Quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nước mặt
Nước mặt là nguồn tài nguyên quý giá nhưng có hạn và dễ bị tổn thương bởi nhiều nguyên nhân. Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, nguồn nước mặt có dấu hiệu gia tăng mức độ ô nhiễm đang đặt ra những thách thức không nhỏ, cần cơ quan chức năng có giải pháp cải thiện để kiểm soát, đảm bảo chất lượng cũng như giảm thiểu ô nhiễm về lâu dài.

Hồ Đankia - Suối Vàng có diện tích trữ nước 360 ha, cung cấp nước ngọt chính cho hai nhà máy nước sinh hoạt cung cấp cho TP Đà Lạt và một phần thị trấn Lạc Dương
Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, hiện nay, chất lượng nước các hồ, sông, suối trên địa bàn tỉnh nhìn chung còn khá tốt. Vào mùa khô, các sông: Đạ Rsal, Da Que Yon, Da Loi, Đạ Tẻh, Đạ Guoay, Da Ri Am có chất lượng nước tốt. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nước sông, hồ giai đoạn 2019 - 2023 trên địa bàn có xu hướng gia tăng mức độ ô nhiễm, thể hiện qua các thông số BOD5, COD, tổng Nitơ, tổng Photpho. Bên cạnh đó, sông Đạ Dâng, Cam Ly, La Ngà có chất lượng nước từ kém đến trung bình nên cần được cải thiện để phục vụ cho các hoạt động sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp. Vào mùa mưa, mức độ ô nhiễm nước mặt trên địa bàn tỉnh thấp hơn.
Về nguồn nước mặt đang khai thác, sử dụng, cả tỉnh hiện có 444 công trình khai thác thủy lợi, 37 công trình thủy điện đã vận hành, 14 công trình cấp nước sinh hoạt đô thị, 64 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn. Theo số liệu của hồ sơ môi trường, trên địa bàn tỉnh có 222 nguồn điểm phát sinh nước thải. Tổng lưu lượng nước thải từ các nguồn thải điểm là 1,061 m3/s. Tải lượng các chất ô nhiễm chính từ các nguồn thải điểm trên địa bàn tỉnh là 12.286,199 tấn/năm. Các nguồn ô nhiễm trên địa bàn tỉnh gồm: vùng tập trung hoạt động dân cư, sinh hoạt, hoạt động nông nghiệp trồng trọt, hoạt động chăn nuôi, hoạt động công nghiệp,...
Tổng lưu lượng nước thải phát sinh từ nguồn diện (nguồn có tính chất phân tán, không có vị trí cụ thể - PV) khoảng 2.925.593 m3/ngày. Tải lượng các chất ô nhiễm trên địa bàn tỉnh vào khoảng 297.157 tấn/năm. Theo kết quả tính toán, dự báo tình hình phát sinh tải lượng ô nhiễm từ các nhóm nguồn thải trên địa bàn tỉnh năm 2026 vào khoảng 329.567 tấn/năm, đến năm 2030 vào khoảng 366.733,65 tấn/năm.Với thực trạng nguồn nước mặt nêu trên, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2026 - 2030 nhằm mục đích dự báo xu hướng, diễn biến chất lượng nước mặt nội tỉnh, từ đó đề xuất được mục tiêu, lộ trình giảm xả thải vào nguồn nước nhằm kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước mặt. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong việc bảo vệ, quản lý, khai thác hợp lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước mặt.
Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường đối với đô thị loại I, loại II từ 60% trở lên; đô thị loại III từ 20% trở lên; đô thị loại IV, loại V từ 15% trở lên. 100% các dự án đầu tư mới, doanh nghiệp, bệnh viện, doanh trại, khu chung cư và khu dân cư mới hoạt động phải đạt cột A quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường tương ứng hiện hành. Các doanh nghiệp, doanh trại, cơ sở, khu chung cư và khu dân cư đang hoạt động phải đầu tư, cải tiến công trình xử lý để đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường hiện hành và phù hợp với quy định phân vùng tiếp nhận nước thải theo lộ trình cắt giảm xả thải. Tổng tải lượng ô nhiễm cần cắt giảm là 11.567 tấn/năm.
Mục tiêu trọng tâm của tỉnh Lâm Đồng là nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý, bảo vệ an toàn các nguồn nước. Triển khai hiệu quả các giải pháp công trình để bảo vệ, cải thiện chất lượng các nguồn nước mặt. Trong đó, tập trung hoàn thiện hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, chợ truyền thống, bệnh viện, các trung tâm y tế; cải tạo nâng cấp các bãi rác và hệ thống xử lý nước rỉ rác.
Bên cạnh đó, địa phương sẽ đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa và huy động sự tham gia của cộng đồng. Cân đối nguồn ngân sách và huy động các nguồn lực, lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch trung hạn, ngắn hạn để đầu tư. Thực hiện huy động đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, vốn ODA, vốn tư nhân để đầu tư các công trình thủy lợi đầu mối, hồ chứa nước. Xã hội hóa theo phương thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm đối với công trình thủy lợi nội đồng, các cống nhỏ...