Quản lý năng lượng thông minh trên nền tảng IoT
Hiện nay, công nghệ IoT (Internet of Things - Internet kết nối vạn vật) đang trở thành xu hướng công nghệ có ảnh hưởng và được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành Điện. Đây chính là cơ sở của nhiều giải pháp quản lý năng lượng thông minh đang được cung cấp trên thị trường hiện nay.
Theo đó, các giải pháp dựa trên nền tảng IoT có thể cải thiện đáng kể hiệu suất và khả năng vận hành, triển khai của lưới điện thông minh.
* Nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng
Hiện nay, lượng điện năng tiêu thụ trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Thống kê năm 2019, sản lượng điện thương phẩm tại tỉnh Đồng Nai là 13,88 tỷ kWh. Nguồn điện năng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo thống kê, 90% nguồn năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là điện năng; phần còn lại là các loại năng lượng khác như: gas, khí hóa lỏng, than, dầu…
Nhu cầu sử dụng điện năng vẫn không ngừng tăng, phần lớn là để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp. Dân số phát triển nhanh cùng với sự phát triển kinh tế cũng khiến người dân sử dụng ngày càng nhiều các thiết bị dùng năng lượng điện.
Tiết kiệm điện và sử dụng điện một cách hiệu quả nhằm bảo vệ môi trường đang là yêu cầu tất yếu. Cùng với đó, việc sử dụng năng lượng sạch đang dần trở thành xu hướng được nhiều cá nhân, đơn vị hướng đến. Tại Đồng Nai, trong thời gian qua, việc phát triển năng lượng điện mặt trời đang có tốc độ tăng đáng kể. Tính đến giữa tháng 5-2020, toàn tỉnh có trên 1,8 ngàn khách hàng lắp đặt điện mặt trời với tổng công suất trên 34,6 ngàn kWp, trong đó có hơn 1,4 ngàn khách hàng hộ gia đình (năm 2018 chỉ có 77 khách hàng với tổng công suất 740kWp).
Ở chiều ngược lại, việc tiêu thụ điện hiện vẫn còn lãng phí. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do các đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm (chủ yếu là các công ty, xí nghiệp sản xuất) còn sử dụng công nghệ lạc hậu dẫn đến hiệu suất sử dụng năng lượng thấp, gây lãng phí nguồn năng lượng. Cùng với đó, nhiều hộ gia đình vẫn chưa nâng cao ý thức tiết kiệm điện.
* Giải pháp tiết kiệm điện trên nền tảng IoT
Hiện nay, công nghệ IoT đang trở thành xu hướng công nghệ có ảnh hưởng và được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành Điện. Đây chính là cơ sở của nhiều giải pháp quản lý năng lượng thông minh đang được cung cấp trên thị trường hiện nay. Thực tế, hiện trên thị trường có nhiều đơn vị cung cấp các giải pháp nhằm giúp người sử dụng có thể quản lý, tiêu thụ điện năng tiết kiệm và hiệu quả hơn.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty CP Điện mặt trời Vũ Phong (tỉnh Bình Dương) chia sẻ: “Ứng dụng IoT hỗ trợ đắc lực cho việc kiểm tra phân tích cảnh báo cũng như giám sát và kiểm định kỹ thuật. Chẳng hạn như, công ty chúng tôi đã chế tạo robot vệ sinh tấm pin mặt trời trong đó có module IoT giúp ra lệnh và giám sát từ trung tâm. Hệ thống của chúng tôi có thể phát hiện chính xác vị trí tấm pin đang bị lỗi, cần bảo hành, sửa chữa và robot tự hành có thể tự tìm đường đến tấm pin cần làm sạch. Ngoài ra, ứng dụng IoT kết hợp với VR/AR (công nghệ thực tế tăng cường) còn giúp kỹ thuật viên có thể bảo trì chính xác mà không phải trực tiếp thực hiện các thao tác nguy hiểm (như ở trên cao, ở lưới điện cao thế)…”.
Cũng theo ông Tuấn, hiện nay những công nghệ này Việt Nam hoàn toàn có thể tự làm được mà không cần phải nhập khẩu. Thậm chí, nếu được hướng dẫn, chính lực lượng sinh viên mới tốt nghiệp cũng có thể đảm nhận được việc chế tạo, sản xuất này.
Với việc ứng dụng IoT, việc quản lý, giám sát tiêu thụ điện sẽ được thực hiện một cách có hệ thống, hoàn toàn tự động và có thể cung cấp cho người dùng những dữ liệu quan trọng theo định kỳ. Chẳng hạn, Công ty CP Công nghệ Daviteq (TP.HCM) cung cấp giải pháp IoT Globiots. Đây là hệ thống giám sát và quản lý toàn diện các hệ thống năng lượng trong nhà máy sản xuất và tòa nhà hiện đại.
Giải pháp này có nhiều tính năng như: thu thập tự động giá trị các thông số năng lượng: tổng năng lượng tiêu thụ tích lũy (bao gồm số điện, tấn hơi, mét khối nước…), năng lượng tiêu thụ tức thời và chất lượng năng lượng…; gửi ngay các cảnh báo, sự kiện bất thường qua web trên máy tính, qua ứng dụng trên điện thoại thông minh và máy tính bảng. Nhờ thông tin này, người dùng có thể kịp thời xử lý các sự cố, tránh được tai nạn cháy nổ, hư hỏng máy móc do sự cố điện...
Cũng cung cấp ứng dụng IoT trong quản lý, giám sát tiêu thụ năng lượng, Công ty TNHH Schneider Electric Việt Nam (TP.HCM) lại đưa ra giải pháp hệ thống EcoStruxure Power. Giải pháp này giúp quản lý hệ thống năng lượng của khách hàng. Theo đó, hệ thống EcoStruxure Power gồm 3 phân lớp: kết nối các thiết bị, tổng hợp và thu thập thông tin để đưa ra báo cáo; phân tích chuyên sâu về “sức khỏe” của hệ thống điện để có giải pháp giúp khách hàng vận hành hiệu quả.
Theo ông Đoàn Tấn Đạt, Phó giám đốc Sở KH-CN, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách chú trọng phát triển năng lượng tái tạo. Tại Đồng Nai, UBND tỉnh cũng đã ban hành Văn bản 6561/UBND-KTN ngày 10-6-2020 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Sở KH-CN có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tiết kiệm năng lượng để phổ biến và áp dụng rộng rãi trong nhân dân.
Thực hiện nhiệm vụ này, Sở KH-CN đã kết nối các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, trường đại học nhằm trao đổi và phổ biến các giải pháp tiết kiệm điện đến người dân, Tháng 9 vừa qua, Sở KH-CN đã tổ chức hội nghị “Ứng dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tái tạo và quản lý năng lượng thông minh trên nền tảng IoT”. Các đơn vị tham gia hội nghị đã trình bày nhiều giải pháp thiết thực, tuy vậy số doanh nghiệp, người dân tham gia hội nghị còn hạn chế. Do vậy, trong thời gian tới, Sở KH-CN sẽ tiếp tục kết nối để lan tỏa những giải pháp này.