Quản lý rừng bền vững

Việc quản lý rừng bền vững và xây dựng chứng chỉ rừng (FSC) sẽ mở ra những cơ hội lớn, thúc đẩy ngành Lâm nghiệp phát triển theo hướng bền vững, đồng bộ từ quản lý, bảo vệ, tái tạo đến khai thác, chế biến lâm sản. Vì vậy, những năm qua, tỉnh đã khuyến khích các hộ, nhóm hộ trồng rừng, công ty lâm nghiệp tham gia, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người trồng rừng, doanh nghiệp thu mua mà còn góp phần bảo vệ môi trường.

Kiểm tra lô rừng bạch đàn sản xuất theo quy trình FSC của Công ty Lâm nghiệp Yên Lập, huyện Yên Lập.

Kiểm tra lô rừng bạch đàn sản xuất theo quy trình FSC của Công ty Lâm nghiệp Yên Lập, huyện Yên Lập.

Phát triển rừng theo tiêu chuẩn FSC

Chứng chỉ FSC là một tiêu chuẩn tự nguyện, được Hội đồng Quản lý rừng (FSC) phát triển nhằm mục đích thúc đẩy quản lý rừng có trách nhiệm trên toàn cầu. Chứng chỉ này đảm bảo các sản phẩm gỗ được sản xuất từ nguồn nguyên liệu được kiểm soát, tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và kinh tế.

Là một trong những doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện phương án quản lý rừng bền vững tiêu chuẩn FSC, Công ty Lâm nghiệp Yên Lập, huyện Yên Lập đã chứng minh hiệu quả mà phương án quản lý này mang lại là rất lớn. Hiện Công ty được giao quản lý hơn 2.000ha rừng, trong đó có gần 1.800ha được cấp chứng chỉ rừng FSC.

Trước khi thực hiện phương án quản lý rừng bền vững, cũng như các đơn vị chủ rừng khác, Công ty vẫn quản lý rừng theo phương pháp truyền thống. Hạn chế của phương án này là chỉ tập trung đảm bảo mục tiêu kinh tế của rừng còn các mục tiêu khác như môi trường, xã hội, chất lượng, tính đa dạng sinh học của rừng chưa được chú trọng.

Năm 2011, Công ty quyết định chuyển sang áp dụng phương án quản lý rừng bền vững. Sau hơn 10 năm triển khai, Công ty đã thực hiện được mục tiêu lấy rừng nuôi rừng, kinh doanh lâm sản có trách nhiệm, đảm bảo hài hòa các mục tiêu của rừng.

Ông Phùng Mạnh Thắng - Giám đốc Công ty chia sẻ: Nhờ quản lý rừng bền vững đã giúp Công ty sản xuất, kinh doanh phát triển, ổn định cuộc sống cho gần 50 cán bộ, công nhân viên Công ty với thu nhập bình quân của người lao động 6 triệu đồng/người/tháng. Công ty còn tạo việc làm cho hơn 200 hộ gia đình tham gia nhận khoán trồng, chăm sóc, vệ sinh rừng.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Yên Lập, với mục tiêu nâng tầm cho gỗ rừng trồng, hiện tại huyện đã phối hợp với Hợp tác xã lâm nghiệp bền vững tỉnh Phú Thọ chấp thuận cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC cho tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn với diện tích 10.000ha. Việc cấp chứng chỉ FSC sẽ giúp cho gỗ rừng trồng của người dân được ký kết bao tiêu cao hơn giá thị trường, các sản phẩm từ gỗ sau khi chế biến sẽ được phép xuất khẩu sang nước ngoài.

Cùng với huyện Yên Lập, các hộ trồng rừng trên địa bàn huyện Tân Sơn cũng đã quan tâm đầu tư xây dựng chứng chỉ rừng bền vững. Đến nay, huyện Tân Sơn đã có gần 13.000ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Nếu tính từ khâu trồng đến chế biến xuất khẩu, hiệu quả kinh tế tăng từ 2,5-3 lần, trong đó khâu trồng (người trồng rừng) tăng 1,2-1,5 lần so với trồng rừng truyền thống. Doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm sẽ chịu chi phí thẩm định cấp chứng chỉ FSC cho các hộ trồng rừng, đó chính là lý do thời gian gần đây diện tích rừng FSC tại huyện Tân Sơn không ngừng tăng lên.

Trồng rừng FSC ở huyện miền núi Tân Sơn giúp người sản xuất tăng hiệu quả kinh tế 1,2-1,5 lần, góp phần giảm nghèo bền vững.

Trồng rừng FSC ở huyện miền núi Tân Sơn giúp người sản xuất tăng hiệu quả kinh tế 1,2-1,5 lần, góp phần giảm nghèo bền vững.

Nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp

Với diện tích rừng và đất lâm nghiệp gần 188.000ha, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy tỷ lệ che phủ rừng, đẩy mạnh tuyên truyền về chuyển đổi mô hình trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ bền vững kết hợp với sự hỗ trợ của các dự án quốc tế. Các khu rừng đặc dụng cơ bản được quản lý bền vững, chủ rừng là tổ chức, công ty lâm nghiệp trên địa bàn đã thực hiện quản lý rừng bền vững FSC từ năm 2011.

Để nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp, tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững thông qua Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐND (Nghị quyết 05), ngày 19/7/2019; Nghị quyết 22/2021/NQ-HĐND, ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh thay thế Nghị quyết 05 về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Nhờ đó, các công ty lâm nghiệp thành viên thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam, 3 công ty, 1 hợp tác xã gồm: Công ty Gem my Tân Sơn, Công ty Lâm nghiệp Ông Bụt, Công ty CP Lương Sơn, Hợp tác xã An Việt Phát đã xây dựng phương án quản lý rừng bền vững với diện tích gần 32.000ha rừng sản xuất.

Thực hiện quản lý rừng bền vững được xác định phù hợp với chiến lược phát triển lâm nghiệp của tỉnh. Do đó, tỉnh có cơ chế, chính sách đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với các chủ rừng hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn, đầu tư trồng rừng gỗ lớn, canh tác bền vững để đạt chứng chỉ FSC. Đồng thời, các cấp, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của việc quản lý rừng bền vững, sản xuất theo chứng chỉ FSC; truyền thông chính sách hỗ trợ của tỉnh về cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC đến các tổ chức, cá nhân, người dân có rừng.

Đồng chí Trần Quang Đông - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Rừng được cấp chứng chỉ FSC sẽ mang lại lợi ích lâu dài, đảm bảo hệ sinh thái của rừng trồng, người trồng rừng được doanh nghiệp tư vấn về kỹ thuật, quá trình chăm sóc, theo dõi sự phát triển của rừng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, tạo cơ hội khẳng định giá trị thương hiệu các sản phẩm lâm sản của tỉnh trên thị trường trong, ngoài nước. Với những lợi ích mà chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC mang lại, đa số các chủ rừng trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt hưởng ứng tham gia triển khai thực hiện đánh giá cấp chứng chỉ FSC. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 9 chủ rừng với hơn 28.000ha rừng được cấp chứng chỉ FSC.

Quản lý rừng bền vững là hướng phát triển tốt cho ngành Lâm nghiệp của tỉnh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho bà con nông dân. Với tiềm năng, thế mạnh về rừng, việc được cấp chứng nhận FSC là yếu tố quan trọng, góp phần quản lý bền vững tài nguyên rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng cho cộng đồng địa phương và toàn xã hội, đồng thời là cơ hội để khẳng định giá trị thương hiệu các sản phẩm lâm sản của địa phương.

Hoàng Hương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/nbsp-quan-ly-rung-ben-vung-218770.htm