Quản lý không gian đô thị khoa học mới giải quyết triệt để lấn chiếm vỉa hè

KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, việc quản lý không gian đô thị là vấn đề khoa học và phải thực hiện một cách khoa học.

Cùng bàn luận về chủ đề quản lý không gian đô thị, thu phí vỉa hè, lòng lề đường, Tiến sĩ khoa học, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng cách quản lý không gian đô thị hiện nay chưa khoa học.

Đó là nguyên nhân sâu xa khiến việc dẹp vỉa hè xong đâu lại vào đó và việc thu phí sử dụng vỉa hè cũng khó thành công. Báo Giao thông có cuộc trao đổi với KTS Ngô Viết Nam Sơn xung quanh vấn đề này.

Tiến sĩ khoa học, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn

Tiến sĩ khoa học, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn

9/10 tuyến đường ở Việt Nam đều bị lấn chiếm vỉa hè

Thưa ông, ông thấy thực trạng sử dụng và quản lý vỉa hè, lòng đường ở các đô thị Việt Nam như thế nào?

Phải thấy rằng thực trạng người dân sử dụng vỉa hè, đến kiểu cực đoan là lấn chiếm cả lối dành cho người đi bộ là đặc thù của đô thị Việt Nam. Ở các đô thị của Việt Nam, có thể nói 9/10 tuyến đường người dân đều có sử dụng vỉa hè để buôn bán.

Trong khi ở nước ngoài thì ngược lại, tức là 9 tuyến đường dành cho người đi bộ, không được buôn bán, chỉ 1 tuyến được cho phép người dân buôn bán. Nhưng chỗ nào được buôn bán phải có giấy phép, có đóng thuế, phải tuân thủ các điều luật của địa phương.

Ví dụ, lúc tôi ở Toronto (Cananda), ngay khu trung tâm có những tuyến đường mình có thể dừng xe để bán hotdog (xúc xích), nhưng người bán họ buộc phải treo một tờ giấy phép ngay ở xe. Vị trí họ đứng bán cũng được quy định trong khoảng thời gian nào, sau giờ đó họ phải dọn sạch để đi chỗ khác. Khi bán họ phải chịu trách nhiệm về vấn đề vệ sinh môi trường.

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi trông giữ xe máy trên đường Ngô Đức Kế, quận 1 khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường nhưng dưới lòng đường, ô tô cũng đậu tràn lan.

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi trông giữ xe máy trên đường Ngô Đức Kế, quận 1 khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường nhưng dưới lòng đường, ô tô cũng đậu tràn lan.

Cách đây 5 năm, TP.HCM cũng như nhiều địa phương đã có chiến dịch lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, nhưng đến nay đâu lại hoàn đấy. Theo ông, nguyên nhân vì sao?

Do cách làm chưa phù hợp. Việc quản lý đô thị là vấn đề khoa học, muốn giải quyết triệt để phải nhìn dưới góc độ khoa học. Khi mình làm chưa khoa học thì khó giải quyết được vấn đề một cách bền vững và cũng không được sự đồng thuận của người dân.

Cách làm khoa học là như thế nào, thưa ông?

Đầu tiên là phải nghiên cứu lại hiện trạng không gian đường phố, vỉa hè như thế nào. Chẳng hạn, khi nghiên cứu bài bản, chúng ta sẽ thấy không phải tuyến đường nào trên toàn thành phố cũng bị lấn chiếm vỉa hè.

Có những đường vỉa hè rất thoáng như đường Lê Duẩn, Nam Kỳ Khởi Nghia trước Dinh Thống Nhất… Có những đường tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè lộn xộn, người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Cần có một nghiên cứu tổng thể hiện trạng, liệt kê và đánh giá.

Cùng với đó là nền tảng pháp lý. Luật về quản lý sử dụng vỉa hè, lòng lề đường đều đã có, nhưng khi áp dụng vào những trường hợp cụ thể phải có trình tự.

Tôi lấy ví dụ, việc anh Đoàn Ngọc Hải, nguyên Phó chủ tịch UBND quận 1 trước đây đưa lực lượng chức năng đi xử lý vỉa hè, những điểm nào lấn chiếm, không có giấy phép bị phá bỏ, xử phạt… Cách làm của ông Hải không sai nhưng có những tình huống chưa hợp tình dẫn đến thiếu đồng thuận của người dân.

Bởi một thời gian lâu dài họ lấn chiếm mà không ai nói gì, giờ bất ngờ bị phá bỏ, họ cũng bức xúc. Thay vào đó, quận, phường rà soát những đường nào bị lấn chiếm không đúng quy định, gửi văn bản về cho hộ gia đình yêu cầu tự tháo dỡ.

Trong thời gian khoảng 1 - 3 tháng, các hộ phải làm các thủ tục để được cấp phép, nếu không được cấp phép đúng quy định mà không tự tháo dỡ, địa phương sẽ cưỡng chế tháo dỡ các điểm lấn chiếm… Và khi làm là quyết liệt từ trên xuống, làm một lần cho xong, không có kiểu làm theo phong trào rồi đâu lại vào đó.

Thu phí vỉa hè phải có quy hoạch, minh bạch, công khai

Tại khu vực trước số nhà 280 đường Trường Sa, quận Bình Thạnh, vỉa hè, lòng đường trở thành mặt bằng cho hàng quán, thoáng nhìn tưởng khu ẩm thực

Tại khu vực trước số nhà 280 đường Trường Sa, quận Bình Thạnh, vỉa hè, lòng đường trở thành mặt bằng cho hàng quán, thoáng nhìn tưởng khu ẩm thực

Mới đây, TP.HCM lấy ý kiến của các địa phương trong việc quản lý lòng đường, vỉa hè, trong đó có đặt vấn đề về việc thu phí vỉa hè, ông đánh giá kế hoạch này như thế nào?

Tôi khẳng định việc thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường hiện nay không đem lại hiệu quả bởi các kế hoạch chỉ mang tính đối phó.

Khi chưa có nghiên cứu hiện trạng, chưa có quy hoạch mà vội vã đưa ra kế hoạch thì rất thiếu nền tảng pháp lý để thực hiện điều này. Khi đó, không loại trừ khả năng những người bị xâm phạm lợi ích họ khiếu kiện.

Theo ông, việc thu phí vỉa hè thực hiện thế nào cho hiệu quả?

Như tôi đã nói là trước hết phải có một nghiên cứu tổng thể về quản lý không gian đô thị một cách bài bản, sau đó mới tính đến chuyện thu phí vỉa hè. Chỗ nào cho sử dụng vỉa hè có thu phí, chỗ nào cấm tuyệt đối. Tất cả phải công khai, minh bạch để người dân cùng giám sát.

Trước đây, tôi có đề xuất dùng những vạch sơn để phân loại vỉa hè. Vạch sơn màu xanh lá để dành cho người đi bộ, không ai được xâm phạm. Không gian nào sơn màu vàng, xanh dương dành cho buôn bán, nơi giữ xe và có thu phí. Quanh các trạm điện, không gian văn hóa thì sơn màu đỏ cấm hẳn các hoạt động buôn bán.

Tất cả những vấn đề về thu phí, biểu bảng phí… đều phải được công khai, minh bạch, không thể tùy tiện. Người dân cũng có thể tự giám sát việc quản lý và thu phí như thế nào, nguồn kinh phí đó nộp vào đâu.

Người sử dụng vỉa hè cũng vừa có quyền lợi và trách nhiệm, được sử dụng vỉa hè trong ranh giới đóng phí, nếu lấn chiếm thêm bên ngoài sẽ bị phạt rất nặng.

Xin cảm ơn ông!

Tư Doãn (Thực hiện)

.

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/quan-ly-khong-gian-do-thi-khoa-hoc-moi-giai-quyet-triet-de-lan-chiem-via-he-d582974.html