Quản lý thị trường vàng: Thách thức từ hai mục tiêu mâu thuẫn

'Minh bạch thị trường sẽ tiết giảm nguồn cung, trong khi muốn ổn định thị trường vàng, cần phải tăng nguồn cung. Vì vậy, nếu ưu tiên bình ổn thị trường vàng, việc minh bạch thị trường là vấn đề phải được giải quyết sau', PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TPHCM, trao đổi với Tạp chí Kinh tế Sài Gòn.

Ổn định trước hay minh bạch trước?

KTSG: Dù nằm trong lộ trình chung về thanh toán không dùng tiền mặt, đề xuất cấm mua bán vàng bằng tiền mặt vừa được đưa ra đã vấp phải nhiều ý kiến phản bác từ người dân, đặc biệt là giới chuyên môn. Ông bình luận như thế nào về điều này? Phải chăng cần tiếp cận theo một hướng khác để giải bài toán biến động trên thị trường vàng hiện nay?

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân: Tôi cho rằng, cách tiếp cận của các nhà quản lý về vấn đề thị trường vàng chưa thật sự phù hợp. Hai mục tiêu, một là bình ổn thị trường vàng, hai là minh bạch thị trường vàng đang được đặt ra song song, dường như với hàm ý minh bạch, chống đầu cơ, thổi giá, thao túng… là giải pháp để bình ổn thị trường vàng. Xem xét cách vận hành thực tế của thị trường vàng ở nước ta, hai mục tiêu nêu trên về bản chất đang mâu thuẫn nhau.

Chúng ta đều biết, từ năm 2012 tới nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cơ quan duy nhất có quyền nhập khẩu vàng chính ngạch đã không thực hiện nhập khẩu vàng. Vậy nhưng, theo báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới (World Gold Council), năm 2023, Việt Nam tiêu thụ 55,5 tấn vàng, giảm hơn so với mức 59,1 tấn vàng vào năm 2022. Dù mức tiêu thụ nêu trên một phần lớn dựa trên việc mua đi bán lại vàng tại thị trường nội địa, một lượng vàng lậu vẫn vào Việt Nam thông qua đường tiểu ngạch và một số lượng nhất định cửa hàng vàng đã từng liên quan tới vấn đề vàng lậu này.

Chính vì thế, động thái minh bạch thị trường, giám sát việc mua bán, kiểm soát nguồn gốc vàng… khiến các cửa hàng vàng e dè, phải đóng cửa dừng kinh doanh, hoặc kinh doanh nhỏ giọt, chỉ bán cho khách quen, khách hẹn trước…, đồng nghĩa làm giảm nguồn cung vàng trên thị trường, trái ngược với việc phải tăng nguồn cung để đạt mục tiêu bình ổn thị trường.

Đã vậy, với nguồn cung bổ sung thứ hai là vàng trong dân, khi giá vàng liên tục tăng, trừ những trường hợp cần kíp, ít người muốn bán vàng ra. Tại các cửa hàng vẫn đang hoạt động kinh doanh bình thường, do nguồn cung từ vàng trong dân và vàng nhập khẩu đều hạn chế, dù còn vàng trong kho, họ chỉ bán nhỏ giọt, tích trữ lại chờ giá tăng cao hơn mới bán để đạt được mức lợi nhuận tối đa. Các doanh nghiệp vàng lớn đưa ra các quy định về số lượng vàng mỗi người dân được mua vào, số lượng vàng doanh nghiệp bán ra trong ngày… Những yếu tố như vậy càng đẩy cao tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) của người dân, họ xếp hàng, chờ đợi để mua vàng và mua với bất cứ giá nào.

Minh bạch thị trường vàng, trong đó có việc tiến tới giao dịch vàng không sử dụng tiền mặt là cần thiết nhưng trong điều kiện thị trường vàng của Việt Nam hiện tại, nên tách bạch rõ ràng hai mục tiêu. Nếu chúng ta tập trung vào việc bình ổn thị trường vàng, mục tiêu minh bạch thị trường nên đặt ở ưu tiên số hai.

KTSG: Tính tới ngày 10-5-2024, NHNN đã tổ chức năm phiên đầu thấu vàng, chỉ có hai phiên có giao dịch, mỗi phiên 3.400 lượng, tương đương 20% lượng vàng đấu thầu của phiên, nghĩa là doanh nghiệp không hề mặn mà đấu thầu vàng. Thưa ông, điều này có phải là nghịch lý bởi nếu giá vàng vẫn trên đà tăng, doanh nghiệp sở hữu thêm vàng sẽ có cơ hội mở rộng tập khách hàng, tăng lợi nhuận?

– Đó là vì doanh nghiệp sợ rủi ro. Giá vàng tại thị trường trong nước đang chênh lệch hàng chục triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới. Bên cạnh đó, những sự điều chỉnh, thay đổi về chính sách có thể tác động ngay lập tức, làm giảm sức mua và mức giá trên thị trường. Nếu tham gia đấu thầu vàng, khi giá vàng quay đầu giảm, doanh nghiệp bán không kịp có thể phải chịu mức thua lỗ rất lớn.

Từ chiều ngược lại, NHNN có thể giảm mức giá khởi điểm trong các phiên đấu thầu vàng sắp tới, như vậy, doanh nghiệp sẽ tham gia nhiều hơn, cung vàng cho thị trường sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp này, rủi ro lại nghiêng về phía NHNN. Có thể NHNN sẽ rơi vào tình huống bán vàng với giá thấp rồi sau đó phải nhập với giá cao. Vì thế, các phiên đấu thầu vàng chưa mang lại tác động tích cực giúp điều chỉnh thị trường.

Khi nào nên nhập khẩu vàng?

KTSG: Vậy nếu muốn bình ổn thị trường vàng, giải pháp khả thi nhất hiện nay là gì, theo ông?

– Nhập khẩu vàng chính ngạch sẽ giải quyết được vấn đề thiếu hụt nguồn cung nhưng NHNN phải chi ra một lượng ngoại tệ có thể chừng 1-2 tỉ đô la Mỹ cho mục đích này. Chỉ có điều, NHNN đã phải dùng các biện pháp can thiệp để ổn định tỷ giá, nếu nhập khẩu vàng, áp lực lên tỷ giá càng tăng và điều này có thể tác động tới các cân đối vĩ mô quan trọng khác. Việc dùng dự trữ ngoại hối để nhập khẩu vàng không hợp lý, bởi suy cho cùng, vàng không phải là hàng hóa thiết yếu của nền kinh tế.

Vậy nhưng vẫn tồn tại một mâu thuẫn khác là dù không cho nhập khẩu vàng chính ngạch, chúng ta cũng không thể chặn hoàn toàn vàng lậu qua đường tiểu ngạch. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới càng cao, tình trạng vàng lậu càng phức tạp và một lượng ngoại tệ nhất định vẫn chảy qua biên giới, tác động lên tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng trên thị trường phi chính thức.

Theo tôi, NHNN vẫn buộc phải nhập khẩu một lượng vàng đủ để ổn định thị trường. Điều này chỉ xảy ra khi cán cân thanh toán thặng dư tương đối tốt và áp lực tỷ giá được giảm bớt. Còn trong thời điểm này, chúng ta vẫn phải dựa vào các phiên đấu thầu vàng để giảm nhiệt cho thị trường.

Trên thế giới, trong những giai đoạn đặc biệt của nền kinh tế, các nhà quản lý quốc gia đã đưa ra các biện pháp hạn chế người dân sở hữu vàng nguyên chất. Tại Anh, vào năm 1966, đồng bảng Anh lao dốc và các nhà đầu tư chuyển sang trú ẩn vào vàng, tạo nên những nguy cơ cho nền kinh tế.

Điều đó khiến các nhà quản lý đưa ra một số sửa đổi về luật, giới hạn lượng vàng người dân có thể được nắm giữ. Hạn chế này bị xóa bỏ vào năm 1971. Đạo luật kiểm soát vàng năm 1965 của Ấn Độ cấm công dân sở hữu vàng miếng và tiền xu nhưng được bãi bỏ vào năm 1990. Cá biệt nhất, Mỹ từng cấm người dân không được sở hữu vàng nguyên chất trong giai đoạn từ năm 1933-1971.

Nói như vậy để thấy, không quốc gia nào không muốn hạn chế việc đầu tư tích trữ vàng và ở những thời điểm nhất định, họ có thể đưa ra các biện pháp có tính cực đoan. Việt Nam có thể nghiên cứu, rút kinh nghiệm để lựa chọn biện pháp tối ưu phù hợp với điều kiện thực tế để ổn định thị trường, đồng thời hạn chế việc người dân đầu tư vào vàng, tiêu tốn nguồn lực của nền kinh tế. Chẳng hạn, thay vì tích trữ vàng miếng, có thể thiết lập và hướng người dân đầu tư sang quỹ đầu tư vàng ETFs dưới sự quản lý trực tiếp của NHNN. Các chứng chỉ vàng được phát hành thay cho vàng vật chất và NHNN là đơn vị phát hành, đảm bảo việc giao dịch, mua bán các chứng chỉ vàng này thông suốt tại các địa điểm được NHNN chỉ định.

Giao dịch vàng không tiền mặt và vạch đích xa hơn

KTSG: Trở lại với câu chuyện minh bạch thị trường vàng, như ông đã nói, cần tiến tới thanh toán không dùng tiền mặt cho các giao dịch mua bán vàng, vậy nên hình dung về lộ trình này như thế nào?

– Việc minh bạch thị trường nên thực hiện khi giá vàng đã tương đối ổn định. Bên cạnh đó, các nhà quản lý phải chuẩn bị tâm lý cho người dân trước khi đưa ra các chính sách, quy định cụ thể.

Chúng ta đã có Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 với các mục tiêu rất cụ thể. Trong đề án giai đoạn 2025-2030, có thể đặt mục tiêu giao dịch không dùng tiền mặt đối với vàng và một số hàng hóa có tính chất nhạy cảm ở một mức độ nào đó. Quan trọng là người dân và thị trường phải nắm được thông tin và lộ trình thực hiện, để họ tự xây dựng những kỳ vọng hợp lý, tránh việc đưa ra quy định rồi áp dụng ngay hoặc đưa ra đề xuất kiểu mập mờ, khiến dư luận và thị trường phản ứng.

Hoàng Hạnh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/quan-ly-thi-truong-vang-thach-thuc-tu-hai-muc-tieu-mau-thuan/