Quản lý tốt nguồn lực đất đai để phát triển Thủ đô bền vững

TS. Nguyễn Khánh Ly, Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, quản lý tốt nguồn lực đất đai là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của Thủ đô. Do đó, cần quản lý, sử dụng hiệu quả, hợp lý nhất nguồn tài nguyên đất đai, phát huy tối đa công dụng của đất đai nhằm đạt hiệu ích sinh thái, kinh tế và xã hội cao nhất đồng thời giải quyết những vấn đề, thách thức đặt ra trong quá trình phát triển đô thị.

Luật Thủ đô 2024

Một góc Hà Nội nhìn từ hướng Tây. Ảnh: Phạm Hùng

Một góc Hà Nội nhìn từ hướng Tây. Ảnh: Phạm Hùng

Hà Nội có quỹ đất lớn

Chia sẻ về cơ hội và thách thức trong quá trình quản lý sử dụng tài nguyên đất, TS Nguyễn Khánh Ly cho biết, Luật Thủ đô 2024 sẽ mở ra nhiều cơ hội để Thủ đô Hà Nội phát triển mạnh mẽ và có nhiều đột phá thời gian tới. Tại khoản 2 Điều 2 Luật Thủ đô 2024 đã xác định Thủ đô Hà Nội là “trung tâm chính trị - hành chính Quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan T.Ư của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là TP trực thuộc T.Ư, là đô thị loại đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước”. Do vậy, để Luật Thủ đô 2024 sớm đi vào cuộc sống, Thủ đô Hà Nội cần phải xây dựng, hoàn thiện hệ thống các văn bản, quy định, giải pháp bảo đảm tính khả thi, thống nhất, đồng bộ với hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành của đất nước, tiến hành xây dựng những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội để đáp ứng được với vai trò là đô thị đặc biệt của cả nước.

TS Nguyễn Khánh Ly cho biết thêm, trong những năm qua, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa diễn ra mạnh mẽ ở Thủ đô mang lại diện mạo thay đổi nhanh chóng. Tuy nhiên, cùng đó là gia tăng sức ép lên việc quản lý tài nguyên thiên nhiên như tài nguyên rừng, đất, nguồn nước…

Với tính chất của một đô thị đặc biệt, có điều kiện thuận lợi hơn nhiều các tỉnh, thành khác vì giá trị đất của Hà Nội thường rất cao, bên cạnh những văn bản quy phạm pháp luật về đất đai được áp dụng chung với các tỉnh, thành khác thì chính sách pháp luật đất đai của Hà Nội còn chịu sự chi phối của Luật Thủ đô 2024 với một số nội dung chủ yếu về: quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô; quản lý, sử dụng không gian ngầm; quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan, cải tạo, chỉnh trang đô thị…

Thủ đô Hà Nội có quỹ đất rất lớn để trở thành một nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của Thủ đô và thực tiễn cho thấy, đất đai là điều kiện vật chất cần thiết đối với mọi ngành sản xuất và hoạt động của con người; vừa là đối tượng lao động, vừa là phương tiện lao động. Quản lý tốt nguồn lực này là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của Thủ đô. Do đó, với mục tiêu phát triển đô thị bền vững, hiện đại, yêu cầu đặt ra là cần quản lý, sử dụng hiệu quả, hợp lý nhất nguồn tài nguyên đất đai, phát huy tối đa công dụng của đất đai nhằm đạt hiệu ích sinh thái, kinh tế và xã hội cao nhất đồng thời giải quyết những vấn đề, thách thức đặt ra trong quá trình phát triển đô thị.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của đất đai

Theo các báo cáo tổng kết của TP Hà Nội, hàng năm, công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đã góp phần tạo nguồn thu ngân sách khoảng 20.000 - 28.000 tỷ đồng, chiếm 15 - 18% tổng nguồn thu ngân sách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của Thủ đô.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách đất đai ở Hà Nội cũng bộc lộ nhiều bất cập. Đất đai chưa được quản lý, khai thác và đưa vào sử dụng hiệu quả, tạo thành nguồn lực quan trọng phục vụ sự phát triển. Vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là phải quản lý thuế đất, tài sản đầu tư trên đất một cách hiệu quả, hợp lý, tránh tình trạng sử dụng sai mục đích, lãng phí đất đai, sử dụng sai quy hoạch…, để tạo nguồn lực cho quá trình đô thị hóa, đồng thời giúp cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.

Thị trường đất đai trên địa bàn Hà Nội hiện vẫn vận hành thiếu ổn định, hiện tượng đầu cơ, tăng giá đột biến diễn ra khá phổ biến. Có thể nói, giá đất đầu cơ và lũng đoạn.., gây hậu quả tiêu cực tới phân bổ nguồn lực và phân hóa thu nhập của dân cư. DN và Nhân dân gặp rất nhiều khó khăn để tiếp cận nguồn lực đất đai hoặc phải bỏ ra một khoản kinh tế cao để có thể tiếp cận nguồn lực về đất đai. Dân số Hà Nội hàng năm không ngừng tăng sẽ ngày càng tạo áp lực lên quá trình sử dụng đất.

Giá đất khi bồi thường, hỗ trợ hiện nay thấp hơn nhiều so với giá thực tế thị trường gây khó khăn trong quản lý, bất cập với thực tiễn, gây ra nhiều mâu thuẫn giữa người dân bị thu hồi đất và Nhà nước, tạo khó khăn trong khâu tổ chức thực hiện, tuyên truyền, giải thích cho người bị thu hồi đất và gây ra khiếu kiện kéo dài. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chưa khai thác hiệu quả nguồn lực về đất đai để đất đai trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Liên quan quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất, tại Điều 38, Luật Thủ đô 2024 đã tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập, đây có thể coi là một cơ chế đặc thù giúp cho quá trình thu hồi đất của Hà Nội diễn ra được thuận lợi hơn. Tuy nhiên, cần có những văn bản hướng dẫn chi tiết phù hợp với Luật Đất đai 2024 và làm nổi bật cơ chế đặc thù được thể hiện trong Nghị quyết số 15/NQ-TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là “khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ đất đai, tài nguyên gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… khi Nhà nước thu hồi đất, Thủ đô Hà Nội cần quy định một số nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nhằm tạo cơ chế linh hoạt cũng như bảo đảm quyền, lợi ích của Nhà nước, xây dựng những chính sách có lợi nhất cho người dân, đặc biệt là giá đền bù tiếp cận giá thị trường, tạo điều kiện cho người bị thu hồi đất có cuộc sống khá hơn trước khi bị thu hồi đất, tạo sự đồng thuận và chấp hành quyết định thu hồi đất, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng… làm giảm tình trạng khiếu kiện do thu hồi đất gây ra. Những cơ chế này sẽ giúp cho việc quản lý đất đai ngày càng tốt hơn, giúp TP khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về đất đai với đặc thù của Thủ đô.

Để đất đai thực sự được khai thác có hiệu quả, phát huy đầy đủ, bền vững, trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển, TP Hà Nội cần tích cực đẩy mạnh công tác quản lý, khai thác, sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí đất đai, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến việc khai thác, sử dụng đất đai, đặc biệt là những dự án treo chậm triển khai đưa vào sử dụng làm thất thoát lãng phí nguồn lực đất đai, gây bức xúc trong dư luận, Nhân dân…

"Luật Thủ đô 2024 nhằm đáp ứng mục tiêu đặt ra của 3 Nghị quyết (Nghị quyết 15, Nghị quyết 06, Nghị quyết 30 năm 2022) của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và với Luật Thủ đô 2024, sẽ hứa hẹn tạo xung lực, sức bật để Hà Nội phát triển mạnh mẽ trong Kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" - TS Nguyễn Khánh Ly nhấn mạnh.

Thực hiện công khai hóa các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả với các cơ chế, chính sách ưu tiên, vượt trội nhằm phát triển Thủ đô, gắn với Luật Thủ đô 2024 và theo kết luận của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Việc minh bạch, công khai hóa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một nguyên tắc cơ bản trong quá trình quản lý đất đai của Nhà nước - TS. Nguyễn Thị Thúy - Phó Trưởng khoa Kinh tế chính trị, Học viện Chính trị Công an Nhân dân.

My Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/quan-ly-tot-nguon-luc-dat-dai-de-phat-trien-thu-do-ben-vung-414461.html&dm=027b572e9e1c071dcb7910c5daa29efe&utime=mjaynta0mdmwmtawntq=&secureurl=15