Quản lý trẻ em trên môi trường mạng
Hiện học sinh trên cả nước đã bước vào kỳ nghỉ hè. Ngoài việc tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao thì nhiều em lại dành không ít thời gian để sử dụng điện thoại tham gia mạng xã hội. Việc nhiều em chưa đủ hiểu biết, kiến thức để phân biệt đúng sai với các thông tin trên mạng xã hội sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển nhận thức, tâm sinh lý của trẻ.
Bên cạnh mặt tích cực, mạng xã hội cũng tồn tại những mặt tiêu cực, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển tâm lý, hành vi và nhân cách của trẻ. Bác sĩ Nguyễn Trọng An - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bộ Lao động thương binh và xã hội cảnh báo, việc tiếp xúc với môi trường mạng quá nhiều sẽ dẫn tới những nguy cơ mất an toàn về sức khỏe và tinh thần của trẻ.
Về sức khỏe thể chất, ánh sáng yếu trong suốt thời gian dùng thiết bị điện tử làm cho trẻ em đau đầu, nhức mắt, gù vẹo cột sống. Về tinh thần, trẻ có nguy cơ học theo các hướng dẫn không đúng đắn trên TikTok và YouTube, sa lầy vào những mối quan hệ tình cảm không lành mạnh.
Tuy nhiên, điều lo ngại nhất là nguy cơ trẻ em bị bắt nạt trực tuyến, bị lôi kéo vào những hoạt động phi pháp, hạ nhục, gây tổn thương và đưa vào các nhóm kín. Nguy cơ cao bị quấy rối, lừa đảo, mất tiền và bị ép tham gia vào các hoạt động phi pháp.
Hiện nay việc sử dụng Internet ở trẻ nhỏ là rất phổ biến tại Việt Nam. Theo thống kê, thời lượng sử dụng internet của trẻ em tại Việt Nam gấp ba lần so với thời lượng khuyến cáo. Thời lượng khuyến cáo chỉ là hai tiếng mỗi ngày, nhưng trung bình ở Việt Nam, thống kê cho thấy con số này gần sáu tiếng.
Với thời lượng sử dụng như vậy, bên cạnh việc các em có thể tham gia học hỏi, giao lưu với bạn bè hoặc học tập các kiến thức, các em cũng sẽ đối mặt với những nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng.
Trước những tác động của mạng xã hội đối với trẻ em, nhiều người cho rằng cần phải có những quy định hoặc hình thức để hạn chế việc trẻ em tiếp cận với mạng xã hội nhằm tránh những ảnh hưởng tiêu cực.
Tiến sĩ Nguyễn Hải Chung - Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng các bậc cha mẹ nên đồng hành cùng con, hiểu con và hướng cho con biết phân bổ thời gian hợp lý để cân bằng giữa việc học tập, vui chơi giải trí và tham gia sử dụng mạng xã hội.
Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cần có sự phối hợp và đồng thuận của cả cộng đồng xã hội từ gia đình nhà trường đến các cấp các ngành liên quan. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường nâng cao nhận thức kỹ năng, thái độ sẵn sàng bày tỏ nhu cầu nguyện vọng và trách nhiệm của chính các em trong việc xây dựng môi trường mạng lành mạnh và an toàn.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/quan-ly-tre-em-tren-moi-truong-mang-244363.htm