Quản lý theo mục tiêu, không quản lý cách làm
Ví Nghị quyết 57-NQ/TW như 'khoán 10' cho nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, 'Khoán 10' là để thoát nghèo, Nghị quyết 57-NQ/TW là để thoát bẫy thu nhập trung bình. Khoán 10 là giải phóng sức lao động, Nghị quyết 57 - NQ/TW là giải phóng sức sáng tạo. Tinh thần chung của hai chủ trương này đều là quản lý theo mục tiêu, không quản cách làm, là trao quyền tự chủ và trách nhiệm cho người làm, chấp nhận rủi ro và đánh giá dựa trên hiệu quả tổng thể, người làm được hưởng lợi từ thành quả lao động và sáng tạo.
Trao quyền tự chủ, chấp nhận rủi ro, đánh giá dựa trên hiệu quả tổng thể
Tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 6, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định, Nghị quyết 57-NQ/TW là Nghị quyết chuyên đề đặc biệt quan trọng về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, với nhiều quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp lớn có tính cách mạng, giống như Nghị quyết 10-NQ/TW năm 1988 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (Khoán 10), nhưng lần này là cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
“Với Nghị quyết này, từ chỗ thiếu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chúng ta sẽ tiến tới đủ, thừa, xuất khẩu và xuất khẩu lớn về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giống như chúng ta đã làm được đối với nông nghiệp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, "Nghị quyết Khoán 10 là để thoát nghèo, Nghị quyết 57-NQ/TW là để thoát bẫy thu nhập trung bình. Nghị quyết Khoán 10 là giải phóng sức lao động, Nghị quyết 57 – NQ/TW là giải phóng sự sáng tạo. Tinh thần chung của cả hai Nghị quyết là quản lý theo mục tiêu, không quản cách làm, là trao quyền tự chủ và trách nhiệm cho người làm, chấp nhận rủi ro và đánh giá dựa trên hiệu quả tổng thể, người làm được hưởng lợi từ thành quả lao động và sáng tạo".
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), Thiếu tướng Tào Đức Thắng cho rằng, Nghị quyết 57-NQ/TW đã đưa ra những mục tiêu rất cụ thể, rõ ràng, giải pháp thực hiện đầy đủ, toàn diện và có những chính sách đột phá để tháo gỡ những điểm nghẽn làm hạn chế sự phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo thời gian vừa qua. Điển hình như cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới; cơ chế đặc biệt trong nghiên cứu, tiếp cận, mua các bí mật công nghệ tiên tiến của nước ngoài; cơ chế đặc thù thu hút nhân tài về Việt Nam làm việc; thành lập quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược…
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, PGS. TS Nguyễn Thị Hoài Lê, Nghị quyết 57 - NQ/TW thực sự đã truyền nguồn cảm hứng mới, động năng mới để không chỉ các nhà khoa học mà cả những bạn trẻ yêu thích khoa học yên tâm theo đuổi đam mê nghiên cứu. Nghị quyết đã tạo ra một hệ sinh thái hoàn chỉnh, nơi nghiên cứu khoa học không chỉ dừng lại ở việc tạo ra tri thức, mà còn được chuyển hóa thành công nghệ, ứng dụng thực tiễn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và xây dựng hạ tầng dữ liệu lớn phục vụ nền kinh tế số.
Tạo thị trường cạnh tranh hiệu quả, công bằng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Nghị quyết 57 - NQ/TW đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Lê đánh giá, những nội dung này rất "trúng và đúng", không chỉ bao phủ hết các vấn đề căn cốt để thay đổi từ tư duy, nhận thức đến hành động của tất cả các bên có liên quan mà còn tạo ra các yếu tố đột phá.
“Đặc biệt, việc Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cho thấy xu hướng chuyển mình của đất nước, là thời cơ, vận hội mới cho các nhà khoa học, giúp họ yên tâm theo đuổi đam mê nghiên cứu và sáng tạo, cống hiến cho đất nước", PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Lê nói.
Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) Tô Dũng Thái cũng chia sẻ, thực hiện các nội dung trong Nghị quyết số 57-NQ/TW không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp công nghệ như VNPT khẳng định vị thế, thực sự trở thành những trụ cột chính trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam tiến lên tầm cao mới trên bản đồ công nghệ thế giới.
Để Nghị quyết 57- NQ/TW đi vào cuộc sống một cách hiệu quả và kịp thời, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Lê đề xuất, Nhà nước cần nhanh chóng chỉnh sửa, ban hành các chính sách, quy định phù hợp thực tiễn để tạo thể chế, thị trường cạnh tranh hiệu quả, công bằng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Cùng với đó, cần có kế hoạch cụ thể để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân tài khoa học, công nghệ. Các doanh nghiệp cần không chỉ trở thành nhà tài trợ, mà còn là người đặt hàng, tham gia đánh giá, làm giàu thêm giá trị các sản phẩm; tiếp nhận và chuyển giao các kết quả của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vào sản xuất.
PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Lê nêu rõ, khi Nghị quyết 57 - NQ/TW được triển khai rộng rãi, các nhà khoa học sẽ có quyền chủ động điều chỉnh nội dung, phương pháp nghiên cứu nhằm đạt được những mục tiêu cuối cùng. Đây chính là bước tiến quan trọng giúp khoa học, công nghệ phát triển linh hoạt hơn trong kỷ nguyên mới.
Trước yêu cầu và cơ hội từ Nghị quyết 57 - NQ/TW, đội ngũ trí thức, nhà khoa học cũng cần thấy rõ hơn trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp phát triển đất nước trong tình hình mới hiện nay.