Quản lý, vận hành bền vững công trình cấp nước sinh hoạt tập trung
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có trên 1.400 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung khu vực nông thôn, nhưng chỉ có 40 công trình hoạt động bền vững (chiếm 2,8%), 197 công trình tương đối bền vững (chiếm 13,7%). Còn lại là các công trình hoạt động kém hiệu quả và không hiệu quả.
Nguyên nhân dẫn đến hoạt động của công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn còn kém hiệu quả là do công tác quản lý vận hành dẫn tới hệ thống công trình chưa được bảo dưỡng, tu sửa kịp thời, đúng quy định; công tác bảo vệ công trình còn yếu, nhiều hệ thống đường ống bị người dân tự ý đục ống lấy nước, hoặc ảnh hưởng thiên tai chưa được sửa chữa, khắc phục kịp thời. Đa số các công trình đều sử dụng nguồn nước ngầm nên bị ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu, mưa lũ, nước ngầm ngày càng hạ thấp dẫn đến cạn kiệt, nguồn nước không ổn định.
Để khắc phục tình trạng trên, từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo vệ môi trường, nguồn nước; bảo vệ công trình cấp nước và quản lý sử dụng công trình nước tập trung hiệu quả, bền vững, hằng năm, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh thường xuyên mở các lớp tập huấn quản lý vận hành công trình cấp nước cho cán bộ quản lý công trình cấp nước của các xã, bản trên địa bàn toàn tỉnh về những nguyên nhân cơ bản trong quản lý vận hành công trình cấp nước tập trung nông thôn; trang bị kiến thức, nâng cao ý thức, hiểu biết của cán bộ quản lý vận hành và người dân về các tiêu chí của tính bền vững về công trình nước sạch... Bà Phạm Thị Óng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phiêng Khoài (Yên Châu) nói: Thông qua các buổi tập huấn, tôi đã tiếp thu được kiến thức cơ bản về sử dụng nước cũng như bảo vệ nguồn nước, trên cơ sở đó, tôi sẽ tham mưu với cấp ủy, chính quyền xã để thành lập các tổ, nhóm cấp nước an toàn, đẩy mạnh tuyên truyền đến hội viên và nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, bảo vệ công trình cấp nước, nguồn nước. Còn bà Hà Thị Duyên, Chủ tịch Hội LHPN xã Chiềng Khoa (Vân Hồ) chia sẻ: Chúng tôi đang tham mưu cho xã xây dựng kế hoạch thu tiền nước của các hộ dân hưởng lợi để Ban Quản lý nước an toàn của xã có kinh phí sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng công trình cấp nước, đảm bảo công trình hoạt động hiệu quả.
Là một trong những công trình cấp nước bền vững trên địa bàn tỉnh, công trình cấp nước sinh hoạt xã Chiềng Xôm (Thành phố) đưa vào hoạt động năm 2018, đến nay công trình vẫn đang vận hành tốt, đáp ứng nước sinh hoạt cho trên 1.000 hộ dân ở 10 bản trong xã. Để khai thác và sử dụng công trình hiệu quả, bền vững, xã Chiềng Xôm đã phân công đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã trực tiếp theo dõi việc quản lý công trình; phân công cán bộ kỹ thuật trực 24/24 giờ tại trạm để đảm bảo việc cung cấp nước liên tục, ổn định phục vụ bà con. Đồng thời, chỉ đạo cắm mốc bảo vệ nguồn nước đầu nguồn có bán kính trên 500 m. Cùng với đó, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể trong xã thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” nhất là ở xung quanh khu vực đầu nguồn nước. Ông Lò Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Chính quyền xã thường xuyên vận động người dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và chuyển đổi diện tích đất nương trồng các loại cây lương thực ngắn ngày sang trồng các loại cây ăn quả, vì khi trồng các loại cây lương thực, thường sử dụng lượng thuốc diệt cỏ nhiều hơn, ảnh hưởng không tốt đến môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước.
Với mục tiêu đến hết năm 2025, toàn tỉnh có 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, các cấp, ngành cần chú trọng đổi mới mô hình quản lý công trình cấp nước, nhất là quản lý sau đầu tư; tiếp tục mở các lớp tập huấn cho cán bộ, nhân dân về sử dụng, bảo trì các công trình cấp nước; xây dựng quỹ tu sửa, bảo dưỡng công trình; tăng cường hoạt động tuyên truyền cho người dân về tầm quan trọng và lợi ích của các công trình để người dân cùng tham gia bảo quản, gìn giữ, phát huy công trình một cách bền vững.