Triển khai hóa đơn điện tử giúp minh bạch và quản lý hiệu quả thị trường vàng

Việc triển khai hóa đơn điện tử đồng loạt đối với hoạt động kinh doanh, mua bán vàng từ 15/6 được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao tính minh bạch và quản lý hiệu quả thị trường vàng.

Không tuân thủ, sẽ rút giấy phép từ ngày 15/6

Trước những biến động của thị trường vàng trong nước thời gian gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã liên tục có các chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ngành liên quan cần tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý, điều hành và bình ổn thị trường, đảm bảo kịp thời, hiệu quả hơn nữa.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế, trong đó có giải pháp truyền thông phù hợp, tăng cường thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm các sai phạm.

Bên cạnh mục tiêu kéo giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế, thì trong chỉ đạo mới của Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu rõ, phải hoàn tất việc triển khai hóa đơn điện tử, kết nối với cơ quan thuế theo từng lần trong hoạt động kinh doanh, mua bán vàng. Nếu đến ngày 15/6, đơn vị nào không thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong mua bán vàng sẽ bị rút giấy phép.

 Việc triển khai hóa đơn điện tử với hoạt động kinh doanh, mua bán vàng được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao tính minh bạch và quản lý hiệu quả thị trường vàng.

Việc triển khai hóa đơn điện tử với hoạt động kinh doanh, mua bán vàng được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao tính minh bạch và quản lý hiệu quả thị trường vàng.

Ngoài ra, tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị định số 24/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Ngày 17/5, NHNN đã ban hành Quyết định số 324/QĐ - TTGSNH2 thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vàng, gồm các nội dung: Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; Thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền; Thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ; về kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế.

Nội dung của Quyết định nêu rõ, thời kỳ thanh tra từ ngày 01/01/2020 đến ngày 15/5/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên. Đoàn thanh tra có sự tham gia của đại diện Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương. Thời gian thanh tra 45 ngày. Đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra theo đúng quy định của Luật thanh tra và các qui định có liên quan.

Nâng cao tính minh bạch và quản lý hiệu quả thị trường vàng

Thay vì có doanh nghiệp thì cấp hóa đơn điện tử, có doanh nghiệp thì cung cấp chứng chỉ tự phát hành như hiện nay, việc triển khai hóa đơn điện tử đồng loạt đối với hoạt động kinh doanh, mua bán vàng từ 15/6 được kỳ vọng, sẽ giúp nâng cao tính minh bạch của thị trường này.

Chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được - Tổng GĐ Công ty TNHH Kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín cho biết: "Yêu cầu tất cả các cơ sở kinh doanh vàng phải thực hiện xuất hóa đơn điện tử theo đúng quy định không chỉ làm minh bạch cho nền kinh tế, đồng thời giúp cho cơ quan chuyên môn cũng như cơ quan thuế và cơ quan nhà nước quản lý được các giao dịch vàng, từ đó giúp hoạch định chính sách vĩ mô. Đồng thời giúp cơ quan thuế quản lý và thu thuế được tốt hơn, tạo sự minh bạch đối với nền kinh tế, tránh tình trạng trốn thuế, không xuất hóa đơn, tạo sự bất bình đẳng trong nghĩa vụ thuế".

Theo Tổng cục Thuế, cả nước hiện đã có hơn hơn 5.800 cơ sở kinh doanh vàng bạc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử. Tuy nhiên chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn, còn đối với các địa phương, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, các chuyên gia cho rằng nên có lộ trình phù hợp, và có sự hỗ trợ từ cơ quan thuế cho việc triển khai hóa đơn điện tử với các cơ sở kinh doanh vàng.

Luật sư Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM (HUBA), cũng cnhận định, việc áp dụng hóa đơn điện tử với hoạt động kinh doanh vàng mang lại nhiều lợi ích về mặt quản lý nhà nước, với doanh nghiệp, với người tiêu dùng, đặc biệt là chống được nhập lậu vàng.

Theo ông Hưng, về tình trạng đầu vào của vàng, ngoài nhập chính ngạch thì vàng nhập lậu rất nhiều, đầu vào không rõ thì đầu ra cũng sẽ bán mập mờ. Như vậy, có hóa đơn điện tử, bắt buộc đơn vị bán phải xuất hóa đơn đầu ra. Theo đó, sẽ hạn chế được việc buôn lậu vàng, vì buôn lậu thì làm gì có đầu vào để hợp thức hóa.

Với doanh nghiệp, việc buôn bán dùng hóa đơn điện tử sẽ đóng thuế đàng hoàng. Thuế qua vàng buôn bán với khối lượng lớn nhưng cơ sở kinh doanh né thuế nhiều. Do đó, có hóa đơn điện tử bắt buộc đơn vị kinh doanh vàng phải khai báo thuế. Như vậy, nhà nước không bị thất thu thuế qua hoạt động kinh doanh vàng. Còn với người mua. Khi cần bán lại sản phẩm vàng, nếu có hóa đơn điện tử kèm theo sẽ chứng minh được nguồn gốc sản phẩm, tránh được việc bị “ép” tuổi vàng. Có hóa đơn, người mua cũng bảo vệ được quyền lợi của mình khi giao dịch.

Người mua vàng cần chủ động yêu cầu xuất hóa đơn

Một điều quan trọng không kém là cần tuyên truyền để người dân ý thức được khi mua vàng cần yêu cầu phía bán xuất hóa đơn, điều này cũng nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.

"Nếu triển khai đồng bộ thì nó sẽ phản ánh đúng được là mỗi một doanh nghiệp bán như thế nào ra thị trường, tạo 1 cái minh bạch trên thị trường vàng. Và cái lớn nhất nữa khi xuất hóa đơn điện tử thì mỗi doanh nghiệp phải có trách nhiệm về nguồn hàng hóa, chất lượng hàng hóa bán ra. Và như vậy sẽ bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng", bà Lê Thúy Hằng - Tổng Giám đốc SJC chia sẻ.

Hiện nay, tại một số của hàng vàng bạc đá quý của các thương hiệu lớn, khách hàng mua vàng miếng, vàng nhẫn hay vàng trang sức đã được cung cấp hóa đơn điện tử. Sau khi lựa chọn vàng, khách hàng được đưa đến quầy thanh toán và được yêu cầu các thông tin cần thiết như tên, số điện thoại để cửa hàng xuất hóa đơn. Khách hàng sẽ nhận hóa đơn trực tiếp từ nhân viên thu ngân hoặc sẽ được gửi về email.

Tuy vậy, nhiều cửa hàng kinh doanh vàng việc xuất hóa đơn vẫn đang trong quá trình tiếp cận hoặc chỉ xuất hóa đơn bán vàng khi khách hàng yêu cầu. Nhiều cơ sở kinh doanh, chế tác vàng nhỏ lẻ vẫn áp dụng việc ghi giấy tay, giấy đảm bảo.

Theo chủ các cửa hàng này, vàng trang sức của cửa hàng chủ yếu là vàng mua đi bán lại bán trong dân để chế tác vì thế, dù muốn thực hiện nghiêm quy định xuất hóa đơn để cửa hàng hoạt động theo đúng quy định về việc triển khai hóa đơn điện tử khi mua bán vàng nhưng vẫn đang gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Tp.HCM cho rằng, cái khó lớn nhất của một số doanh nghiệp hiện nay vẫn là liên quan đến chứng từ về nguồn gốc xuất xứ vàng. Vì kể từ khi Nghị định 24 ra đời từ năm 2024 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và nữ trang vàng nên buộc doanh nghiệp mua vàng trôi nổi trên thị trường, nhưng đến nay phải hoàn thiện chứng từ thì cần thiết có sự hướng dẫn của cơ quan thuế mới có thể đồng bộ được.

Mai Anh

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/trien-khai-hoa-don-dien-tu-giup-minh-bach-va-quan-ly-hieu-qua-thi-truong-vang-d49019.html