Quản lý và sử dụng pháo hoa dịp lễ Tết thế nào cho đúng luật?

Càng gần Tết Nguyên đán Quý Mão, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo càng diễn biến phức tạp. Những hành vi trái pháp luật này đã gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người dân cũng như tình hình an ninh trật tự xã hội.

Theo thông tin từ Bộ Công an, càng gần Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo càng diễn biến phức tạp. Sau 6 tuần thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, công an các địa phương đã bắt giữ 588 vụ, 766 đối tượng, thu 16.570kg pháo; trong đó có 17 vụ, 29 đối tượng chế tạo, sản xuất pháo trái phép thu 252,7 kg pháo. Nghiêm trọng hơn, mặc dù các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều cảnh báo nhưng nhiều đối tượng vẫn ngang nhiên mua nguyên liệu thuốc nổ trên mạng xã hội và tự chế pháo để sử dụng trái phép, gây ra hậu quả khôn lường.

Từ những vụ việc này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc chế tạo, mua bán trái phép các loại pháo nổ của người dân, gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe và an sinh toàn xã hội.

Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc phỏng vấn luật sư Lê Ngọc Hoàng, Trưởng Văn phòng Luật sư Long Tâm, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội về việc quản lý và sử dụng pháo, giúp người dân có thêm thông tin về các loại pháo được phép mua, sử dụng và những loại đang bị cấm.

Phân biệt pháo nổ và pháo hoa theo Nghị định 137

- Thưa luật sư, trước thềm Tết Quý Mão 2023, người dân được phép sử dụng loại pháo hoa nào và sử dụng trong trường hợp nào để không vi phạm pháp luật?

Từ xưa đến nay, theo phong tục đón Tết cổ truyền, người dân nước ta tổ chức đốt các loại pháo nổ, pháo sáng mừng Xuân. Nhưng từ ngày 1.1.1995, hành vi này đã bị cấm theo Chỉ thị số 406-TTg ngày 8.8.1994 của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng theo quy định tại Khoản 1, Điều 17, Nghị định 137/2020 thì cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân (nhân dân) có đầy đủ năng lực hành vi dân sự đều được quyền sử dụng pháo hoa trong các trường hợp “Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật”. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng chỉ được mua pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng theo quy định, chỉ được mua tối đa 3 giàn pháo hoa tại các cửa hàng và có hóa đơn chứng từ kèm theo.

Vậy nên, người dân có quyền sử dụng, chơi pháo hoa vào dịp Tết Quý Mão 2023 nhưng phải chú ý tuân theo một số quy định để tránh vi phạm pháp luật.

Luật sư Lê Ngọc Hoàng, Trưởng Văn phòng Luật sư Long Tâm

- Theo Nghị định 137 của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng chỉ được mua pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng theo quy định. Vậy loại pháo hoa này khác biệt gì so với pháo hoa nổ là loại vẫn bị cấm?

Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định pháo bao gồm pháo nổ và pháo hoa, trong đó, pháo nổ bao gồm pháo nổ và pháo hoa nổ. Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ.

Pháo hoa nổ không phải là dạng pháo hoa thông thường và chỉ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được phép mua bán, sử dụng loại pháo hoa này. Người dân tuyệt đối không được sử dụng, tàng trữ trái phép bởi mức độ nguy hiểm cực lớn. Tai nạn do sử dụng các loại pháo có chứa thuốc nổ để lại hậu quả thương tật vĩnh viễn cho chính nạn nhân, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội, nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến tính mạng

Còn pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng là loại “pháo hoa không gây ra tiếng nổ”, được chế tạo bởi doanh nghiệp, tổ chức có thẩm quyền. Chỉ có một số cá nhân, tổ chức, hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhất định, được cấp phép mới được bán loại “pháo hoa không gây ra tiếng nổ”. Loại pháo này đã được Nghị định số 36/2009/NĐ-CP cho phép sử dụng trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và thực tế người dân vẫn sử dụng trong các buổi sinh nhật, cưới hỏi…

Tuy nhiên, việc mua “pháo hoa không gây ra tiếng nổ” để bán lại cho người khác với mục đích kiếm lời là hành vi bị cấm, bởi chỉ một số cá nhân được phép của cơ quan có thẩm quyền mới được bán loại pháo hoa không gây tiếng nổ này.

Người dân cần phân biệt rõ ràng giữa pháo hoa và pháo hoa nổ

Người dân cần phân biệt rõ ràng giữa pháo hoa và pháo hoa nổ

- Vậy các cá nhân được phép sử dụng pháo hoa phải đáp ứng những điều kiện gì, thưa ông?

Các cá nhân được phép sử dụng pháo hoa phải phải có độ tuổi từ 18 trở lên. Trẻ em và trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi tuyệt đối không được phép sử dụng kể cả loại pháo hoa không gây tiếng nổ, và đương nhiên, các loại pháo nổ, pháo hoa nổ khác bị cấm theo quy định pháp luật.

Các cá nhân phải có đủ năng lực hành vi dân sự để bảo đảm an toàn cho mình và mọi người xung quanh. Phải có nhận thức, tinh thần tỉnh táo bình thường, không mang bệnh tâm thần hay dễ bị kích động do hiệu ứng của âm thanh, ánh sáng cường độ khá cao của pháo hoa đem lại. Phải biết mua, phân biệt loại pháo hoa và pháo nổ với các tiêu chí về âm thanh, ánh sáng, cũng như tính chất vật lý. Người dân chỉ được sử dụng sản phẩm pháo hoa do Công ty TNHH Một thành viên Hóa chất 21 cung cấp với đề nghị được đơn vị này hướng dẫn sử dụng rõ ràng.

Khi sử dụng pháo hoa, người dân phải tuân thủ các nguyên tắc: Đúng pháp luật; đúng mục đích, quy định và bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường. Nếu trong quá trình sử dụng phát hiện sản phẩm hỏng, hết hạn hoặc không còn nhu cầu sử dụng phải tiêu hủy đúng quy trình và bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường.

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về pháo

- Vào mỗi dịp cuối năm, tình trạng sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng pháo trái phép thường có những diễn biến phức tạp. Vậy dưới góc độ pháp lý, các hành vi trên sẽ bị xử lý thế nào, thưa luật sư?

Tình hình sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo trái phép những dịp cuối năm tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, trật tự thường diễn biến phức tạp. Pháp luật hiện hành đã quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng pháo, theo đó, mọi hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo sẽ bị xử lý theo quy định. Về chế tài xử lý được quy định cụ thể như sau: Quy định xử phạt đối với hành vi đốt, sử dụng pháo hoa trái phép tại Điểm i, Khoản 3, Điều 11, Nghị định 144/2021/NĐ-CP có thể bị xử phạt hành chính “Mức tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng”. Ngoài ra người vi phạm còn có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm.

Trường hợp hành vi sử dụng pháo làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 318, Bộ luật Hình sự 2015 - tội danh gây rối trật tự công cộng với hình phạt thấp nhất “Phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ từ 03 tháng đến 02 năm”; hoặc có thể bị xử phạt cao nhất đến 07 năm tù đối với hành vi phạm tội với tình tiết nghiêm trọng như có tổ chức; gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc đình trệ hoạt động công cộng; xúi giục người khác vi phạm; hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; tái phạm nguy hiểm.

Mặc dù luật pháp đã đưa ra mức phạt rất nghiêm khắc nhưng một số đối tượng vẫn sẵn sàng vì lợi nhuận; coi thường pháp luật về quản lý, sử dụng pháo. Hệ quả là những nguy cơ hoặc tai nạn về pháo nổ đã xảy ra ở một số nơi, nhất là vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán. Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần đưa ra các chế tài hợp lý và xử lý mạnh tay hơn nữa để tăng tính răn đe các hành vi vi phạm pháp luật này. Đồng thời thông tin và khuyến cáo người dân cần nâng cao nhận thức, bảo đảm an toàn trong quản lý và sử dụng pháo theo đúng quy định của pháp luật.

- Xin cảm ơn luật sư!

Trang Nhung thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giai-dap-phap-luat/quan-ly-va-su-dung-phao-hoa-dip-le-tet-nhu-the-nao-cho-dung-luat--i314281/