Quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường

Bám sát chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) đã triển khai nhiều giải pháp; phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Hoạt động thi công Dự án đường giao thông kết nối Quốc lộ 217 đi tỉnh lộ 508 thuộc địa bàn huyện Hà Trung.

Hoạt động thi công Dự án đường giao thông kết nối Quốc lộ 217 đi tỉnh lộ 508 thuộc địa bàn huyện Hà Trung.

Là ngành đa lĩnh vực, trong đó có nhiều lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp như: Đất đai, khoáng sản, vì vậy, bên cạnh công tác tham mưu cho UBND tỉnh về chủ trương sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và BVMT, Sở TN&MT luôn coi trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và nâng cao ý thức bảo vệ TN&MT cho mỗi tổ chức, cá nhân. Cùng với đó, ngành đã chủ động ban hành kế hoạch, biện pháp tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về quản lý tài nguyên và BVMT.

Trong lĩnh vực đất đai, ngành đã tập trung làm tốt công tác thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm đối với các huyện, thị xã, thành phố làm cơ sở để triển khai thực hiện việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất... Đồng thời, chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình. Tập trung chỉ đạo công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đơn cử như Dự án đường ven biển đoạn qua địa bàn các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa; Dự án Cụm Công nghiệp phía Đông Bắc; Dự án đường từ QL 10 đi khu du lịch Hải Tiến, giai đoạn 1, huyện Hoằng Hóa; Dự án đường Vạn Thiện đi Bến En đoạn qua huyện Nông Cống...

Theo thống kê, tỷ lệ giải phóng mặt bằng toàn tỉnh năm 2024 đạt khoảng 110% so với kế hoạch, tương đương 2.455ha/2.231,666ha. Cũng trong năm, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết cho phép chuyển mục đích sử dụng 1.330,94ha đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng thực hiện 389 dự án; chấp thuận thu hồi 1.798,37ha đất để thực hiện 382 dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất; tổ chức đấu giá 315 mặt bằng (dự án) với diện tích 132,71ha, số tiền sử dụng đất thu được 10.233 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với năm 2023.

Đối với hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản, ngành luôn quan tâm và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tham mưu cho tỉnh các biện pháp chấn chỉnh, ngăn chặn và xử lý kịp thời những điểm nóng trong hoạt động khai thác khoáng sản; khai thác, vận chuyển trái phép cát sỏi lòng sông. Trong năm 2024, phòng chức năng của Sở TN&MT đã phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản theo kế hoạch đối với 26 đơn vị trên địa bàn tỉnh; 27 cuộc kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của UBND tỉnh, 4 thông tin phản ánh của báo chí, người dân. Qua kiểm tra xử phạt 26 đơn vị có hành vi vi phạm Luật Khoáng sản với số tiền gần 3,3 tỷ đồng.

Công tác BVMT cũng được triển khai, thực hiện có hiệu quả. Theo Chi cục trưởng Chi cục BVMT (Sở TN&MT) Nguyễn Thị Minh Huệ, trong năm 2024 chi cục phối hợp với đơn vị chức năng tổ chức thẩm định cấp giấy phép môi trường đối với 121 dự án, cơ sở, tăng 33,88% so với cùng kỳ; thẩm định 120 báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát môi trường tại nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đáng chú ý là kiểm tra, xử lý tình trạng xả nước thải gây ô nhiễm nguồn nước tại trang trại chăn nuôi Tâm Việt (xã Bãi Trành, Như Xuân); tình trạng phát sinh mùi hôi của trang trại chăn nuôi Dabaco tại xã Thạch Tượng, Thạch Lâm (Thạch Thành); kiểm tra, xử lý tình trạng phát sinh mùi hôi từ trang trại nuôi lợn của Công ty CP đầu tư nông nghiệp Agri - Vina trên địa bàn xã Tân Phúc (Lanh Chánh)...

Tuy nhiên, ghi nhận từ thực tiễn cũng như qua đánh giá của ngành chức năng cho thấy, bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý tài nguyên và BVMT trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục. Một trong những hạn chế đã được ngành chỉ rõ đó là công tác quản lý Nhà nước về đất đai, việc lấn chiếm đất, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp xảy ra ở một số địa phương nhưng chưa được xử lý triệt để; thời gian giải quyết việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với một số tổ chức, hộ gia đình cá nhân còn chậm so với quy định để người dân phản ánh, kiến nghị. Tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất, chăn nuôi còn xảy ra ở một số địa phương, doanh nghiệp; tiến độ triển khai các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn chậm. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép nhất là cát, sỏi lòng sông, đất san lấp vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nhiều khu xử lý rác thải đang quá tải gây khó khăn cho công tác quản lý và xử lý rác thải... Những tồn tại, hạn chế này đòi hỏi sự chỉ đạo, điều hành cụ thể, sát sao hơn nữa của ngành chức năng; sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm và hành động quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành, doanh nghiệp cũng như sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân.

Bài và ảnh: Phong Sắc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/quan-ly-su-dung-hieu-qua-nguon-tai-nguyen-va-bao-ve-moi-truong-238713.htm