Quản lý khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường: Kỳ 1: Khó khăn trong cấp phép

Công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản sử dụng làm vật liệu xây dựng thông thường được tỉnh Sơn La thực hiện đúng quy định, đáp ứng việc xây dựng các công trình, dự án, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường còn gặp nhiều khó khăn.

Thực trạng các điểm mỏ

Tỉnh ta có nguồn tài nguyên khoáng sản sử dụng làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) đa dạng, trữ lượng lớn và sẵn có, như đá vôi, đất san lấp, đá làm cát nhân tạo, cát lòng sông... UBND tỉnh đã lập phương án quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản tỉnh Sơn La đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tích hợp vào quy hoạch tỉnh, với 162 mỏ khoáng sản làm VLXDTT; trong đó, 53 mỏ đá làm VLXDTT, trữ lượng khoảng 27,9 triệu m³; 13 mỏ đá làm cát nghiền, trữ lượng 4,1 triệu m³; 53 mỏ cát tự nhiên, trữ lượng 9,04 triệu m³; 12 mỏ đất sét làm gạch, ngói, trữ lượng 3,7 triệu m³; 31 mỏ đất san lấp, trữ lượng 37,7 triệu m³.

Cán bộ Sở TN&MT và Phòng TN&MT huyện Mộc Châu kiểm tra điểm mỏ khai thác đá nghiền làm cát tại tiểu khu Bó Bun, thị trấn Nông trường Mộc Châu.

Cán bộ Sở TN&MT và Phòng TN&MT huyện Mộc Châu kiểm tra điểm mỏ khai thác đá nghiền làm cát tại tiểu khu Bó Bun, thị trấn Nông trường Mộc Châu.

Ông Nguyễn Đức Luyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: Đến năm 2025, tỉnh ta cần trên 4,2 triệu m³ đá xây dựng; trên 1,4 triệu m³ đất sét làm gạch, ngói; trên 3,7 triệu m³ cát xây dựng. Như vậy, trữ lượng khoáng sản làm VLXDTT của các điểm mỏ được quy hoạch đảm bảo nhu cầu trên địa bàn. Nhưng đến năm 2030, dự báo nhu cầu đá xây dựng trên 12 triệu m³, cát xây dựng trên 10,6 triệu m³; đất sét làm gạch ngói trên 4 triệu m³. Nhu cầu cát xây dựng lớn hơn so với trữ lượng các điểm mỏ được quy hoạch, vì vậy, cần đánh giá, bổ sung mới các điểm mỏ có trữ lượng, chất lượng phù hợp.

Trên cơ sở dự báo nhu cầu VLXDTT trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, thông tin: Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh cấp phép thăm dò, khai thác 57 mỏ; trong đó, giấy phép khai thác 40 mỏ (21 mỏ đá, 16 mỏ cát, sỏi và 3 mỏ đất sét); 17 mỏ đang thăm dò, phê duyệt trữ lượng. Với định hướng đưa toàn bộ mỏ khoáng sản làm VLXDTT ra đấu giá quyền khai thác khoáng sản, sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức đấu giá quyền khai thác 42 mỏ; đưa 30 mỏ vào kế hoạch đấu giá quý II năm 2024.

Huyện Sông Mã được tỉnh thông qua quy hoạch 30 điểm mỏ cát, 2 mỏ đá, 1 mỏ đất sét và 6 mỏ đất san lấp. Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2024-2025, huyện Sông Mã dự kiến đầu tư 40 dự án; trong đó, các dự án lớn như cầu Tây Hồ; đường Chiềng Phung - Mường Lầm; đường Mường Hung - Bua Hin..., nhu cầu sử dụng vật liệu để xây dựng khoảng 13.000 m³ cát, 20.000 m³ đá.

Ông Lò Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, chia sẻ: Hiện nay, khoáng sản cát trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng nhu cầu xây dựng, nhưng còn khó khăn về vật liệu san lấp, do chưa có mỏ đất được tổ chức đấu giá, cấp quyền khai thác theo quy định. Huyện đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan xem xét, sớm có chủ trương tổ chức đấu giá quyền khai thác mỏ đá Huổi Vạng, xã Huổi Một; mỏ đá bản Noong Lếch, xã Nà Nghịu và 6 mỏ đất san lấp theo nghị quyết của HĐND tỉnh.

Tại huyện Mộc Châu, được quy hoạch 20 điểm mỏ làm VLXDTT giai đoạn 2021-2030, tổng trữ lượng khoảng 13.430 m³. Đến nay, 5 điểm mỏ được cấp phép khai thác, gồm: Điểm mỏ đá nghiền làm cát tại tiểu khu Bó Bun, thị trấn Nông trường Mộc Châu; điểm mỏ đá cụm công nghiệp Bó Bun; điểm mỏ đá bản Mòn, thị trấn Mộc Châu; điểm mỏ đất sét tại bản Lùn và điểm mỏ đá nghiền làm cát bản Là Ngà 2, xã Mường Sang. Ngoài ra, có 4 điểm mỏ cát được cấp giấy phép thăm dò, gồm điểm mỏ bản Tây Hưng - Pá Phang, xã Chiềng Hắc; điểm khu 4, tiểu khu Bó Bun, thị trấn Nông trường Mộc Châu; điểm mỏ tiểu khu 19/5, thị trấn Nông trường Mộc Châu; điểm mỏ bản Tám Ba, xã Phiêng Luông.

Ông Trương Hoa Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, cho biết: Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của huyện dự kiến triển khai 441 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, đảm bảo các tiêu chí đô thị loại IV, tiêu chí thị xã. Hiện nay, khả năng cung cấp các VLXD cơ bản của địa phương chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là đá xây dựng, đất đắp. Vì vậy, các dự án phải sử dụng vật liệu tại các địa phương lân cận, chấp nhận chịu giá vận chuyển.

Bất cập việc cấp phép

Nhà máy gạch tuynel 19/8 Mộc Châu tại xã Mường Sang, có công suất thiết kế 15-18 triệu viên/năm, tương ứng tiêu thụ trên 20.000 m³ đất. Điểm mỏ đất cung cấp nguyên liệu cho nhà máy gạch được cấp phép khai thác 11 năm (2019-2032) nhưng phải mất hơn 2 năm mới có được giấy cấp phép khai thác mỏ đất phục vụ sản xuất.

Thi công xây dựng nhà lớp học Trường THCS Lê Quý Đôn, thành phố Sơn La.

Thi công xây dựng nhà lớp học Trường THCS Lê Quý Đôn, thành phố Sơn La.

Ông Ngô Gia Kiền, Giám đốc Nhà máy gạch tuynel 19/8 Mộc Châu, chia sẻ: Quy trình cấp phép khai thác khoáng sản làm VLXDTT quá phức tạp, mất nhiều thời gian. Mong muốn các cơ quan chức năng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp.

Công ty TNHH xây dựng và thương mại Thanh Thi, hoạt động khai thác đá làm nguyên liệu sản xuất cát bằng phương pháp lộ thiên tại tiểu khu Bó Bun, thị trấn Nông trường Mộc Châu, là đơn vị duy nhất của huyện Mộc Châu được cấp phép, thời hạn khai thác 15 năm 5 tháng, kể từ ngày 29/3/2018. Điểm mỏ có diện tích gần 2 ha, trữ lượng khoáng sản thiết kế khai thác trên 916.000 m³, trữ lượng khai thác mỏ trên 715.000 m³, công suất 50.000 m³/năm.

Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và thương mại Thanh Thi, chia sẻ: Công ty mất rất nhiều năm mới hoàn thành được các thủ tục cấp phép. Doanh nghiệp mong muốn, Luật Khoáng sản (sửa đổi) có những quy định rõ ràng hơn trong phân loại các đối tượng khoáng sản để áp dụng thủ tục hành chính tương ứng, phù hợp; giảm bớt thời gian thực hiện các công đoạn trong quy trình xin cấp phép.

Hai ý kiến trên cũng là nội dung kiến nghị của hầu hết các chủ mỏ khoáng sản làm VLXDTT trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Theo Luật Khoáng sản 2010, thời gian cấp giấy phép khai thác khoáng sản qua nhiều bước, mất rất nhiều thời gian. Bắt đầu từ khâu đấu giá, thăm dò, chủ trương phê duyệt trữ lượng, chủ trương đầu tư; các thủ tục về môi trường, đánh giá tác động môi trường và thiết kế cơ sở, thủ tục cấp phép, thuê đất và các nội dung liên quan đến giấy phép môi trường. Theo quy trình này, nếu không có vướng mắc, phải hơn 1 năm mới hoàn thiện thủ tục cấp phép, nếu có vướng mắc, có thể kéo dài 2- 3 năm, thậm chí là lâu hơn.

Sớm có giải pháp tháo gỡ

Những bất cập, vướng mắc quy trình cấp phép kéo dài, chủ yếu do Sơn La chưa có hệ thống số hóa về lưu trữ cơ sở dữ liệu quản lý khoáng sản, lưu trữ báo cáo định kỳ, báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản; lưu trữ số liệu giám sát camera, trạm cân; số hóa, lưu trữ bản đồ hiện trạng mỏ, bản vẽ mặt cắt hiện trạng mỏ... để kiểm soát trữ lượng, sản lượng khoáng sản khai thác hàng năm. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch khoáng sản còn chồng chéo với các quy hoạch khác; quá trình tiếp nhận, thẩm định, trình hồ sơ tham mưu UBND tỉnh cấp phép thăm dò, cấp phép khai thác, gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản của một số mỏ khoáng sản còn chậm so với thời gian quy định.

Một điểm khai thác cát tại xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã.

Một điểm khai thác cát tại xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã.

Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy các giải pháp trước mắt và giải pháp lâu dài trong quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường. Trong đó, tập trung giải quyết dứt điểm các tồn tại của các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh như sự chồng chéo giữa quy hoạch rừng với quy hoạch khoáng sản; giải quyết các tồn tại, vướng mắc đối với các dự án khai thác khoáng sản, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp với Cục Địa chất Việt Nam điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Cục Khoáng sản Việt Nam rà soát, khoanh định các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ để bàn giao về cho tỉnh quản lý. Nâng cao vai trò, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về quản lý, bảo vệ khoáng sản, nâng cao thực thi pháp luật về khoáng sản đến từng địa phương...

Đối với quản lý khoáng sản làm vật liệu san lấp, Cục Khoáng sản Việt Nam đã nghiên cứu xây dựng Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản hướng đến mục tiêu phân công, phân cấp và cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một trong các nội dung đó là phân nhóm khoáng sản để quản lý, trong đó khoáng sản nhóm IV là khoáng sản làm vật liệu san lấp.

Việc nghiên cứu chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc cấp phép khai thác khoáng sản làm VLXDTT là việc cần làm ngay, giúp các tổ chức, cá nhân thuận lợi trong thực hiện quy trình lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép, thực hiện đúng quy định về quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, góp phần phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

(Còn nữa)

Thu Hưởng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/phong-su/quan-ly-khai-thac-khoang-san-lam-vat-lieu-xay-dung-thong-thuong-ky-1-kho-khan-trong-cap-phep-QhZL4ayIR.html