Quản lý giống tốt là yếu tố chủ chốt trong tái canh
Trung tâm Khuyến nông quốc gia vừa tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề 'Tái canh và phát triển cà phê bền vững'. Nông dân, các nhà khoa học, nhà quản lý tới từ 5 tỉnh Tây Nguyên đã có mặt, trao đổi, chia sẻ những thông tin hướng tới việc phát triển bền vững vùng cà phê cao nguyên.
Theo số liệu của Cục Trồng trọt, đến năm 2018 diện tích cà phê cả nước là 687.245 ha, riêng các tỉnh Tây Nguyên là vùng trồng chủ lực cây cà phê vối, diện tích 622.286 ha, chiếm 90,4% của cả nước; năng suất bình quân cà phê nhân đạt 26,0 tạ/ha. Tuy nhiên, cà phê Tây Nguyên đang phải đối mặt với những khó khăn không nhỏ. Diện tích cà phê vối già cỗi, giống cũ cần thay thế xấp xỉ 130 ngàn ha. Theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2014 đến 2020, diện tích cà phê cần được tái canh là 120.000 ha, với 90.000 ha trồng mới và 30.000 ha sử dụng biện pháp ghép cải tạo bằng giống mới. Tuy nhiên, khi tái canh, người trồng cà phê cần chú trọng tới kỹ thuật và nguồn giống sao cho đúng quy trình, đảm bảo diện tích tái canh phát triển tốt và cho năng suất, chất lượng cao.
Đến cuối năm 2018, diện tích tái canh cà phê cả nước đạt 110 ngàn ha, đạt trên 91% kế hoạch. Tổng diện tích cà phê trồng tái canh và ghép cải tạo tại các tỉnh Tây Nguyên đến năm 2019 là 118 ngàn ha, riêng Lâm Đồng có diện tích trồng tái canh và ghép cải tạo cao nhất trên 55 ngàn ha, trong khi kế hoạch Lâm Đồng cần tái canh 64 ngàn ha, đạt 84% kế hoạch. Về giống, yêu cầu quan trọng nhất trong tái canh, Lâm Đồng có 244 cơ sở sản xuất kinh doanh giống cà phê với năng lực sản xuất trên 13,7 triệu cây giống mỗi năm.
Tổng kinh phí thực hiện tái canh cải tạo cà phê toàn giai đoạn ước 10.281.412 triệu đồng. Để đáp ứng đủ nguồn vốn thực hiện, Lâm Đồng đã thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn, trong đó nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp về cây, chồi giống cho nông dân, hỗ trợ cho nâng cao chất lượng nguồn giống, thực hiện các mô hình, đào tạo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật đạt 17,66 tỷ đồng. Nguồn vốn vay tín dụng 955,46 tỷ đồng và nguồn vốn từ các doanh nghiệp hỗ trợ cho các chương trình đào tạo, tập huấn, tư vấn kỹ thuật và nguồn của người dân tự thực hiện: 9.308,29 tỷ đồng.
Sau gần 6 năm triển khai thực hiện, chương trình tái canh cà phê đã đem lại hiệu quả trẻ hóa vườn cây cà phê già cỗi, năng suất thấp, góp phần đưa năng suất cà phê của tỉnh từ 26,1 tạ/ha năm 2012 tăng lên 31,3 tạ/ha năm 2018; sản lượng 365.923,6 tấn năm 2012 lên 507.782,3 tấn năm 2018. Riêng hai huyện Di Linh, Bảo Lâm có trên 10.000 ha chuyên canh cà phê cho năng suất từ 4 tấn trở lên. Diện tích cây che bóng đạt 20.201 ha và đang tiếp tục được mở rộng. Cây che bóng chủ yếu là cây trồng xen trong vườn cà phê, vừa với mục đích che bóng, chắn gió, vừa tận dụng tăng thêm nguồn thu như bơ 3.822 ha, sầu riêng 6.655 ha, mắc ca 1.746 ha; còn lại là 6.054 ha trồng xen tiêu, mít, hồng... Diện tích cà phê ứng dụng công nghệ cao 20.800 ha, chiếm 12% tổng diện tích, chủ yếu là ứng dụng công nghệ tưới tự động, nhỏ giọt, tưới phun.
Ngành nông nghiệp Lâm Đồng xác định, đảm bảo chất lượng cây giống là then chốt cho việc tái canh, cải tạo cà phê. Việc thường xuyên rà soát, đánh giá chất lượng nguồn giống, quản lý chặt chẽ nguồn giống cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng đã đảm bảo được nguồn giống tốt phục vụ cho sản xuất. Bởi vậy, khi hướng dẫn nông dân tái canh, cán bộ kỹ thuật luôn động viên nông dân chọn mua tại các vườn giống uy tín, sử dụng các giống đã qua khảo nghiệm, cho năng suất ổn định và chín muộn, đảm bảo thuận lợi cho thu hoạch và sơ chế. Bên cạnh giống, Lâm Đồng động viên nông dân khi tái canh nên trồng xen với cây che bóng, vừa tạo môi trường cho cây cà phê, vừa tăng nguồn thu nhập trên cùng một diện tích đất, đảm bảo vùng cà phê phát triển bền vững.
Năm 2019, Lâm Đồng tiếp tục tái canh, ghép cải tạo cà phê với diện tích 7.062 ha, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ giống cho nông dân trên diện tích 252 ha. Với Lâm Đồng, chương trình tái canh đã giúp ngành cà phê thay đổi rất lớn, năng suất cao hơn so với trung bình cả nước, 3,1 tấn so với 2,6 tấn/ha. Kinh nghiệm của Lâm Đồng là khâu quản lý nguồn giống chặt chẽ, đảm bảo giống chuẩn, đồng thời động viên nông dân canh tác bền vững, ứng dụng các biện pháp canh tác như trồng cây che bóng, tưới tiết kiệm. Chính từ hiệu quả thực tế, nông dân Lâm Đồng đã chủ động thực hiện tái canh cà phê, thay đổi hết giống cũ, mang lại bộ mặt mới cho ngành cà phê Lâm Đồng.