Quản lý mô hình bán trú vệ tinh ra sao sau khi Thông tư 29 có hiệu lực?

Mô hình bán trú vệ tinh xuất hiện tại nhiều quận/huyện ở TP nhằm đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh. Sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, các địa phương quản lý mô hình này ra sao?.

Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh tiểu học bắt buộc học 2 buổi/ngày. Tại một số quận/huyện và TP Thủ Đức, mật độ dân số tăng cao trong khi trường lớp chưa xây dựng kịp nên tỉ lệ học 2 buổi/ngày chưa đáp ứng. Đây là lý do mô hình bán trú vệ tinh xuất hiện, xuất phát từ nhu cầu thật sự cấp thiết của nhiều gia đình ở các đô thị lớn như TP.HCM.

 Một cơ sở bán trú vệ tinh tại quận 12. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Một cơ sở bán trú vệ tinh tại quận 12. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Ra đời từ nhu cầu thực tế, hỗ trợ phụ huynh

Theo thống kê của Sở GD&ĐT TP.HCM, năm học 2023-2024, trong 24 quận/huyện và TP Thủ Đức, chỉ có các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 10, Phú Nhuận, huyện Cần Giờ và huyện Nhà Bè có tỷ lệ học 2 buổi/ngày đạt 100%.

Các địa phương khác như Gò Vấp, Tân Phú, quận 12, Bình Tân, huyện Bình Chánh, Tân Bình, dù nỗ lực trong việc xây dựng trường lớp nhưng chưa thể đáp ứng việc tổ chức 2 buổi/ngày.

Vì thế, mô hình bán trú vệ tinh (cơ sở, trung tâm trông giữ trẻ ngoài giờ) đã xuất hiện tại các khu vực này nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ huynh.

Các cơ sở xuất hiện gần các trường học tổ chức 1 buổi/ngày.

Tại quận 12, PV dạo quanh các con đường cạnh Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, Trường Tiểu học Lê Văn Thọ. Đây là những trường tổ chức dạy 1 buổi/ngày, các cơ sở bán trú vệ tinh gần đây hoạt động nhộn nhịp.

Vào buổi sáng, trước khi đi làm, phụ huynh lại chở con tới đây. Nhân viên tại đây sẽ trông giữ trẻ, cho ăn và chiều chở đến trường.

Anh Thanh Tuấn, một phụ huynh quận 12 cho hay nhiều năm nay, anh gửi con ở cơ sở bán trú gần trường do trường chỉ dạy 1 buổi. Nếu để cháu ở nhà, không có ai trông nom. Chi phí ăn trưa và giữ trẻ 1 tháng hết gần 2 triệu.

“Mô hình này rất cần thiết đối với gia đình tôi. Nếu không có họ, tôi không biết xoay xở ra làm sao" - anh Tuấn nói.

Nhân viên tại một cơ sở bán trú ở quận 12 cho biết học sinh đến gửi tại đây đa phần là bậc tiểu học. Sáng, cơ sở nhận giữ các bé lớp 1,2,3. Chiều, cơ sở trông các bé lớp 4,5.

“Khi các con gửi tại đây sẽ được lo ăn uống, thời gian còn lại rèn chính tả, ôn bài theo dặn dò” - vị này chia sẻ.

Tại các địa phương khác như Bình Tân, Tân Phú, TP Thủ Đức, mô hình này rất nhiều.

Thực tế cho thấy nhiều nơi chưa có đủ trường học tổ chức bán trú (dạy 2 buổi/ngày) nên nhiều phụ huynh không biết xoay xở gửi con ở đâu vào buổi còn lại trong ngày để đi làm. Mô hình bán trú vệ tinh được ra đời từ nhu cầu cấp thiết của nhiều gia đình cần gửi con. Phụ huynh cho con học 1 buổi ở trường, buổi còn lại gửi ở các cơ sở bán trú vệ tinh này nhờ chăm con, rèn ôn bài. Dù đây là nhu cầu thực tế của nhiều gia đình, có sự thỏa thuận giữa phụ huynh và cơ sở giáo dục nhưng hiện nay chưa có hành lang pháp lý cho mô hình này.

Mong sớm có quy định

Lãnh đạo phòng GD&ĐT tại quận 12 cho hay các cơ sở bán trú vệ tinh thuộc phạm vi quản lý của phường.

 Phụ huynh đưa con tới gửi tại một cơ sở bán trú vệ tinh. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Phụ huynh đưa con tới gửi tại một cơ sở bán trú vệ tinh. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Trong thời gian tới, phòng GD&ĐT sẽ phối hợp với UBND các phường để kiểm tra các cơ sở này nếu có phát hiện vi phạm quy định về dạy thêm.

Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo và quán triệt 100% giáo viên không được tham gia dạy thêm học sinh sai quy định, trong đó có việc dạy thêm học sinh tiểu học tại các cơ sở bán trú vệ tinh nếu có.

Phòng GD&ĐT không cấm việc giáo viên tham gia rèn chữ đẹp, dạy kỹ năng sống tại các cơ sở được cấp phép đúng quy định. Nếu cơ sở đó đăng ký hộ kinh doanh cá thể cung cấp dịch vụ rèn chữ đẹp, về kỹ năng sống hoặc cơ sở đó có giấy phép đăng ký công ty cung cấp dịch vụ này thì được phép ký hợp đồng với giáo viên để dạy.

Lãnh đạo phòng GD&ĐT tại một vùng ngoại thành nhấn mạnh bán trú vệ tinh là mô hình chỉ có tại các TP lớn như TP.HCM, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh do phụ huynh đi làm cả ngày, trong khi học sinh chỉ đi học có 1 buổi.

Có nhiều nguyên nhân khiến một số trường học chỉ có thể tổ chức học 1 buổi/ngày, không đủ lớp bán trú đáp ứng nhu cầu của phụ huynh. Do đó, để tạo thuận lợi cho học sinh, nhiều đơn vị tổ chức đưa đón, cho ăn uống, ôn bài. Phụ huynh có nhu cầu thì đăng ký với các cơ sở giáo dục này.

"Đây là nhu cầu có thật của nhiều gia đình ở các đô thị lớn như TP.HCM. Chúng tôi rất mong pháp luật sớm có quy định cụ thể để mô hình hoạt động này đi vào nề nếp"- vị này nói.

Bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân khẳng định hiện quận chưa cấp giấy phép cho mô hình bán trú vệ tinh.

Bà Dung cho biết Sở GD&ĐT TP đã có ra văn bản 674 về việc triển khai thực hiện Thông tư số 29/2024 của Bộ GD&ĐT. Phòng GD&ĐT quận có ra văn bản về việc triển khai thực hiện Thông tư số 29 để hướng dẫn các trường.

Hiện, Sở GD&ĐT đang tham mưu UBND TP ban hành Quy định về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Khi có văn bản hướng dẫn của TP, quận sẽ tiến hành triển khai đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Một trung tâm dạy thêm bị dừng hoạt động do dạy học sinh tiểu học

Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa Trạng Nguyên, quận Bình Tân, phải đóng cửa sau khi bị phát hiện dạy thêm đối với học sinh tiểu học.

Nhận được thông tin phản ánh, UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, đã tới kiểm tra hoạt động của trung tâm. Khi đó, giáo viên đang dạy cho 18 học sinh tiểu học, đa số học môn tiếng Việt.

Người đứng lớp không phải giáo viên công lập và có hợp đồng lao động. Trung tâm cũng xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và hồ sơ phương án phòng cháy, nhưng Thông tư 29 không cho phép dạy thêm với học sinh tiểu học.

Do đó, UBND phường đề nghị trung tâm đóng cửa, tháo các bảng hiệu quảng cáo sai quy định cho đến khi khắc phục sai phạm.

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/quan-ly-mo-hinh-ban-tru-ve-tinh-ra-sao-sau-khi-thong-tu-29-co-hieu-luc-post834975.html