Quản lý tốt hơn rừng phòng hộ

Rừng phòng hộ (RPH) có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội bền vững và gìn giữ ổn định môi trường sống. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, do hạn chế về tài chính và các chính sách có liên quan. Đây là bài toán cần sớm giải quyết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các ban quản lý và các chủ rừng duy trì hoạt động và quản lý bền vững diện tích rừng được giao...

Lực lượng kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng bảo vệ rừng phòng hộ ven biển. Ảnh: CHANH ĐA

Lực lượng kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng bảo vệ rừng phòng hộ ven biển. Ảnh: CHANH ĐA

Rừng phòng hộ (RPH) có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội bền vững và gìn giữ ổn định môi trường sống. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, do hạn chế về tài chính và các chính sách có liên quan. Đây là bài toán cần sớm giải quyết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các ban quản lý và các chủ rừng duy trì hoạt động và quản lý bền vững diện tích rừng được giao...

Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chế độ, chính sách áp dụng đầu tư tài chính cho bảo vệ và phát triển RPH, tuy nhiên việc đầu tư cho con người trực tiếp quản lý bảo vệ rừng chưa tương xứng, lực lượng quản lý bảo vệ rừng chuyên trách của các chủ rừng, chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, các ban quản lý RPH đề xuất Nhà nước cần có chính sách đãi ngộ, có cơ chế tiền lương tương xứng cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Nhằm hỗ trợ quá trình hoạch định chính sách lâm nghiệp cấp tỉnh và cấp quốc gia trong thời gian tới, đặc biệt cho hệ thống RPH Việt Nam, các chuyên gia lâm nghiệp cho rằng, cần đánh giá đầy đủ, khách quan và công bằng để hoạch định các chính sách đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển RPH ổn định và bền vững trong thời gian tới.

Theo Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Đắk Lắk, tiến sĩ Trần Ngọc Thanh, hiện nay đang xảy ra tình trạng sử dụng đất, rừng không theo quy hoạch. Rừng giảm về diện tích và chất lượng, chưa có giải pháp hiệu quả, việc giao quyền sử dụng rừng cho các chủ thể chưa phù hợp những đặc điểm xã hội của vùng và cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, nhu cầu đất sản xuất tiếp tục gia tăng (hộ thiếu đất sản xuất, di dân tự phát) đang đặt ra những vấn đề cho quản lý RPH; sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp (thuộc RPH) chưa được giải quyết và năng lực quản lý còn hạn chế kể cả con người, kinh phí và phương tiện. Thực tế, diện tích và chất lượng RPH ở nhiều địa phương có xu hướng giảm sút, bị tác động mạnh mẽ bởi các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội trong khi năng lực và đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ rừng còn nhiều bất cập. Cùng với đó là các hạn chế khác về chính sách hưởng lợi từ việc quản lý bảo vệ rừng để tạo động lực cho việc bảo vệ diện tích rừng tự nhiên, phát triển rừng trồng và bảo đảm đời sống kinh tế bền vững cho cộng đồng sống gần rừng nhằm giảm áp lực lên diện tích RPH. Theo chuyên gia Đoàn Diễm, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), hiện nay, RPH đang là đối tượng dễ bị tổn thương, dễ bị chuyển đổi mục đích sử dụng cho các nhu cầu khác theo quy hoạch như thủy điện, khai khoáng, giao thông, khu du lịch, nuôi trồng thủy sản, phát triển nông nghiệp… RPH nằm xen kẽ với rừng đặc dụng, rừng sản xuất, đất sản xuất nông nghiệp và khu dân cư; do nhiều đơn vị khác nhau quản lý; chức năng, nhiệm vụ chồng chéo nhau trên một địa bàn, cho nên việc quản lý bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.

Một số chính sách cho hệ thống RPH đang áp dụng hiện nay, như đề án tự chủ và chuyển sang cơ chế tự chủ đang cho thấy nhiều bất cập trên thực tế. Bên cạnh yếu tố năng lực của các chủ rừng, tính khả thi của các dòng đầu tư cho RPH vẫn có nhiều hạn chế cần giải quyết. Theo ông Nguyễn Quốc Dưng, chuyên gia tại Viện Điều tra quy hoạch rừng, Nhà nước cần có giải pháp ổn định và lâu dài trong công tác quản lý, bảo vệ RPH. Về quản trị, cần hạn chế chuyển đổi rừng tự nhiên là RPH, đồng thời xây dựng, nghiên cứu phương án khai thác rừng trồng là RPH một cách hợp lý. Bên cạnh đó cần đầu tư cho RPH, tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng rừng. Về lâu dài, đi đôi với việc tăng cường công tác bảo vệ, cần có lộ trình phù hợp, tiến tới sau năm 2030 tiến hành sáp nhập rừng đặc dụng và RPH để thống nhất quản lý. Các vấn đề về tính bền vững, ổn định của nguồn thu chi trả dịch vụ môi trường rừng; nguồn ngân sách đầu tư và phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ từ rừng trồng có chứng chỉ; chính sách kích cầu cơ chế phối hợp; việc chia sẻ lợi nhuận giữa các đơn vị tư nhân, hộ gia đình… với các chủ rừng nhà nước trong việc đầu tư phát triển rừng trồng cần được xem xét, cân nhắc trên cơ sở thực tiễn trong việc xây dựng chính sách, chiến lược phát triển cho hệ thống RPH của các địa phương trên cả nước.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay cả nước có khoảng 4,64 triệu héc-ta RPH, bao gồm 3,84 triệu héc-ta rừng tự nhiên phòng hộ đầu nguồn và các loại hình khác như: rừng chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng ven biển, rừng bảo vệ môi trường. Phần lớn diện tích RPH được quản lý bởi 231 ban quản lý RPH thuộc các cấp khác nhau. Bên cạnh đó, khoảng hơn 330 nghìn héc-ta rừng đang được cộng đồng, các hộ gia đình, lực lượng vũ trang và các bên khác quản lý.

DŨNG MINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/quan-ly-tot-hon-rung-phong-ho-630381/