Quản lý tốt, nâng cao hiệu quả vốn vay

Những năm qua, hoạt động của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường La đã giúp nhiều đối tượng được tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Hiện nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường La đang tập trung cho vay 15 chương trình: Giải quyết việc làm; hộ nghèo; hộ cận nghèo; hộ mới thoát nghèo; học sinh, sinh viên; sản xuất, kinh doanh hộ gia đình tại vùng khó khăn; hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn... Để quản lý tốt và triển khai hiệu quả vốn vay, Phòng đã kiện toàn các tổ giao dịch tại các xã, thị trấn; phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể ký hợp đồng ủy thác; bố trí các tổ giao dịch lưu động hoạt động tại trụ sở UBND các xã thực hiện giao dịch đúng lịch đã niêm yết. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, tìm giải pháp, giảm thủ tục để giải ngân kịp thời các nguồn vốn đến các xã, thị trấn, giúp đối tượng vay vốn thuận lợi trong việc lập hồ sơ vay vốn, thu nộp tiền lãi, tiền gửi...

Nuôi cá lồng là một trong những hướng đi để thoát nghèo của người dân xã Nậm Giôn (Mường La).

Nuôi cá lồng là một trong những hướng đi để thoát nghèo của người dân xã Nậm Giôn (Mường La).

Ảnh: PV

Anh Lò Văn Lả, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tiểu khu Phiêng Tìn, thị trấn Ít Ong, cho biết: Hiện nay, tổ đang có 37 hộ vay vốn, hộ vay nhiều nhất 100 triệu đồng. Các hộ vay vốn chủ yếu đầu tư phát triển các loại cây, con có giá trị kinh tế, như: Xoài lai, nhãn ghép, chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Thu nhập của các hộ từ 120-200 triệu đồng/năm đã giúp cho cuộc sống được cải thiện; trả lãi và gốc đúng hạn với ngân hàng.

Năm 2014, anh Vì Văn Lả (tiểu khu Phiêng Tìn), vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua 2 con bò sinh sản, đầu tư xây dựng chuồng trại, trồng cỏ voi lấy thức ăn chăn nuôi. Đàn bò tăng dần qua các năm, đến năm 2020, anh trả hết gốc và lãi. Anh Lả phấn khởi, nói: Được vay vốn, lại được cán bộ của huyện, xã về hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nên đàn bò của gia đình tôi phát triển tốt. Hiện nay, gia đình tôi có thu nhập ổn định từ 120 -150 triệu đồng/năm từ nuôi bò. Gia đình tôi đã thoát nghèo, có tiền nuôi con cái ăn học, làm nhà, mua sắm đồ dùng sinh hoạt hàng ngày.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 361 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại 206 bản, tiểu khu, được Phòng ủy thác cho vay thông qua tổ chức đoàn thể. Ngoài nhận ủy thác theo các tổ chức đoàn thể còn tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và thu nợ, thu lãi... Ông Nguyễn Trung Tấn, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, cho biết: Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nên nguồn vốn chủ yếu tập trung vào một số chương trình chính sách an sinh xã hội như: Cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; dân tộc thiểu số nghèo. Phòng đã hoàn thành 100% kế hoạch giao; mức tăng trưởng tín dụng đạt 4,36% so năm 2019. Tổng dư nợ trên 417 tỷ đồng, với 12.784 hộ vay. Trong đó, dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo chiếm 54%, với gần 225 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này đã giúp nhiều hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, mở thêm ngành nghề, liên doanh, liên kết, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 27,3%.

Đàn bò của gia đình anh Vì Văn Lả (tiểu khu Phiêng Tìn), thị trấn Ít Ong (Mường La) phát triển tốt.

Đàn bò của gia đình anh Vì Văn Lả (tiểu khu Phiêng Tìn), thị trấn Ít Ong (Mường La) phát triển tốt.

Với nhiệm vụ được giao, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường La tiếp tục bám sát định hướng của cấp trên, xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch tín dụng cho vay sát với tình hình thực tế; giải ngân nhanh các nguồn vốn cho vay; chủ động đề xuất huy động các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, góp phần hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững.

Minh Tuấn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/quan-ly-tot-nang-cao-hieu-qua-von-vay-39915