Quản lý tiền công đức và 'ba-rem' điều chỉnh

Thông thường, quản lý tiền công đức vốn là vấn đề có tính phức tạp, nhạy cảm và câu chuyện này thường được dư luận xã hội quan tâm, nhất là qua công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, tại một số di tích là cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo không phải là không có tình trạng quản lý tiền công đức chưa đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định dẫn đến những 'lùm xùm' không đáng có, thậm chí xảy ra hiện tượng kiện cáo, đơn thư. Vì thế, các cấp chính quyền, ngành chức năng, nhà quản lý đã có những động thái tích cực, kịp thời nhằm ngăn ngừa, điều chỉnh, đưa công tác quản lý tiền công đức đi đúng 'quỹ đạo' của nó, không để xảy ra dư luận xấu, gây hiểu lầm, suy diễn trong xã hội.

Từ nguồn công đức, xã hội hóa sẽ góp phần tạo thêm nguồn lực, tu bổ, tôn tạo khang trang các di tích.

Đơn cử, theo đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, những năm qua, từ công tác thanh tra, kiểm tra đã xuất hiện tình trạng tu bổ di tích bằng nguồn vốn xã hội hóa ở một số địa phương vẫn còn biểu hiện chưa chặt chẽ trong quản lý, những vi phạm trong hoạt động tu bổ di tích thường bắt nguồn từ sự hiểu biết chưa thấu đáo của chính quyền, người dân sở tại, một số nơi trụ trì đền, chùa, đơn vị thi công muốn di tích được “xứng tầm”, “hoành tráng” hoặc vì mục đích nào đó nên dễ xảy ra những việc làm nóng vội, chủ quan. Cùng với đó, một số di tích được đầu tư bằng nguồn vốn của địa phương, nguồn công đức, xã hội hóa được triển khai thực hiện theo quy trình, thủ tục chưa đảm bảo.

Gần đây, câu chuyện quản lý tiền công đức lại có dịp được nhắc tới nhiều, đặc biệt là khi người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có kế hoạch kiểm tra tổng thể vấn đề quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình, chùa trên phạm vi toàn quốc, thí điểm từ tỉnh Quảng Ninh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2023. Còn nhớ, ngược chiều thời gian, liên quan đến vấn đề này, từ tháng 2/2015, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 41-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, trong đó yêu cầu khắc phục tình trạng đặt hòm công đức, đặt tiền lễ tùy tiện, việc quản lý, sử dụng tiền công đức phải công khai, minh bạch, phục vụ tốt công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích và tổ chức lễ hội.

Bởi vậy, trong tổng hòa động thái thích hợp từ phía các bộ, ngành chức năng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản đề nghị Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, các bộ, ngành liên quan sớm nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành văn bản pháp luật về tài chính và tôn giáo tín ngưỡng. Cùng chung hệ quy chiếu, cuối trung tuần tháng 1 năm nay, Bộ Tài chính đã có Thông tư số 04/2023/TT-BTC (Thông tư 04) hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội với những quy định chi tiết, cụ thể, làm căn cứ để triển khai thực hiện công khai, minh bạch, hiệu quả, tạo “ba-rem”, cách làm thống nhất trong phạm vi toàn quốc, không để xảy ra tình trạng “vận hành cơ chế” tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức không chặt chẽ, không đúng quy định, “mạnh ai nấy làm”, mỗi địa phương, di tích là cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng lại có cách làm khác nhau, dễ dẫn đến những suy luận trái chiều trong xã hội.

Việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức trên địa bàn tỉnh ngày càng đảm bảo nền nếp, công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng quy định.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, có hiệu lực từ ngày 19/3/2023, Thông tư 04 quy định cụ thể về việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội; quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, nhất là việc tiếp nhận tiền công đức, tài trợ; quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng; quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích thuộc sở hữu tư nhân; quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng; quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích giao cho Ban quản lý di tích kiêm nhiệm quản lý, sử dụng. Cũng theo Thứ trưởng, Thông tư còn quy định cụ thể nội dung chi, mức chi bảo vệ và phát huy giá trị di tích; quản lý, sử dụng kinh phí tu bổ, phục hồi di tích...Đáng chú ý là, việc tiếp nhận tiền công đức, tài trợ phải mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử; khi tiếp nhận tiền mặt phải cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận, đối với tiền trong hòm công đức (nếu có) định kỳ hàng ngày hoặc hàng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận; đối với các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định, không phù hợp với nếp sống văn minh tại di tích được thu gom, kiểm đếm hoặc bỏ vào hòm công đức để kiểm đếm chung. Đối với số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng phải gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để đảm bảo việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội đã tiếp nhận...

Ở tỉnh ta, nhằm tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội, UBND tỉnh đã có văn bản giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan, đơn vị khẩn trương rà soát các văn bản quy định của địa phương liên quan đến quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội để trình UBND tỉnh ban hành Quyết định mới hoặc Quyết định sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định Thông tư 04 của Bộ Tài chính. Từ “chỉ lệnh” trên, Sở Tài chính cũng đã kịp thời có công văn đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản gửi UBND các huyện, thành, thị rà soát danh sách các di tích trên địa bàn tỉnh thuộc phạm vi điều chỉnh tại Điều 1, đối tượng áp dụng tại Điều 2 của Thông tư; rà soát hệ thống văn bản liên quan về thu, chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội, quản lý tiền công đức, tài trợ đối với các di tích đã tổng hợp nêu trên đang áp dụng thực hiện, cấp ban hành văn bản thực hiện; đề xuất các di tích cần ban hành Quyết định mới hoặc Quyết định sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định Thông tư 04 của Bộ Tài chính.

Trên một bình diện khác, Sở Tài chính cũng đề nghị Khu Di tích lịch sử Đền Hùng rà soát các quy định của Thông tư 04 với Quyết định số 21/2021/QĐ-UBND ngày 21/12/2021 của UBND tỉnh về việc Quyết định quy định cơ chế quản lý tài chính của Khu Di tích lịch sử Đền Hùng để đề xuất việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành Quyết định mới phù hợp với quy định Thông tư 04 của Bộ Tài chính... Rõ ràng, với những động thái tích cực, đồng bộ kể trên, việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Phú Thọ nói riêng sẽ càng thêm đi vào nền nếp, đúng “quỹ đạo”, đúng quy định hiện hành, công khai, minh bạch và hiệu quả.

Theo thống kê bước đầu, hiện nay trên cả nước có 123 di tích Quốc gia đặc biệt được Thủ tướng xếp hạng; 3.591 di tích Quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao vaà Du lịch xếp hạng; hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố được UBND các tỉnh, thành phố xếp hạng; có trên 40.000 di tích đã được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa...

Tiến Dũng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//van-de-hom-nay/quan-ly-tien-cong-duc-va-ba-rem-dieu-chinh/191817.htm