu hướng mới, cơ hội mới trong tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, tài chính xanh và chuyển đổi số, trong đó có Fintech.
“Đồng thời, gia tăng nguồn lực cho các tổ chức tín dụng thông qua cho phép các các tổ chức tín dụng có sở hữu Nhà nước được giữ lại cổ tức Nhà nước hàng năm để tăng vốn; đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại các các tổ chức tín dụng, nhất là các các tổ chức tín dụng yếu kém. Đồng thời, đẩy nhanh tháo gỡ pháp lý cho thị trường đất đai, bất động sản nhằm giải phóng nguồn lực, hỗ trợ xử lý nợ xấu nhằm lành mạnh hóa hệ thống. Sớm có hướng dẫn triển khai Luật Các các tổ chức tín dụng sửa đổi, phát triển tài chính xanh, cũng như các đạo luật quan trọng đã được ban hành; nâng cao nhận thức và năng lực quản lý rủi ro, trong đó có rủi ro công nghệ thông tin, an ninh mạng của các định chế tài chính; bình ổn thị trường vàng theo kế hoạch, giải pháp đã đề ra”, TS. Lực nói.
Cần thay đổi về cách tiếp cận Fintech
Theo TS. Cấn Văn Lực, công nghệ tài chính (Fintech) trên thế giới cũng như Việt Nam đã và đang phát triển tương đối mạnh mẽ, nhưng không đồng đều và có cách hiểu, cách tiếp cận, quản lý rất khác nhau. Đa số cách hiểu hiện nay về Fintech là theo nghĩa hẹp (các công ty Fintech), thay vì hiểu theo nghĩa rộng (Fintech là đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dịch vụ tài chính). Để quản lý Fintech, kinh nghiệm quốc tế cho thấy có 4 cách tiếp cận chính: Chờ đợi và quan sát; Thử nghiệm và học hỏi; Cơ chế thúc đẩy sáng tạo; Cải cách luật pháp.
“Các cách tiếp cận này đều có ưu và nhược điểm riêng và cần có sự nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng để có thể vận dụng phù hợp với mỗi quốc gia”, TS. Lực cho biết.
Tại Việt Nam, theo ông Lực, Fintech vẫn chủ yếu được hiểu theo nghĩa hẹp và với cách tiếp cận quản lý là “chờ đợi và quan sát”. Thời gian gần đây, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã dần chuyển sang cách tiếp cận chủ động hơn để hỗ trợ hoạt động Fintech và quá trình chuyển đổi số của thị trường tài chính.
Trong thời gian tới, theo Nhóm nghiên cứu, Việt Nam nên áp dụng dụng cách tiếp cận “thử nghiệm và học hỏi” một cách rộng rãi hơn, tổng thể hơn với Fintech trên toàn thị trường tài chính, chứ không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng. Bên cạnh đó, việc thành lập một cơ quan đầu mối quản lý (như một ủy ban quản lý - giám sát liên ngành) cũng nên được xem xét để có mô hình quản lý Fintech phù hợp hơn cùng với việc đẩy mạnh giáo dục tài chính và tăng cường quản lý rủi ro công nghệ thông tin và an ninh mạng.
Ngoài ra, cần sớm hoàn thiện Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng và tiến tới mở rộng sang các lĩnh vực tài chính khác như chứng khoán, bảo hiểm, quản lý quỹ. Cùng với đó, tập trung thúc đẩy hoạt động của các trung tâm đổi mới sáng tạo, cân nhắc thành lập Hiệp hội Fintech tại Việt Nam.
Đồng thời, cần tiếp tục nâng cấp hạ tầng số, hạ tầng tài chính, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia cùng với năng lực quản lý rủi ro công nghệ thông tin, an toàn thông tin, dữ liệu.
Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư cho giáo dục tài chính nhằm nâng cao hiểu biết tài chính cho người dân, nhà đầu tư; quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong cả mảng tài chính, công nghệ số và an ninh mạng…