Quản lý kiến trúc nhà phố: Cần giải pháp tổng thể
Nhà phố là một bộ phận cấu thành các đường phố và không gian đô thị tại Hà Nội. Theo các chuyên gia kiến trúc, số lượng nhà phố phân bố chủ yếu tại trung tâm đô thị và đang có xu hướng lan nhanh ra các khu vực khác, gồm cả ngoại thành. Tuy nhiên, trước nhiều hạn chế đang tồn tại, các cấp, ngành chức năng phải có hệ thống giải pháp quản lý tổng thể và đồng bộ đối với loại hình kiến trúc này.
Nhà phố lộn xộn vì nhiều nguyên nhân
Thạc sĩ, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương (Viện Kiến trúc quốc gia) nhận định, tại Hà Nội, nhà phố liên tục được làm mới và sửa chữa cho phù hợp ở những giai đoạn khác nhau của quá trình phát triển đô thị. Tuy nhiên, các công trình nhà phố còn rất lộn xộn, phá vỡ kiến trúc cảnh quan đô thị.
Để đáp ứng nhu cầu đa dạng, mong muốn sở hữu nhà, coi nhà ở là tài sản riêng của người dân, trong quy định của thành phố Hà Nội về cơ cấu sử dụng đất ở tại khu đô thị có chia tỷ lệ 40% nhà thấp tầng (biệt thự, nhà vườn, không chia lô xây nhà ống) và 60% là nhà cao tầng. Hầu như việc quản lý xây dựng các công trình nhà phố - biệt thự ban đầu bị thả lỏng, chỉ quy định quy mô, ít quan tâm đến hình dạng kiến trúc, xây dựng đồng bộ. Nhu cầu tận dụng đất tối đa khiến việc tạo các khoảng lùi thay đổi; các không gian trống, màu sắc của từng nhóm công trình không được quan tâm, dẫn đến tuyến phố có hình hài buồn tẻ, đơn điệu, không có điểm nhấn.
Về kiến trúc, tuy đã có nhiều nghiên cứu về nhà phố nhưng phần lớn các giải pháp được đề xuất chỉ áp dụng cho các trường hợp mô hình chung, thiếu tính thực tiễn, chưa quan tâm đến nhu cầu và điều kiện thực tế của người dân. Kiến trúc nhà phố hiện nay chủ yếu còn manh mún, riêng lẻ mà ít chú ý đến tổng thể và sự đồng bộ. Các xu hướng kiến trúc nhại cổ, học đòi, thiếu tính văn hóa và không phù hợp với vi khí hậu... cũng rất phổ biến.
“Để quản lý kiến trúc nhà phố cần có quy chế quản lý kiến trúc - quy hoạch. Quy chế này gắn liền với từng quy hoạch phân khu. Tuy nhiên, nội dung này còn sơ lược, chưa cụ thể. Trong hệ thống quản lý quy hoạch - kiến trúc, có thiết kế đô thị, nhưng việc triển khai chậm hơn thực tiễn, gây ra hiện trạng phát triển manh mún, lộn xộn như hiện nay”, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận xét.
Còn theo kiến trúc sư Vũ Hoài Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội), sự lộn xộn của kiến trúc nhà phố hiện nay ở Hà Nội có nguyên nhân sâu xa bởi lịch sử đô thị hóa, đó là sự tác động qua lại từ làng xóm cũ, tạo nên các hình dạng đất đai không đồng đều khi Nhà nước xây dựng các tuyến đường mới. Ngoài ra, việc quản lý phát triển công trình còn bất cập, như không có thiết kế đô thị, đặc biệt là các tuyến phố mới mở. Việc sử dụng công cụ kỹ thuật như quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng trong cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ của người dân không tính đến mối quan hệ với công trình liền kề một cách thấu đáo. Mặt khác, còn tình trạng xây dựng sai giấy phép, nâng tầng, sai chiều cao chi tiết từng tầng, sai thiết kế ban công...
Đề xuất nhiều giải pháp quản lý
Từ nhận định trên, theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, sau khi Luật Kiến trúc ra đời (năm 2017), thành phố Hà Nội cần có những nghiên cứu để nhận rõ đặc thù của kiến trúc từng khu phố như khu phố cổ, phố cũ, khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, từ đó đề xuất những nét đặc trưng về kiến trúc, tránh hiện tượng thiếu tính thống nhất trong quản lý các tuyến phố như hiện nay. Ngoài ra, muốn thực hiện hiệu quả quản lý kiến trúc nhà phố, cần nhận diện quỹ di sản, xem xét đến những công trình đặc thù cần bảo vệ để phát huy giá trị. Trước mắt, thành phố nên đẩy mạnh nghiên cứu thiết kế đô thị tại những khu vực trọng điểm, tuyến phố trung tâm.
Đề xuất cụ thể hơn cho quản lý kiến trúc nhà phố, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương cho rằng, quy hoạch tổng thể các khu nhà phố cần có chỉ dẫn rõ ràng và thống nhất, sáng tạo nhưng tránh khiên cưỡng, gò ép. Ông Phương nêu cụ thể: “Để quản lý thật tốt bộ mặt kiến trúc đô thị cho tuyến phố, nhà phố, không thể quy định hay hạn chế cứng nhắc, chỉ cần quản lý thật tốt một số yếu tố liên quan; khuyến khích những phong cách có nét đặc trưng của mỗi vùng xã hội, luôn tôn trọng yếu tố cây xanh, yếu tố xanh cho kiến trúc công trình. Có thể xem xét kế thừa phong cách “kiến trúc tường rào” của các trục phố chính trong nội thành”.
Còn kiến trúc sư Vũ Hoài Đức đề xuất, biện pháp mạnh mẽ nhất thành phố có thể tính đến là thu hồi lớp đất giáp mặt đường để tạo thành công trình mới hoặc khuyến khích người dân phân chia lại theo nguyên tắc không thay đổi diện tích, chỉ thay đổi hình dạng nhằm tạo thuận lợi cho thiết lập công trình mới ngăn nắp, yêu cầu hợp khối khi xây dựng. Ngoài ra, cần có thiết kế đô thị cho tuyến đường mới mở với hướng dẫn xây dựng chi tiết cho các nhà sau giải phóng mặt bằng. Hồ sơ thiết kế xin cấp giấy phép xây dựng cần có nội dung khảo sát mặt tiền hai nhà liền kề để có phương án thiết kế tạo nên sự hài hòa chung. “Quản lý chặt chẽ việc xây dựng, có chế tài xử lý hành vi sai phép không chỉ đối với gia chủ, mà còn cả với nhà thầu thi công, giám sát. Đây sẽ là nội dung mới so với thực tiễn ở nước ta, nhưng ở các nước tiên tiến đã thực thi thành công”, kiến trúc sư Vũ Hoài Đức nêu cụ thể.