Quản lý kinh doanh, dịch vụ tại Lễ hội Đền Hùng
Những ngày này, thị trường kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tại khu vực thành phố Việt Trì và trung tâm lễ hội Đền Hùng khá nhộn nhịp do lượng du khách về tham quan và dâng hương tăng cao. Nhằm kiểm soát chặt chẽ các hoạt động kinh doanh - dịch vụ, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn và ký cam kết đối với các hộ kinh doanh hàng quán, dịch vụ lưu trú và dịch vụ trông giữ phương tiện...thực hiện đúng các quy định của pháp luật về kinh doanh để du khách yên tâm khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ.
Lễ hội Đền Hùng được diễn ra từ ngày 9 - 18/4 (tức ngày 1-10/3 âm lịch), dự kiến đón hàng triệu lượt người tới thăm quan. Để phục vụ lễ hội năm nay, tại khu vực ven Đền Hùng và khu trung tâm lễ hội có 80 quầy bán hàng cố định của Trung tâm dịch vụ du lịch Đền Hùng và các hộ kinh doanh; ngoài ra, còn có khoảng 300 gian hàng kinh doanh thời vụ do các hộ đăng ký hoạt động trong dịp lễ hội (từ ngày 1- 10/3). Các loại hàng hóa bày bán phong phú, trong đó chủ yếu là các sản phẩm nông sản, đặc trưng của địa phương, sản phẩm OCOP như: Bánh chưng, bánh giầy, các loại bánh đặc sản của thị xã Phú Thọ; thịt chua Thanh Sơn và nhiều đồ thủ công mỹ nghệ, dệt may, thổ cẩm...Các hàng quán đều thực hiện ký cam kết thực hiện đúng các quy định trong kinh doanh, đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng hóa đảm bảo chất lượng, cung cấp dịch vụ đúng giá niêm yết, thực hiện phòng chống chảy nổ...
Chị Đặng Thị Thái - Chủ quầy hàng ở vực Đền Giếng cho biết: "Để phục vụ người dân và du khách, tôi đã chuẩn bị trên 100 mặt hàng là quà tặng, đồ lưu niệm, đặc sản địa phương, đặc sản vùng miền..., phần lớn, du khách chọn mua những loại bánh đặc sản của Đền Hùng như: Bánh củ mài, chè lam, bánh giày, thịt chua để làm quà. Tất cả các sản phẩm bày bán, chúng tôi đều lựa chọn các cơ sở kinh doanh uy tín, đảm bảo chất lượng, hạn sử dụng dài ngày và có niêm yết giá trên từng sản phẩm."
Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã chủ động theo dõi, nắm sát diễn biến, giá cả và nguồn cung hàng hóa để đảm bảo phục vụ người dân và du khách chu đáo. Ông Dương Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Cục QLTT đã chỉ đạo các đội QLTT phụ trách địa bàn và các khu vực giáp ranh nơi diễn ra Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa đưa vào tiêu thụ trong lễ hội đảm bảo hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; hạn chế tình trạng buôn bán, tàng trữ hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cùng với sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, Khu di tích lịch sử Đền Hùng cũng đã thành lập các tổ giám sát lưu động thường xuyên tuần tra, kiểm soát các khu vực trong những ngày diễn ra hội. Ông Đặng Tiến Khanh - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ du lịch Đền Hùng cho biết: "Trong những ngày chính hội, chúng tôi luôn chú trọng công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân, các hộ kinh doanh trong khu vực theo quy định; tăng cường quản lý về chất lượng hàng hóa, thái độ phục vụ tại các điểm bán hàng. Bố trí, sắp xếp các hàng quán bảo đảm mỹ quan, văn hóa và thuận lợi nhất cho du khách."
Năm nay, ngoài các quầy hàng cố định và các gian hàng đăng kí tham gia kinh doanh hàng hóa trong khu vực Lễ hội Đền Hùng, tại các hội trại văn hóa của 13 huyện, thành, thị cũng đã sắp xếp, bố trí khu vực trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm nông sản đặc trưng, sản phẩm tham gia “chương trình mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) mang đậm nét vùng miền cũng thu hút nhiều du khách thăm quan và mua sắm. Chị Phạm Thị Huyền (du khách ở tỉnh Hải Dương) cho biết: Tôi rất thích mua các sản phẩm nông sản đặc trưng vùng miền để làm quà cho mọi người sau mỗi chuyến đi, đặc biệt là sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn OCOP bởi chất lượng đảm bảo, mẫu mã, bao bì đẹp mắt và quan trọng nhất là truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm...
Bên cạnh các hoạt động kinh doanh hàng hóa, Khu di tích cũng tăng cường công tác quản lý xe điện để tạo sự thuận lợi trong việc đi lại, hạn chế tối đa những phiền toái mà dịch vụ xe ôm tự phát mang đến cho du khách. Năm nay, Khu di tích đã chuẩn bị trên 100 xe điện phục vụ du khách trong dịp Giỗ Tổ. Tất cả các xe đều được kiểm tra, bảo dưỡng trước khi đi vào hoạt động. Các lái xe được đào tạo bàn bản, chuyên nghiệp và nắm rõ các quy định trong chuyên chở hàng khách.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trong quản lý và sự phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, các hoạt động kinh doanh - dịch vụ tại Lễ hội Đền Hùng đã đi vào nền nếp, an toàn, văn minh góp phần giữ gìn, phát huy được các giá trị văn hóa và du lịch của tỉnh.