Quản lý thuốc lá mới nhìn từ quyền lợi của người tiêu dùng

Cấm hay quản lý thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác có thể vẫn là chủ đề thảo luận giữa các bộ ngành, cho đến khi chính sách quản lý các sản phẩm này được ban hành.

Thảo luận về chính sách quản lý phù hợp đối với các sản phẩm thuốc lá mới, tại hội thảo “Nghiên cứu khoa học về giải pháp không khói để hỗ trợ quản lý thuốc lá” ngày 1/8, ông Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, cho rằng: “Chúng ta nên cân nhắc dựa trên quan điểm: thứ nhất là bảo vệ sức khỏe cho những người chưa nghiện để không bị nghiện; thứ hai phải tính đến hơn chục triệu người đang nghiện, để họ được quyền tiếp cận những giải pháp có thể giảm độc hại hơn, tốt hơn cho sức khỏe của họ”.

Cần quan tâm tìm giải pháp mới bảo vệ người dùng

Cũng tại hội thảo trên, bà Nguyễn Quỳnh Liên - Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nêu quan điểm: “Đứng về phía người dân, tôi cho rằng đây là một nhu cầu của xã hội. Trong khi chúng ta còn tranh luận cấm hay không thì thực tế ngoài thị trường người dân vẫn đang sử dụng”.

Thực tế, tại hai thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM, không khó để tìm mua thuốc lá mới. Phản hồi về việc nếu thuốc lá nung nóng hoặc các sản phẩm thuốc lá mới khác bị cấm, anh H.D. (38 tuổi, Hà Nội) cũng là người sử dụng sản phẩm ngay từ những ngày đầu cho biết: “Với thị trường hiện nay thì cấm hay không cấm cũng như nhau. Dù sắp tới có cấm thật, vẫn có nguồn mua các sản phẩm xách tay từ các nước chuyển về”. Theo anh D., lệnh cấm đang được đề xuất cũng không bao gồm việc cấm sử dụng, nên có thể sẽ không ảnh hưởng đến người sử dụng thuốc lá mới như anh.

Tại các diễn đàn, mạng xã hội, vấn đề về thuốc lá mới cũng đang thu hút nhiều ý kiến của cộng đồng mạng. Anh T.N. (42 tuổi, TP.HCM) thừa nhận, người hút thuốc nào cũng biết rõ, bất kể sản phẩm thuốc lá nào cũng có hại. Cũng theo anh N., về mặt khoa học, thuốc lá nung nóng mà anh đang dùng chưa biết sẽ giảm hại hay không, tuy nhiên rõ ràng mức độ “sạch sẽ” của loại này hơn hẳn so với thuốc lá truyền thống vì không có tàn thuốc, lại không có mùi khói gây khó chịu cho người xung quanh.

Trong khi đó, về mặt y khoa, tại hội thảo nêu trên, PGS.TS.BS. Trần Khánh Toàn, Giảng viên cao cấp Bộ môn Y học Gia đình, Trường Đại học Y Hà Nội cũng khẳng định, trong mọi trường hợp thì không nên hút thuốc lá, nếu đã hút thì cai thuốc hoàn toàn là lựa chọn tối ưu. Bởi bất kỳ loại thuốc lá nào cũng gây hại.

So sánh giữa các loại sản phẩm, PGS. Toàn phân tích, với thuốc lá điếu truyền thống, sản phẩm này hoạt động theo nguyên lý đốt cháy điếu thuốc, tạo ra hơn 8.000 hợp chất gây hại. Trong khi đó, nhờ loại bỏ quá trình đốt cháy này, thuốc lá nung nóng giảm được nhiệt độ, giảm được thành phần và nồng độ của các chất độc hại, dẫn đến kỳ vọng là có thể giảm tác hại lên sức khỏe của người dùng.

“Chúng tôi đã tiến hành một nghiên cứu tổng quan hệ thống và phân tích gộp - là nghiên cứu có giá trị bằng chứng cao nhất - nhằm tổng hợp lại kết quả của các nghiên cứu cập nhật trên thế giới có so sánh độc tính của thuốc lá nung nóng so với thuốc lá truyền thống, thông qua phân tích các chỉ điểm sinh học phơi nhiễm. Kết luận từ nghiên cứu này cho thấy: Độc tính của thuốc lá nung nóng, đánh giá thông qua các chỉ điểm sinh học phơi nhiễm, giảm đáng kể so với thuốc lá truyền thống”, PGS. Toàn dẫn thông tin nghiên cứu.

 PGS.TS.BS Trần Khánh Toàn

PGS.TS.BS Trần Khánh Toàn

Cơ chế nào để quản lý phù hợp?

Theo các đại biểu tại hội thảo trên, cân nhắc hướng tiếp cận có tính đến những người sử dụng là điều cần làm. Theo đó, bà Nguyễn Quỳnh Liên kiến nghị cần quản lý chặt chẽ, có định hướng, lấy người dùng làm trung tâm, hướng đến mục tiêu bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người dùng.

 Bà Nguyễn Quỳnh Liên đánh giá cao nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm. (Ảnh: PLVN)

Bà Nguyễn Quỳnh Liên đánh giá cao nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm. (Ảnh: PLVN)

Các ý kiến cho rằng cần xem xét nghiên cứu thực tiễn từ quốc tế so với thực trạng Việt Nam hiện nay, tham khảo dữ liệu từ các quốc gia đã cho phép lưu hành thuốc lá mới dưới sự kiểm soát của pháp luật.

Được biết, từ năm 2019, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cho phép lưu hành một sản phẩm thuốc lá nung nóng. TS. Matthew Farrelly , Giám đốc Vụ Khoa học, Trung tâm Sản phẩm Thuốc lá (CTP) của FDA khẳng định: “Chúng tôi có bằng chứng về lợi ích đối với người trưởng thành hút thuốc lá khi chuyển đổi hoàn toàn sang sản phẩm giảm thiểu tác hại này là lớn hơn so với nguy cơ đối với giới trẻ."

Trở lại tình hình trong nước, trong số 10 quốc gia khối ASEAN, hiện chỉ còn Việt Nam là chưa quyết định chính sách, khung pháp lý đối với các sản phẩm thuốc lá mới.

Trong khu vực, tuy một số nước vẫn còn áp dụng lệnh cấm như Thái Lan, nhưng từ 2023, Quốc hội nước này đã thành lập Ủy ban Đặc biệt để nghiên cứu và đề xuất chính sách mới sau khi nhìn nhận lệnh cấm trong 10 năm qua là chưa hiệu quả. Theo đó, Ủy ban này đang đề xuất 3 phương án thay thế: điều chỉnh tất cả các luật và quy định liên quan để hình sự hóa hành vi sử dụng thuốc lá mới; cho phép hợp pháp hóa riêng thuốc lá nung nóng như là một sản phẩm thuốc lá; hoặc áp dụng biện pháp quản lý chặt chẽ đối với cả thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử. Dự kiến Quốc hội Thái Lan sẽ có quyết định chính sách mới vào cuối năm nay.

Dữ liệu thực tiễn cho thấy, việc thống nhất khung pháp lý cho các loại thuốc lá mới trở thành vấn đề cấp thiết trước nhu cầu hiện hữu của người dùng, nhằm mục tiêu tiên quyết là bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tạo cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm ngặt thị trường hàng lậu…

P.V

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/quan-ly-thuoc-la-moi-nhin-tu-quyen-loi-cua-nguoi-tieu-dung-post1665618.tpo