Quản lý lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Ngày 25/8, Ban Chỉ đạo Trung ương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 8/5/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về 'Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài'.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Sơn La.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Sơn La.

Các đồng chí: Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Đỗ Ngọc An, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Sơn La, dự hội nghị có đồng chí Tráng Thị Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Đến năm 2022, có 451 tổ chức, doanh nghiệp, cao hơn hơn 2 lần so với thời điểm ban hành chỉ thị. Thị trường tiếp nhận lao động nước ngoài ngày càng mở rộng và phát triển, từ 9 thị trường năm 2013, đến nay đã được mở rộng lên 25 thị trường; đưa hơn 1 triệu lượt người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài, tạo việc làm cho khoảng từ 7 - 10% lực lượng lao động tăng thêm hàng năm. Thu nhập người lao động làm việc ở nước ngoài tương đối ổn định, bình quân 200 triệu đồng người/năm.

Tuy nhiên, còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Chưa xây dựng được quy hoạch, chiến lược nên hiệu quả công tác đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc nước ngoài còn thấp; chưa có sự gắn kết giữa hệ thống các cơ sở đào tạo nghề với tạo nguồn đi làm việc ở nước ngoài, chất lượng đào tạo không đồng đều; ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật lao động vẫn còn hạn chế.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến toàn quốc.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến toàn quốc.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Chủ trương đưa người lao động làm việc ở nước ngoài tiếp tục là chủ trương đúng đắn, là bộ phận không thể tách rời trong chương trình phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Ban Chỉ đạo Trung ương đề nghị các bộ, ngành Trung ương, các địa phương tiếp tục đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan; xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý lao động đi làm việc ở nước ngoài gắn với quản lý trong nước đảm bảo đồng bộ, liên thông; tăng cường công tác bảo hộ công dân đi làm việc ở nước ngoài.

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/quan-ly-lao-dong-va-chuyen-gia-viet-nam-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-52808