Ngăn ngừa học sinh vi phạm trật tự, an toàn giao thông

Từ ngày 15/2 đến hết năm 2025, lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn quốc sẽ tập trung xử lý 6 nhóm hành vi vi phạm được xác định là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông. Đáng chú ý, nhóm vi phạm thứ 6 liên quan đến lứa tuổi học sinh vi phạm trật tự, an toàn giao thông.

Rất nhiều học sinh không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông trên đường phố. (Ảnh: PV)

Rất nhiều học sinh không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông trên đường phố. (Ảnh: PV)

Tháng 10/2024, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh và chỉ đạo của Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã triển khai tháng cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh. Kết quả chỉ trong chưa đầy một tháng, chỉ tính riêng TP Hà Nội, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý gần 8.000 trường hợp học sinh vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tạm giữ gần 3.500 phương tiện các loại. Thời điểm đó, tuy số lượng vi phạm vẫn còn ở mức cao nhưng sau một thời gian triển khai ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của học sinh đã có sự cải thiện rõ rệt, số trường hợp vi phạm giảm đáng kể.

Đến nay, sau một thời gian kết thúc tháng cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh, tình trạng học sinh vi phạm trật tự, an toàn giao thông đang có chiều hướng tăng trở lại. Theo ghi nhận của phóng viên, trên nhiều tuyến đường, phố tại Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh điều khiển xe điện, xe gắn máy, xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm, chở hai, chở ba, thậm chí phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều,

Trước thực trạng vi phạm gia tăng cùng với những con số báo động về tai nạn giao thông trong lứa tuổi học sinh suốt nhiều năm qua, việc Cục Cảnh sát giao thông (C08, Bộ Công an) ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát và tập trung xử lý 6 nhóm hành vi vi phạm giao thông, trong đó có nhóm học sinh vi phạm trật tự, an toàn giao thông được đánh giá là những hành động kịp thời, cần thiết. Theo đó, việc kiểm tra, xử lý vi phạm được thực hiện thường xuyên, liên tục, nghiêm minh, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” để răn đe, giáo dục, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành các quy định pháp luật của người tham gia giao thông.

Cô Hoàng Thị Loan - giáo viên Trường THPT Bình Minh (Hà Nội) cho rằng, để ngăn ngừa tình trạng học sinh vi phạm trật tự, an toàn giao thông, không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra, xử lý mà quan trọng hơn là thay đổi ý thức của các em. Cô chia sẻ: “Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp học sinh bị xử lý nhiều lần vì vi phạm giao thông nhưng các em không sợ và vẫn tái phạm. Nguyên nhân chính là do các em chưa có ý thức chấp hành luật khi tham gia giao thông, từ đó dẫn đến hành vi vi phạm. Vì vậy, tôi nghĩ thay đổi ý thức chính là giải pháp cốt lõi, khi các em có ý thức tốt, sẽ có hành động đúng đắn, thậm chí ngăn chặn vi phạm của bạn bè”.

Để làm được điều này, nhà trường và phụ huynh là yếu tố quan trọng, giữ vai trò quyết định trong việc giáo dục, nâng cao ý thức của học sinh, con em mình. Nhà trường cần tích cực lồng ghép kiến thức về an toàn giao thông vào chương trình giảng dạy, tổ chức các buổi tuyên truyền, ngoại khóa sinh động nhằm giúp học sinh hiểu rõ tầm quan trọng của việc tuân thủ luật giao thông. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần quan tâm, giám sát, nhắc nhở con em mình ngay từ những hành vi nhỏ nhất. Đặc biệt, mỗi bậc phụ huynh, mỗi thầy cô cần là tấm gương sáng trong việc chấp hành luật giao thông để các em học tập và noi theo. Hy vọng rằng, không chỉ trong các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm mà trong mọi thời điểm, ý thức tuân thủ luật an toàn giao thông của học sinh sẽ ngày càng được nâng cao, góp phần xây dựng một môi trường sống, học tập và rèn luyện an toàn, lành mạnh.

Linh Chi

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/ngan-ngua-hoc-sinh-vi-pham-trat-tu-an-toan-giao-thong-post540389.html