Quản lý giá dịch vụ khám chữa bệnh công: Thay đổi phương thức thanh toán để gỡ vướng

Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đang trong quá trình trình các cơ quan của Quốc hội xem xét, trong đó nội dung về quản lý giá dịch vụ khám chữa bệnh, đặc biệt đối với cơ sở khám chữa bệnh tư nhân cũng nhận được nhiều sự quan tâm.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ mới đây, tờ trình của Chính phủ nêu rõ, giá dịch vụ khám chữa bệnh công có thay đổi từ cách tiếp cận theo các nhóm yếu tố chi phí trực tiếp, tiền lương, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định sang cách tiếp cận tính toán các yếu tố phát sinh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh. Quy định như trên nhằm khuyến khích, thúc đẩy các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đầu tư để nâng cao khả năng cung cấp cũng như chất lượng của dịch vụ khám, chữa bệnh. Riêng với các cơ sở khám chữa bệnh y tế tư nhân, hiện tại vẫn chưa kiểm soát khung giá dịch vụ cho loại hình này.

Ông NGUYỄN THANH LONG - Bộ trưởng Bộ Y tế: "Lâu nay chúng ta đã đưa ra giá (khám chữa bệnh ở bệnh viện công - PV) rồi, nhưng khi tiến hành thẩm định hoặc quyết toán thì lại dựa theo thực thanh, thực chi, khiến các cơ sở y tế gặp nhiều vướng mắc. Trong Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) tới đây, chúng tôi sẽ đề cập kỹ hơn về đổi mới phương thức tính giá, thanh toán giá bảo hiểm y tế. Về khung giá với cơ sở y tế tư nhân, hiện nay, mặc dù chúng ta không có kiểm soát về khung giá nhưng y tế tư nhân chưa phát triển”.

Về khung giá dịch vụ đối các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập, một số ý kiến cho rằng, không cần thiết khống chế bởi nếu đưa ra khung cứng thì không tạo ra cạnh tranh, không phát triển y tế tư nhân.

Bà VŨ THỊ MAI - Thứ trưởng Bộ Tài chính: “Ở đây cũng không nên có một cái khung giá để khống chế bệnh viện ngoài công lập. Bởi vì bệnh viện ngoài công lập có chất lượng khác nhau, với những loại hình dịch vụ ở mức khá, mức cao cấp, chúng ta không nên không chế mà chúng ta chỉ không chế khung giá dịch vụ khám chữa bệnh ở bệnh viện công lập thôi".

Ông PHẠM LƯƠNG SƠN - Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam: “Đúng là ở đây chúng ta đang vướng về giá dịch vụ theo quy định của giá thôi nhưng chúng tôi hướng tới xây dựng phương thức thanh toán mà phương thức cơ bản là thanh toán theo trường hợp bệnh hoặc theo nhóm chẩn đoán liên quan (DRG). Theo quy định tại dự thảo Luật này, chúng tôi nghĩ chưa chuẩn xác vì thực chất của thanh toán theo trường hợp bệnh là mức thanh toán cho gói, còn giá dịch vụ là theo từng dịch vụ cụ thể. Thiết nghĩ, Ban soạn thảo cần đưa ra một khái niệm về mức thanh toán cho các trường hợp bệnh để hướng tới thanh toán theo DRG”.

Nhiều quan điểm cho rằng, giá dịch vụ y tế trong khu vực công hiện nay đang được tính theo mức giá trung bình tiên tiến, nhưng khi thẩm định, quyết toán lại yêu cầu tính theo thực thu, thực chi, dẫn đến nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân lại chưa có quy định về khung giá dịch vụ, vì thế cần quy định khung giá dịch vụ cho cả 2 loại hình khám chữa bệnh công và tư nhân.

Thực hiện : Tiến Dũng Diệu Huyền Minh Công

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/quan-ly-gia-dich-vu-kham-chua-benh-cong-thay-doi-phuong-thuc-thanh-toan-de-go-vuong